Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Theo WHO, có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm, tức là cứ mỗi giờ lại có 45 người chọn cách từ giã cõi đời vì căn bệnh này.
Một điều đặc biệt, bệnh trầm cảm không dễ dàng nhận biết, dù là căn bệnh gây chết người thứ hai sau bệnh tim mạch. Chính vì vậy, nhận diện, đối mặt để kiểm soát cơn trầm cảm là điều cần thiết với bất cứ ai.
PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa và TS Lê Nguyên Phương trong buổi tọa đàm về trầm cảm và cách chữa trị do Anbooks tổ chức.
Những điều đó được phân tích khá kỹ trong cuốn “Có một cơn đau mang tên trầm cảm” của PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa. Chị có con trai từng bị trầm cảm, thông qua câu chuyện nỗ lực từng ngày để giúp con vượt qua khó khăn về thể xác lẫn tinh thần, chị đã mang đến những nhận thức cụ thể hơn về căn bệnh này, đồng thời đưa ra những bài học bổ ích trong cách đồng hành chia sẻ và chữa trị cùng con, từ đó, tạo ra niềm hy vọng cho những bậc phụ huynh có con đang bị bệnh trầm cảm.
Tác phẩm chia làm ba phần: Khi mây đen kéo tới, Bình an đi qua cơn đau và Sau mây đen là nắng ấm. Tổng cộng với 65 chương ngắn kể về trải nghiệm của tác giả với căn bệnh trầm cảm của con trai. Những bài học rút từ những kinh nghiệm cá nhân riêng tư của tác giả được củng cố bởi những thông tin có chứng cứ khoa học đã giúp người đọc hiểu được những phương cách cụ thể lẫn những nguyên lý khái quát khi đối mặt với những đám “mây đen” của người thân.
Không còn là góc nhìn khô cứng của một chuyên gia mà cả cuốn sách chính là tình thương yêu và sự kiên nhẫn của một người mẹ dũng cảm đồng hành cùng con để chữa bệnh, chia sẻ về tinh thần và đạt đến kết quả nhất định.
Nhìn nhận về cuốn sách, TS Lê Nguyên Phương cho rằng, những kết luận từ những chuyện đời giữa mẹ và con, mà tác giả khiêm tốn gọi là “ghi chú”, vốn mang tính triết lý nhưng ít ai để ý nó cũng hàm chứa một nội dung khoa học hay lâm sàng rút ra từ ngành tham vấn và điều trị tâm lý.
“Trong quá trình chiến đấu với tâm bệnh đòi hỏi đánh giá khách quan và có cái nhìn đầy đủ nhất về tiến triển của bệnh. Do đó hãy tìm cách ghi chép lại diễn tiến của bệnh...”. Nhật ký hải trình như tác giả đề nghị sẽ giúp chúng ta bình tâm nhận ra hướng đi của gió bão bên cạnh những vùng biển lặng, không chỉ để giúp con vượt qua những ngày khổ nạn mà còn để bên nhau mẹ và con tận hưởng bình yên của giây phút hiện tại này.
Bìa cuốn sách Có một cơn đau mang tên trầm cảm.
"Trải nghiệm của tác giả một lần nữa củng cố thêm điều tôi luôn tin, rằng chỉ có sự bình yên trong tâm hồn cha mẹ mới đưa con được đến bến bờ bình yên. Và qua cuốn sách này, tri thức có thêm một chức năng mới. Tri thức không chỉ đem đến sức mạnh mà còn đem đến sự bình yên. Mong cuốn sách này sẽ mang đến sự bình yên cho người đọc”, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhìn nhận.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa là Tiến sĩ Tâm lý học xã hội tại Đại học Tổng hợp Moscow. Chị có một khoảng thời gian khá dài là Thực tập sinh Tâm lý học lâm sàng tại Trường Tâm lý học Thực hành Paris, thuộc Đại học Catholic, Paris, Pháp. Sau đó, có 3 năm hợp tác hướng dẫn thực tập sinh người Pháp tại Việt Nam.
Chị được phong học hàm Phó Giáo sư vào năm 2010 và từng là Nghiên cứu viên, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam từ năm 1995-2001.
Chị hiện đang là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind VN, tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích cung cấp kiến thức về: Tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology); Sức khỏe tâm lý (Mental Health); Các rối loạn về tâm thần (Mental Disorders) cũng như các phương pháp điều trị cho người Việt Nam. Trong hơn một năm qua, chị cũng thực hiện các buổi chia sẻ, tư vấn, tham vấn cho nhiều người thân của người đang bị trầm cảm và cả những người đang bị bệnh trầm cảm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.