Có nên chuyển thể sách "ăn khách" thành phim?

Mai An Thứ sáu, ngày 28/08/2015 08:10 AM (GMT+7)
Xuất bản từ tháng 4.2015, cho đến giờ cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” vẫn chưa hết nóng. Một cuộc tranh luận rất sôi nổi trên mạng xã hội được dấy lên khi tác giả Bình Ca đưa ra câu hỏi: Nên hay không dựng “Quân khu Nam Đồng” thành phim?
Bình luận 0

Nỗi lo một “thảm họa” màn ảnh nhỏ

Trên trang mạng xã hội facebook của mình, tác giả Bình Ca nêu ra câu hỏi: “Trong hai tuần đầu sau khi in, “Quân khu Nam Đồng” đã được khá nhiều nhà biên kịch, đạo diễn, nhà văn nổi tiếng đề nghị mua bản quyền làm phim.

Đa phần muốn làm phim truyền hình, vài chục tập. Nói chung họ muốn mua đứt bản quyền. Tác giả nhận tiền và họ toàn quyền làm phim. Rất nhiều người ủng hộ làm phim… nhưng vì “Quân khu Nam Đồng” gắn liền với kỷ niệm và lòng tự hào của những người đang sống, nên tác giả rất phân vân. Từ chối sợ mang tiếng "chảnh". Nhưng nếu làm phim không "tới", sợ ảnh hưởng tới hình ảnh một thời của “Quân khu Nam Đồng” và những người đang sống?”.

img

Cuốn “Quân khu Nam Đồng” lại thêm một lần làm nóng dư luận khi tác giả có ý định chuyển thể thành kịch bản phim truyền hinh.   Ảnh: T.L

Tác giả của cuốn sách thuộc dạng “best-seller” phân tích thêm: “Chẳng hạn, nếu làm 40 tập phim truyền hình như một nhà biên kịch danh tiếng đề nghị, kịch bản sẽ phải thêm rất nhiều thoại, tình tiết. Liệu những Việt, Hoà, Anh Sơn, Bích Bọp... có phản ứng khi những nhà biên kịch không từng sống trong khu Nam Đồng ngày ấy đặt vào miệng họ những lời họ chắc chắn sẽ không bao giờ nói, gán cho họ những hành động mà nếu ở trong tình huống đó họ không bao giờ làm? Và nếu tiền ít vì kinh phí làm phim truyền hình của VTV vốn theo định mức, liệu có đủ điều kiện tái hiện lại được bối cảnh một thời đã rất xa, và có chọn được đạo diễn, diễn viên tốt?

Cuối cùng, tác giả Bình Ca quyết định “trưng cầu ý kiến” độc giả: “Khi “Quân khu Nam Đồng” được in ra, nó đã thuộc về công chúng và các bạn. Câu trả lời “Có” hay “Không” (hoặc “Chưa”, khi chưa đủ điều kiện) thuộc về các bạn”.

Từ câu hỏi bỏ ngỏ này, một cuộc tranh cãi vô cùng quyết liệt đã xảy ra trên mạng xã hội liên quan đến việc nên hay không dựng cuốn sách thành phim. Đọc những bình luận của độc giả cuốn sách mới thấy, “Quân khu Nam Đồng” có những độc giả dễ thương, trung thành và cũng hết sức “ngang bướng” thế nào.

Để bảo vệ cho các ý kiến không đồng ý chuyển sách thành phim, NSƯT Chí Trung đã đưa ra một bình luận chắc nịch: “Em bỏ phiếu “Không” vì nó sẽ không còn như anh và tất cả chúng ta mong muốn đâu… Ngay cả trên thế giới, hầu như (không phải tất cả) những tác phẩm văn học đi sâu vào lòng người khi tái hiện trên phim ảnh nhất là truyền hình đều không giữ được cảm xúc của những người đã đọc bản sách văn học. "Quân khu Nam Đồng" tương tự như nước mắm nguyên chất loại hảo hạng, làm sao anh có thể pha chế ra thành một loại nước chấm cho số đông mà còn giữ được tinh chất (hồn cốt) của anh”.

Đồng quan điểm với nghệ sĩ Chí Trung, rất nhiều độc giả khác cũng cho biết, họ không tin là khả năng làm phim truyền hình của các nhà làm phim hiện nay có thể làm cho tác phẩm trở nên hay hơn mà có khi lại phá “Quân khu Nam Đồng”. Họ sợ rằng từ sách đến phim, “Quân khu Nam Đồng” sẽ trở thành một “thảm họa” của màn ảnh nhỏ.

 9 người 10 ý

Có vẻ như những bình luận chê sát ván phim truyền hình đã khiến cho nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến bị “mếch lòng” nên anh cũng sẵn sàng giãi bày những ý tưởng của mình: “Mình không giấu là đã đề nghị tác giả “Quân khu Nam Đồng” cho chuyển thể. Nhưng giờ thì mình chính thức rút. Một tác phẩm văn học nếu được chuyển thể làm phim thì chỉ có tốt lên thôi. Bạn nào nghi ngờ điều này hãy soi danh mục mình đã chuyển thể, trong đó có những tác giả và tác phẩm rất nổi tiếng. Và ở đó không có sự thất vọng. Cũng nói thêm để các bạn quan tâm đến “Quân khu Nam Đồng”  biết. Trước khi gặp anh Bình, mình đã suy nghĩ nghiêm túc về chuyện làm phim với một tinh thần trách nhiệm của một người làm nghề và của một người Hà Nội từng sống thời "quân khu" có hiểu biết về không chỉ một "Quân khu Nam Đồng".

Trước khung cảnh “9 người 10 ý” này, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã đưa ra lời khuyên của ông với tác giả Bình Ca: “Muốn được như ý thì tác giả và các nhân vật của cuốn sách nên đứng ra làm phim. Còn không thì nên chọn mặt gửi vàng và chấp nhận phần rủi ro trong sự lựa chọn đó. Và hãy nhớ đây là phim truyện, không phải phim tư liệu, phải tin tưởng các nhân vật cuốn sách, họ cũng có đủ bản lĩnh văn hóa để biết thế nào là thật trong một bộ phim truyện; thật của phim tư liệu và thật của phim truyện khác nhau về chất như thế nào. Nếu không tin tưởng họ, cứ sợ các nhân vật trong sách phản ứng vì sự ngộ nhận giữa phim và đời thì đừng làm phim. Phim chưa xong đã cãi nhau như mổ bò thì mệt lắm”.

Việc nên hay không nên dựng “Quân khu Nam Đồng” thành phim trong thời điểm này rõ ràng là một quyết định quan trọng mà cần chính tác giả cân nhắc kỹ. Bình Ca quyết định  đưa ra để “trưng cầu dân ý” nhưng có lẽ chính sự quyết liệt của độc giả sẽ càng “gây khó” cho tác giả của cuốn sách được rất nhiều người yêu thích này. Bởi vậy mà ngày 27.8, khi phóng viên NTNN liên lạc với tác giả để hỏi quan điểm của ông về việc có hay không dựng sách thành phim, tác giả Bình Ca đã xin phép không đưa ra câu trả lời. 

Quân khu Nam Đồng” là cuốn sách viết về một thời thơ ấu của nhóm trẻ con các gia đình sống trong khu tập thể quân đội Nam Đồng ở Hà Nội. Chúng nghịch ngợm, đánh nhau, trêu chọc thầy cô giáo và làm nên cái tên “quân khu” khét tiếng một thời. Nhưng những đứa trẻ ở khu tập thể ấy đã trưởng thành, mỗi người có một số phận của mình, người còn người mất nhưng chính họ đã đóng góp một phần vào số phận bi tráng, hào hùng của những thế hệ thanh niên Hà Nội những năm 1960 - 1970.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem