Có nên đầu tư vào bất động sản những tháng cuối năm?

03/09/2020 17:51 GMT+7
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến bức tranh thị trường bất động sản càng trở nên u ám. Nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra đánh giá, phân tích, nhận định về tình hình thị trường bất động sản những tháng cuối năm...

Có ít tiền không nên đầu tư vào bất động sản

Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (Jll Việt Nam) cho rằng, trong ngắn hạn cần cẩn trọng nếu lướt sóng đầu tư, bởi trong 12 tháng đến 18 tháng tới thị trường tương đối khó khăn. Vì vậy, bất động sản (BĐS) không còn dành cho nhà đầu tư ngắn hạn, kiếm tiền không bền vững thì rất nhanh mất cả vốn lẫn lãi, bởi BĐS là cuộc chơi của trung và dài hạn.

Có nên đầu tư vào bất động sản những tháng cuối năm? - Ảnh 1.

Một góc Khu đô thị Belhomes thuộc Khu công nghiệp Vsip Bắc Ninh. Ảnh: Tuấn Nguyễn

“Bất kỳ phân khúc nào của BĐS cũng đều rất tốt. Tuy nhiên, hãy đầu tư vào BĐS trung và dài hạn, đừng nhìn ngắn hạn, ngắn hạn rất nguy hiểm” – ông Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, đầu tư BĐS nếu ít tiền và phải dùng đòn bẩy tài chính thì không nên tham gia. "Chúng ta không biết được đến lúc nào BĐS mới tăng giá mạnh, kéo dài thời gian sử dụng đòn bẩy dài như vậy không an toàn. Vì vậy, nếu có ít tiền thì nên gửi ngân hàng, tôi cho rằng lãi suất hiện tại so với các kênh đầu tư trên thị trường đang rất tốt" - ông Đính nói.

Đầu tư BĐS chỉ dành cho người nhiều tiền, bởi BĐS có hai yếu tố sinh lợi là giá trị và thời gian. BĐS trong suốt vài chục năm qua trải qua 3 - 4 cuộc khủng hoảng, nhưng giá BĐS tính bình quân vẫn tăng. Có những chỗ tăng gấp 2 - 3 lần sau một thời gian ngắn. Cùng với sự gia tăng theo giá trị BĐS còn có thể khai thác kinh doanh cho thuê.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, đầu tư BĐS ăn ngay rất khó. Theo ông Lực, đầu tư BĐS phải chú ý đến 3 yếu tố vô cùng quan trọng: thứ nhất là đầu tư dài hạn, thứ hai là không dùng đòn bẩy tài chính, thứ ba là không đầu tư theo kiểu "bỏ tất cả trứng vào một giỏ".


Bất động sản trong “nguy” có “cơ”


Theo ông Nguyễn Văn Đính, trong một chuỗi quá trình phát triển của thị trường BĐS từ năm 2017 – 2018, thị trường BĐS rất sôi nổi, rất mạnh nhưng đến năm 2019 thì dừng lại, các chỉ số của thị trường ngay lập tức giảm hơn so với năm 2018. Vậy đây có phải là khủng hoảng không? Ông Đính cho rằng không phải, bởi thị trường BĐS đang bị tác động xấu từ những yếu tố khách quan như dịch bệnh, nguồn cung bị dừng lại do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Những yếu tố này khiến giao dịch trên thị trường giảm mạnh nhưng khác hoàn toàn với giai đoạn khủng hoảng những năm 2010.


Cụ thể, ông Đính cho biết, hiện mỗi địa phương có khoảng 20 - 30 dự án bị dừng triển khai, còn các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh có tới cả trăm dự án. Việc các dự án bị dừng triển khai dẫn đến nguồn cung thiếu, trong khi lực cầu vẫn tăng mạnh. Theo ghi nhận của Hiệp hội BĐS Việt Nam, có những dự án được hấp thụ lên tới 90%. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh có những dự án giá bán lên tới 40 triệu đồng/m2 nhưng trong vòng hai ba tháng đã tiêu thụ tới 95%.


Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, BĐS là một trong 8 lĩnh vực bị tác động rất mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, cơ hội thị trường BĐS là rất lớn. Trong "nguy" có "cơ". Theo ông Lực, BĐS nhà ở còn rất nhiều tiềm năng, có thể thấy hiện nay ngân hàng tung rất nhiều gói cho vay hỗ trợ mua nhà ở, đặc biệt là phân khúc BĐS công nghiệp đang có lợi thế và phát triển rất mạnh mẽ...


Cùng với đó, Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công, lĩnh vực xây dựng ăn theo rất tốt, đầu tư công lan tỏa sang các lĩnh vực khác rất nhiều, thúc đẩy những lĩnh vực khác tăng trưởng theo, vì vậy, thị trường BĐS nói chung và các phân khúc BĐS nói riêng được kỳ vọng cũng sẽ sớm phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Văn Tuấn/Thoibaotaichinhvietnam
Cùng chuyên mục