Có nên ồ ạt trồng cao su ở miền núi phía Bắc?

Thứ bảy, ngày 14/05/2011 16:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có thể khẳng định, cao su là một trong những cây cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng có nên phát triển ồ ạt ở các tỉnh miền núi phía Bắc như thời gian qua thì vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều.
Bình luận 0

Việc phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực sự "nóng" ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người dân đã góp đất trồng cao su, việc phá rừng tự nhiên để trồng cao su, loại cây có phù hợp với điều kiện tự nhiên của các tỉnh miền núi phía Bắc... là những câu hỏi lớn vẫn đang được đặt ra.

img
Cao su tiếp tục được đào hố trồng mới ở xã Vô Điếm (Bắc Quang, Hà Giang).

Nhiều công nhân bỏ việc

Một trong nhiều lý do để cây cao su dù đang phát triển mạnh ở miền núi phía Bắc nhưng lại "không được lòng" của ND nơi đây chính là những lời hứa "nhập nhằng như cao su" của các công ty cổ phần cao su (CTCPCS).

Ông Quàng Văn Mấng - ND bản Tâu, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), cho biết: "Con trai tôi là Quàng Văn Tân và các trai bản khác phải bỏ làm ở CTCPCS vì thu nhập bấp bênh, chế độ lại chẳng có".

Anh Quàng Văn Thân - công nhân cao su ở bản Tâu, bức xúc: “Tôi đi làm công nhân từ tháng 7.2008, thu nhập bình quân từ 1-2 triệu đồng/tháng nhưng công việc vất vả lắm. Khi phun thuốc trừ sâu, nhiều công nhân bị ngất phải đưa vào viện cấp cứu, nhưng hỏi đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì không có, mà tháng nào chúng tôi cũng bị trừ 170 nghìn đồng tiền bảo hiểm các loại”.

Ông Lò Văn Chúng - Trưởng bản đội 10, xã Thanh Nưa cho biết thêm: Bản có gần 40ha cây cao su. Trước đây có mấy người trong bản là công nhân của CTCPCS nhưng nay nghỉ hết vì chế độ đãi ngộ chẳng rõ ràng, lương thì không đủ sống.

Anh Quành Văn Thành (bản đội 10) nguyên là công nhân của CTCPCS Điện Biên, kể: “Tôi nhận khoán chăm sóc 8,5ha cao su, vườn luôn đạt loại A, vậy mà mỗi tháng công ty chỉ trả tôi 1 triệu đồng như các hộ nhận khoán 1ha. Thắc mắc thì cán bộ cao su bảo, chỉ có thế, không nhận thì thôi, thế là tôi bỏ việc”.

Những hộ như ông Mấng, anh Thành... còn may mắn vì họ mới chỉ góp một phần đất sản xuất. Những hộ dân tái định cư thuỷ điện Sơn La "đồng thuận cao" góp cả 100% diện tích đất sản xuất để mong được làm công nhân của công ty cao su nay mới ngã ngửa là bị lừa. Anh Lò Văn Loan ở bản Huổi Cưởm (Mường La, Sơn La) cho biết thêm: Các bản ở đây chưa có ai được tuyển vào làm công nhân như họ (công ty cao su- PV) đã hứa cách đây 3 năm. Tất cả chỉ làm hợp đồng thời vụ nên thu nhập rất thấp...”.

Nên tiếp tục trồng thử nghiệm

Ông Hoàng Nhị Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang cho rằng: Ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), giáp ranh với Hà Giang, đã trồng cao su từ hàng chục năm nay và loài cây này phát triển rất tốt. Vì vậy, cao su hoàn toàn có thể trồng được ở Hà Giang. Cao su không những mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, mà còn giúp hàng nghìn lao động có việc làm ở tỉnh nghèo nhất cả nước này.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV của tỉnh Hà Giang cũng khẳng định: Hà Giang có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với việc phát triển cây cao su”; đồng thời nhấn mạnh, đây là cây mũi nhọn của địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Chu - Phó Giám đốc CTCPCS Hà Giang cho hay: "Công ty và Tổng Công ty Cao su VN đã trồng thử nghiệm và thấy cao su khá phù hợp so với các loại cây khác. Thiệt hại đợt rét đậm, rét hại vừa qua là ngoài dự kiến". Nhưng khi PV hỏi ông Chu là nên hay không nên trồng ồ ạt cao su trong một thời gian ngắn thì ông bày tỏ: "Công ty trồng là để kịp tiến độ kế hoạch (10.000ha cao su vào năm 2015)".

Ông Sùng Chứ Thếnh-Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên, từng là Chủ tịch UBND một số huyện trong tỉnh, bộc bạch: Trước ở một số huyện đã phát động ND trồng một số cây. Lúc làm thì gọi là cây mũi nhọn, quyết tâm cao, dồn lực lớn, nhưng cũng chưa có loại cây nào thành mũi nhọn thật sự ở vùng cao Điện Biên. Cây cao su chưa từng được thử nghiệm trọn vẹn ở Tây Bắc nên xem xét một cách khoa học, chứ không nên làm ồ ạt.

Ông Đinh Văn Minh- Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang) phân giải: "Chúng tôi không có chuyên môn, việc tiếp tục trồng đại trà hay không là do tỉnh và CTCPCS quyết định. Nhưng theo tôi, trồng đến đâu phải chắc đến đó".

Theo ông Mai Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, Vị Xuyên, Hà Giang, việc trồng cao su là chủ trương của cấp trên, xã chỉ phối hợp thực hiện. Bài học cao su chết trong đợt rét vừa qua, cần kéo dài thời gian trồng thử nghiệm, đồng thời trồng nhiều loại giống khác nhau, xem giống nào thích hợp nhất.

Theo Viện Nghiên cứu cao su VN, thời vụ trồng cao su hợp lý nhất là vào vụ xuân. Hiện có các giống cao su có thể trồng được ở vùng lạnh như: IAN 873, GT1, RRIM712. Theo Viện này, nguyên nhân dẫn đến cao su chết hàng loạt ở Hà Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc một phần do thời tiết, giống chưa phù hợp, một phần là khâu kỹ thuật yếu kém. Viện khuyến cáo cần chú ý đến kỹ thuật chăm sóc và nên thử nghiệm trước khi trồng nhân ra trên diện rộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem