Có nghề trong tay, nông dân “đánh bay” cái nghèo

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 08/12/2019 13:00 PM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có hàng triệu lao động ở các địa phương trên cả nước được học nghề, trong đó có nhiều lao động thuộc hộ nghèo. Nhờ có nghề trong tay, rất nhiều lao động đã thoát nghèo, vươn lên và có cuộc sống khá giả.
Bình luận 0

350.000 người thoát nghèo nhờ học nghề

Chị Kiều Thị Sáu ở xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) là một trong những lao động nghèo được tham gia lớp dạy nghề mộc dân dụng của địa phương. Trước đây chị chỉ ở nhà làm ruộng, thu nhập bấp bênh bởi phụ thuộc vào thời tiết và làm theo kinh nghiệm. Năm 2018, khi biết thông tin huyện Quốc Oai mở lớp dạy nghề Mộc dân dụng, chị Sáu mạnh dạn đăng ký tham gia.

Sau khóa học 3 tháng, chị Sáu đã được làm những công việc cơ bản như đứng máy cưa, bào, cắt..., có thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng. Nhiều nông dân thuộc diện hộ nghèo xã Đông Yên khi đang theo học lớp đào tạo nghề sản xuất hàng mây tre giang đan cũng được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm nên rất phấn khởi, chăm chỉ đến lớp.

img

Lao động nghèo được học nghề, góp phần tăng thu nhập thoát nghèo (Ảnh lớp dạy nghề mộc ở Quốc Oai – Minh Nguyệt)

Ông Nguyễn Đức Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: Năm 2018, huyện đào tạo nghề cho 1.943 lao động nông thôn, trong đó có 1/3 trong số này là lao động thuộc diện hộ nghèo. 100% lao động sau học nghề có việc làm và làm đúng với nghề đào tạo. Sau một năm học nghề, người nông dân có việc làm ổn định đã góp phần giảm được 19 hộ nghèo. 5 xã và thị trấn có từ 10% trở lên hộ gia đình có mức thu nhập vươn lên thành khá.

Không riêng gì Quốc Oai (Hà Nội) tại nhiều quận, huyện trong cả nước cũng đã có hàng trăm nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo được đào tạo nghề và thoát nghèo.

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) cho biết, sau 10 năm (tính đến tháng 9/2019) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đã có trên 9,2 triệu lao động được học nghề; trong đó có 5,3 triệu người đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%.

Đặc biệt, thống kê từ các địa phương cho thấy có gần 350.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200.000 người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Tiến khẳng định: “Sau 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản. Lao động từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết nay đã chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, lao động có kiến thức, kỹ năng tìm việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT nói chung và đào tạo nghề cho lao động người nghèo nói riêng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể như thiếu kinh phí, chương trình dạy nghề cho LĐNT thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế không đạt mục tiêu của đề án do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch.

Thêm vào đó, khả năng tiếp cận học nghề không đồng đều. Nhiều người nghèo sau học nghề gặp khó khăn trong việc tìm việc làm.

img

Một lớp dạy nghề làm mộc ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Minh Nguyệt

Ông Nguyễn Duy Tuyên - Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH Long An cho biết, việc thu hút người nghèo tham gia các lớp đào tạo không dễ. Không ít người nghèo cho rằng đi làm thuê, buôn bán nhỏ mỗi ngày kiếm 200.000–300.000 đồng, trong khi đi học nghề mỗi ngày chỉ được trợ cấp 15.000 đồng nên không mặn mà tham gia.

Theo ông Tuyên, để thực hiện mục tiêu đào tạo nghề nhằm giảm nghèo hiệu quả và bền vững, cần phải thay đổi nhận thức của người nghèo và tăng mức hỗ trợ cho người nghèo.

Thêm vào đó các lớp dạy nghề cho người nghèo phải được thiết kế dựa trên căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thu hút lao động nghèo vào làm việc; hoặc khai thác, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có đầu ra ổn định, truyền nghề, cấy nghề cho lao động nghèo để tổ chức tạo việc làm dưới dạng “vệ tinh” của doanh nghiệp.

 Việc đào tạo nghề cần xuất phát từ nhu cầu học nghề của lao động nghèo để có những hình thức đào tạo nghề phù hợp và tìm kiếm các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp bảo đảm điều kiện tạo việc làm cho lao động nghèo hoặc nhận lao động nghèo vào làm việc sau khi được đào tạo.

"Theo quy định công tác đào tạo nghề nông thôn là phải trên 80% có việc làm sau đào tạo, nhưng vì địa bàn Long An chủ yếu kinh tế là nông nghiệp nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có việc làm mới đạt chỉ tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn một khó khăn lớn nữa là nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhiều nghề khi triển khai thì có rất nhiều người học nhưng không đủ kinh phí để đào tạo, đến khi có kinh phí thì người học lại không muốn theo học nữa" – ông Tuyền nói.

Để giải quyết những khó khăn này, Bộ LĐTBXH đã có kiến nghị xin điều chỉnh mức hỗ trợ lao động thuộc diện hộ nghèo học nghề.                                 

Thông tư liên tịch số 44/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH quy định, người nghèo đi học nghề được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học để chi mua tài liệu, giáo trình; trả thù lao cho giáo viên; mua nguyên, nhiên liệu học nghề...

Thông tư cũng quy định, người nghèo tham gia học nghề sẽ được nhà nước hỗ trợ 15.000 đồng/ngày thực học/người; người nghèo học nghề xa nơi cư trú từ 15km trở lên được hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé phương tiện giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học; hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ 100% chi phí về giống và vật tư chính nhằm phát triển sản xuất nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ; Hộ nghèo ở vùng khác sẽ được hỗ trợ 50% chi phí này nhưng không quá 3 triệu đồng.

Thông tư này cũng nâng mức hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch từ 3 triệu lên 5 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có đề án tự tổ chức dạy nghề và nhận người nghèo vào làm việc ổn định (tối thiểu 24 tháng) cũng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người nghèo.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem