Những chiếc cầu vượt được xây lên để tạo sự an toàn cho người đi bộ, nhưng họ vẫn cắt đầu xe, băng ngang qua đường cho nhanh, cho tiện. Luật được đưa ra, cũng chẳng có ai bị phạt, nên thành ra luật chỉ cho có.
Bằng chứng mới đây nhất là bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 bắt đầu có hiệu lực ngày 1.1.2018, quy định người tham gia giao thông đường bộ (kể cả người đi bộ) sai luật, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, luật này “chẳng hù được ai”. Chỉ cần quan sát trong vòng 30 phút ở ngay cầu vượt dành cho người đi bộ ở bệnh viện Bình Dân, toạ lạc trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, là thấy người đi bộ không coi luật ra gì khi cứ ngang nhiên cắt đầu xe máy và ôtô dưới lòng đường. Còn cầu vượt có cũng như không. Tình trạng trên cũng diễn ra thường xuyên ở các tuyến đường có nhiều trường đại học và cao đẳng ở TP.HCM.
Người đi bộ thường rất “ngây thơ”, trả lời rằng đi sai luật cho tiện, cho nhanh. Tương tự, nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1.2.2017, trong đó quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng cho hành vi vứt, xả rác thải sinh hoạt nơi công cộng, hệ thống thoát nước thải, hệ thống thoát nước mặt; phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần tròn năm nhưng chuyện phạt vạ chỉ ghi nhận vài trường hợp, dù ra đường là gặp xả rác.
Ai cũng biết, việc ban hành luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống, nhưng trên thực tế, nhiều luật ban hành không phù hợp với thực tiễn nên sửa đổi liên tục.
Quay trở lại việc phạt người đi bộ sai hay người xả rác không đúng quy định, để cho thuyết phục, các địa phương cần xem lại “hạ tầng” của mình đã bảo đảm chưa? Ở TP.HCM, vỉa hè bị chiếm tràn lan, người đi bộ phải lao xuống đường là chuyện thường ngày; còn người đi đường đôi khi muốn tìm một thùng rác công cộng thì phải mỏi mắt mới thấy. “Hạ tầng” như vậy thì làm sao dân phục?
Khi chính quyền đáp ứng đầy đủ các “hạ tầng” trên, cũng nên dành thêm thời gian vận động người dân, tuyên truyền cho họ ý thức chấp hành tốt, chứ không cứng nhắc thực hiện luật ngay khi chưa hoàn thiện hạ tầng đi kèm. Cứ như vậy, sẽ có nhiều quy định nữa khi đi vào cuộc sống không thể “sống” được sau vài ba bữa mở chiến dịch hay ra quân xử lý.
Minh Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.