Cổ phiếu của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo

10/04/2021 11:01 GMT+7
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4/2021.

Nguyên nhân khiến HVN vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng.

Trước đó, Tại báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam nhấn mạnh một số vấn đề của Vietnam Airlines.

Theo đó, tại ngày 31/12/2020, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 24.456 tỷ đồng, bên cạnh đó còn khoản phải trả quá hạn 6.640 tỷ đồng. Cả năm 2020, Tổng công ty lỗ sau thuế hợp nhất 11.178 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần âm 6.456 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines. Khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.

"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines". Deloitte Việt Nam nhận định.

Cổ phiếu của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo - Ảnh 1.

Cổ phiếu của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo

Liên quan đến giả định hoạt động liên tục, Hãng hàng không quốc gia cho biết, công ty đã và đang thường xuyên đánh giá ảnh hưởng và quyết liệt triển khai các kế hoạch đối phó với khủng hoảng để Vietnam Airlines có thể duy trì tối đa khả năng hoạt động liên tục trong ngắn hạn.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã điều chỉnh lại lịch bay và các chặng bay theo diễn biến kiểm soát dịch. Từ tháng 5 đến hết tháng 12/2020, Tổng công ty đã mở thêm 21 đường bay, nâng mạng bay nội địa lên 61 đường.

Doanh nghiệp cơ cấu lại dịch vụ vận tải, tăng các chuyến bay chở hàng hóa trong giai đoạn suy giảm nhu cầu vận tải hành khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các biện pháp cắt giảm chi phí; đàm phán giảm giá, giảm lãi suất, hoãn thời hạn thanh toán cho các đối tác là nhà cung cấp, tổ chức tín dụng, …

"Hầu hết các ngân hàng đã đồng ý giãn thanh toán nợ vay cho các khoản vay đến hạn hoặc giãn các khoản dư nợ vay gốc đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư số 01" của NHNN ngày 13/3/2020, Vietnam Airlines cho hay.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đã và đang đàm phán lùi lịch nhận máy bay thuê hoạt động. Trong đó, 6 tàu thân rộng Boeing 787-10 và thân hẹp A320Neo đã được gia hạn nhận tới cuối năm 2021 và trong năm 2022, 2023 thay vì nhận trong năm 2020 theo thỏa thuận ban đầu.

Tổng Công ty còn tìm kiếm các nguồn thu khác như thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lý các khoản đầu tư. Trong năm 2020, Vietnam Airlines đã bàn giao 3/5 máy bay A321 thuộc hợp đồng thanh lý 5 máy bay đã ký từ năm 2019 và thu được toàn bộ số tiền là 365 tỷ đồng.

Với hai máy bay còn lại, khách đã thanh lý hợp đồng và thanh toán khoản phạt 23,5 tỷ đồng. Trong năm 2021, Vietnam Airlines dự tính tiếp tục bán 2 tàu bay nói trên và 9 máy bay A321 khác.

Đồng thời, Hãng hàng không quốc gia tiếp tục báo cáo và kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và các cơ quan nhà nước để có thể duy trì khả năng hoạt động liên tục.

Quang Dân
Cùng chuyên mục