Cổ phiếu HAG có nguy cơ bị hủy niêm yết, Bầu Đức gửi thư xin cơ chế riêng

28/01/2022 09:27 GMT+7
Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai (HAG) kiến nghị các cơ quan nhà nước : "cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường".

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa có văn bản giải trình liên quan đến điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính, đồng thời trình bày kiến nghị của cổ đông về việc duy trì niêm yết cổ phiếu HAG tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Vào ngày 25/11/2021, công ty đã có văn bản số 2511/CV-HAGL về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế công ty các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm.

Theo nguyên tắc thì doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại HoSE. Điều này gây lo lắng cho cổ đông HAGL về việc cổ phiếu có thể bị xem xét có còn đủ điều kiện niêm yết hay không.

Cổ phiếu HAG có nguy cơ bị hủy niêm yết, Bầu Đức gửi thư xin cơ chế riêng - Ảnh 1.

Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức

Vì vậy, các cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/11/2021 đã bàn bạc rất kỹ vấn đề này và thống nhất ghi vào biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp nhận duy trì niêm yết cổ phiếu HAG.

"Trên cơ sở đó, HAGL xin kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HoSE xem xét đến tình hình hiện tại của HAGL để duy trì việc niêm yết trên HoSE bởi vì hầu hết các cổ đông đang sở hữu cổ phần HAG hiện nay đều mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách đây 3-5 năm", HAGL cho hay.

Tập đoàn cho biết đến nay tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc của HAGL có nhiều cải thiện so với trước đây.

Cụ thể, HAG đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng; xử lý phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản.

Đồng thời doanh nghiệp cũng xử lý các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm như công nợ phải thu công ty An Phú. Các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1.

HAG còn có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.

Theo đó kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của doanh nghiệp là có lãi 18 tỷ đồng và ước tính cả năm nay đạt trên 120 tỷ đồng.

Sang năm 2022, HAG đặt mục tiêu doanh thu 4.820 tỷ và có lãi sau thuế đến 1.120 tỷ đồng.

Các nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường tái cơ cấu tài chính để giảm số dư nợ phải trả ngân hàng xuống còn 5,000 tỷ đồng, song song đó là tập trung kinh doanh 2 ngành hàng chủ lực là chuối và chăn nuôi heo.

Do vậy, lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước "cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường".

Theo khoản 1.5 Điều 26, Chương V trong Quyết định 346/QĐ-SGDHCM năm 2016 về Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE quy định "Huỷ bỏ niêm yết bắt buộc khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Đối với tổ chức niêm yết có các đơn vị trực thuộc, điều kiện "lỗ lũy kế" được xác định trên báo cáo tài chính tổng hợp. Đối với tổ chức niêm yết có công ty con, điều kiện "lỗ lũy kế" căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất, điều kiện "kết quả sản xuất kinh doanh" căn cứ vào lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất".

Tại thời điểm 30/9/2021, HAGL lỗ luỹ kế tới 4.055 tỷ đồng.

Hiện HAGL đang có hơn 927 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Cổ đông lớn nhất là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của công ty sở hữu 34,5% cổ phần.

Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu HAG đã điều chỉnh về vùng 12.650 đồng/cp, giá trị vốn hoá hơn 11.731 tỷ đồng.


PV
Cùng chuyên mục