Cổ phiếu ngành thép "rực lửa" sau tuyên bố của ông Trump sẽ áp thuế 25% với nhôm, thép vào Mỹ
Cổ phiếu ngành thép "rực lửa" sau tuyên bố của ông Trump sẽ áp thuế 25% với nhôm, thép vào Mỹ
L. Anh
Thứ hai, ngày 10/02/2025 11:12 AM (GMT+7)
Ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ công bố mức thuế bổ sung 25% đối với tất cả các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, ngoài các mức thuế hiện có. Sau động thái từ ông Trump, trên thị trường Việt Nam, loạt cổ phiếu của "ông lớn" ngành thép chìm trong sắc đỏ.
Chia sẻ với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One, ông Trump cho biết ông sẽ công bố mức thuế 25% vào thứ Hai và áp thuế nhập khẩu đối ứng vào ngày 11 hoặc 12/2. Đáng nói, cả hai mức thuế có hiệu lực ngay lập tức.
Ông cho biết: “bất kỳ loại thép, nhôm nào nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 25%”. Ông liên tục chỉ trích các mức thuế nhập khẩu không công bằng mà các nước khác áp đặt lên hàng hóa Mỹ. Ông đặc biệt phê phán mức thuế 10% của Liên minh châu Âu đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, cao hơn nhiều so với mức thuế 2,5% mà Mỹ áp dụng.
"Và rất đơn giản, nếu họ áp thuế chúng tôi, chúng tôi sẽ áp thuế họ", Tổng thống Trump nói về kế hoạch thuế quan công bằng.
Trước động thái của ông Trump, các nhà phân tích và quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bày tỏ lo ngại rằng các mức thuế của ông Trump – do các nhà nhập khẩu Mỹ gánh chịu – sẽ đẩy lạm phát tăng cao trong những tháng tới.
Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm. Nhưng sau đó đã cấp miễn thuế với một số đối tác thương mại, gồm Canada, Mexico và Brazil.
Sau đó, Cựu Tổng thống Joe Biden đã đàm phán các thỏa thuận hạn ngạch miễn thuế với Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với các miễn trừ và thỏa thuận hạn ngạch đó từ thông báo của ông Trump.
Theo Hiệp hội Sắt Thép Mỹ, nước này nhập khẩu thép nhiều nhất từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam.
Với nhôm, Canada đóng góp tới 79% nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm ngoái. Mexico cũng là nước cung cấp nhôm lớn cho Mỹ.
Cổ phiếu thép "lao đao" trước "biến số" Tổng thống Trump
Phản ứng với tin tức Tổng thống Donald Trump sắp áp thuế 25% với nhôm, thép vào Mỹ, loạt "ông lớn" ngành thép mở phiên đầu tuần rực sắc đỏ như HPG, NKG, HSG, TLG, SMC, HMC....
Đơn cử, mã HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát giảm 2,25% về 26.050 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm 10h30' ngày 10/2, mã này khớp lệnh hơn 20 triệu đơn vị, dư mua và dư bán cùng ở mức 1,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng giảm 3,11% về 17.150 đồng/cổ phiếu với gần 6,3 triệu đơn vị được 'sang tay'. Cùng thời điểm, mã này dư bán 929.000 đơn vị, dư mua 273.900 đơn vị.
Loạt "ông lớn" đầu ngành thép rực lửa.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2024, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 17,713 triệu tấn với trị giá hơn 12,583 tỷ USD, tăng 32.88% về lượng và tăng 20,64% về giá trị so với cùng kỳ 2023.
Đồng thời, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 12,62 triệu tấn thép tăng 13,47% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 9,08 tỷ USD tăng 8,78% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tính chung năm 2024, Việt Nam xuất siêu 3,5 tỷ USD với mặt hàng thép.
Trong đó, top những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam bao gồm: ASEAN 26%; EU 23%; Hoa Kỳ 13%; Ấn Độ 6%;....
Giới phân tích đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể gặp thách thức nếu ông Trump áp dụng thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa.
Trong đó, các ngành xuất khẩu như thép có thể sẽ đối mặt với khó khăn trong ngắn hạn về chính sách thuế, và khó khăn trong dài hạn về việc suy giảm nhu cầu từ thị trường Mỹ nếu hàng hóa nhập khẩu trở nên quá đắt đỏ.
"Mặc dù ban đầu Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1", nhưng đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam", Chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể gặp bất lợi do các biện pháp bảo hộ của Mỹ nhằm ưu đãi các nhà sản xuất trong nước. Nguy cơ bị áp thuế đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được sản xuất tại nước thứ ba cũng là điều đáng lo ngại.
Chuyên gia phân tích Trịnh Viết Hoàng Minh của Chứng khoán ACB cho rằng, hiện, thép, tôn mạ đều đang có mức thuế nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ khá cao nhưng hầu hết các mặt hàng này hiện tại đều chưa bị áp thuế chống bán phá giá.
Do đó, ông Minh cho rằng, nếu sự tăng lên đồng loạt của cả thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá có thể triệt tiêu những lợi ích dự kiến tăng thêm từ việc tái phân bổ thương mại. Bên cạnh đó, việc điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có thể trở nên gắt gao hơn để đảm bảo Mỹ không bỏ sót các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia khác, nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
"Vì vậy, các chiến dịch điều tra và giải trình có thể trở nên phức tạp hơn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, nhu cầu giảm từ Mỹ có thể khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào các thị trường khác, làm tổn hại đến các ngành công nghiệp trong những khu vực đó. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông Minh nêu.
Đối với ngành thép, Hòa Phát (HPG) nổi lên như doanh nghiệp có triển vọng sáng nhất. SSI Research dự báo HPG sẽ tăng trưởng lợi nhuận 28% trong năm 2025, đạt 15,3 ngàn tỷ đồng. Vị thế dẫn đầu thị trường được củng cố khi thị phần thép xây dựng tăng từ 35% lên 38% trong năm 2024. Đặc biệt, việc đưa vào vận hành lò cao đầu tiên tại Dung Quất từ quý 1/2025 sẽ giúp công ty tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường nội địa.
Hoa Sen (HSG) cũng được kỳ vọng cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh với dự báo lợi nhuận tăng 37% lên 700 tỷ đồng trong năm 2025, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp ổn định và sự phục hồi của thị trường nội địa. Trong khi đó, Nam Kimh (NKG) dự kiến có kết quả đi ngang do phụ thuộc nhiều vào kênh xuất khẩu - đang đối mặt nhiều thách thức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.