Cơ sở nào để cổ phiếu Techcombank định giá tới 120.000 đồng/CP?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 16/04/2018 07:18 AM (GMT+7)
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, OTC: TCB) vừa khởi động đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với mục tiêu huy động nhiều nhất là 922 triệu USD. Giá chào bán của đợt IPO này (dự kiến vào ngày 4.6) vào khoảng 120.000 - 128.000 đồng/CP.
Bình luận 0

img

Cổ phiếu Techcombank đang được giao dịch trên thị trường ở mức giá 115.000 - 120.000 đồng/CP (Ảnh: IT)

Với mức giá này, cổ phiếu TCB nếu chào bán thành công sẽ là cổ phiếu ngân hàng có giá cao nhất trong toàn bộ hệ thống. Thậm chí, mức giá này không chỉ cao gấp đôi cổ phiếu các ngân hàng dẫn đầu hiện nay (VCB, HDB, VPB); cao gấp 3 các ngân hàng top giữa (ACB, VIB, BID...); và thậm chí cao gấp 8-10 lần so với các ngân hàng như EIB, STB, SHB...

Cơ sở nào để TCB định ra mức giá “khủng” như thế?

"Đè bẹp" kỷ lục của... Vincom Retail

Còn nhớ, đợt chào bán cổ phần của Vincom Retail hồi năm ngoái, doanh nghiệp này đã huy động vốn được 741 triệu USD. Thương vụ này sau đó được đánh giá là lần chào bán kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập đến nay và cũng được Tạp chí tài chính FinanceAsia bình chọn là “Best private equity" – “Giao dịch đầu tư vốn cổ phần tư nhân thành công nhất”. Đây cũng là thương vụ đầu tiên của một doanh nghiệp Việt được vinh danh tại hạng mục này, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thị trường vốn toàn cầu.

Thế nhưng, đợt chào bán lần này của Techcombank nếu thành công chắc chắn sẽ... “đè bẹp” kỷ lục của Vincom Retail.

Cụ thể, Techcombank đang chào bán cổ phiếu trong khoảng giá 120.000 - 128.000 đồng/CP. Với mức giá này, Techcombank dự kiến huy động được 864 - 922 triệu USD, cao hơn từ  120 - 222 triệu USD so với thương vụ trước đó của Vincom Retail. Đồng thời, sau đợt chào bán, cổ phiếu của Techcombank sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và được kỳ vọng có mức định giá từ 6,1 tỷ USD cho tới 6,5 tỷ USD.

Nếu những gì diễn ra đúng như dự kiến, Techcombank sẽ lọt vào top 10 công ty Việt Nam có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Mặc dù mức giá Techcombank đưa ra là cao kỷ lục so với giá cổ phiếu các ngân hàng khác đang niêm yết trên thị trường, kể cả so với “ông lớn” đầu ngành là Vietcombank. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có khá nhiều quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài đăng ký và đang tiến hành thỏa thuận để trở thành nhà đầu tư chủ chốt.

Chẳng hạn, hồi tháng 3.2018, quỹ Warburg Pincus của Mỹ đã đồng ý đầu tư hơn 370 triệu USD, đây cũng là thương vụ lớn nhất của quỹ này tại Việt Nam.

Và gần đây nhất, Công ty Quản lý Quỹ của Chính phủ Singapore (GIC) cũng sẵn sàng trở thành nhà đầu tư chủ chốt khi đang tiến hành đàm phán để mua gần 100 triệu USD.

Ngoài GIC, Dragon Capital cũng đang đàm phán tham gia để trở thành nhà đầu tư của Techcombank.

Có lẽ, việc chào mua rầm rộ của các quỹ ngoại là nguyên nhân khiến cổ phiếu TCB của Techcombank tăng vùn vụt thời gian gần đây. Trên OTC, cổ phiếu TCB đang được giao dịch khá sôi động ở cả chiều mua và bán ở vùng giá 115.000 - 120.000 đồng/CP.

img

Các khoản thu dịch vụ của Techcombank năm 2017 tăng "khủng" so với năm 2016 

Cơ sở nào để Techcombank có mức giá “khủng”?

Thực tế, Techcombank thời gian gần đây nổi lên như một hiện tượng. Năm 2017 vừa qua, với lợi nhuận lên đến 8.036 tỷ đồng, Techcombank đã bỏ xa “ông lớn” Agribank - 1 trong 4 ngân hàng quốc doanh - tới gần 3.000 tỷ đồng và chỉ còn kém lợi nhuận BIDV khoảng hơn 700 tỷ đồng và VietinBank khoảng hơn 1.100 tỷ đồng. Techcombank lọt vào top những ngân hàng có lợi nhuận “khủng” trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, sẽ còn “khủng” hơn khi nhà đầu tư nếu biết Techcombank là ngân hàng lập kỷ lục 3 năm liên tiếp “lợi nhuận tăng gấp đôi” so với năm trước.

img

Giá cổ phiếu ngành ngân hàng tại phiên giao dịch ngày 13.4.2018

Thử phân tích về “sức khỏe” tài chính và những điểm mạnh của Techcombank trong năm 2017. Có thể thấy, điểm ấn tượng nhất trong kết quả kinh doanh 2017 của Techcombank chắc chắn là khoản lãi thuần lên đến 3.811 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ - cao nhất hệ thống ngân hàng. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ ủy thác và đại lý của Techcombank tăng từ 61 tỷ đồng (năm 2016) lên 1.543 tỷ đồng (năm 2017); đây cũng là nguyên nhân khiến khoản thu nhập từ dịch vụ của Techcombank tăng từ  2.558 tỷ đồng (năm 2016) lên tới 4.519 tỷ đồng (năm 2017).

Chưa kể, Techcombank hiện là ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Cụ thể, tính riêng cho năm 2017, tổng phí bảo hiểm khai thác mới (APE) của toàn hệ thống Techcombank đạt gần 649 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với năm 2016 và gấp 3 lần năm 2015, dẫn đầu thị trường ngân hàng Việt Nam.

Đặc biệt, Techcombank hiện cũng là ngân hàng đứng đầu Việt Nam về doanh số giao dịch qua thẻ Visa với 13,9% thị phần giao dịch qua thẻ tín dụng Visa toàn thị trường.

Song, có lẽ ấn tượng với Techcombank trong mắt giới đầu tư trong năm 2017 vừa qua là việc chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tăng tỷ trọng dư nợ đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp và giảm tỷ trọng đối với nhóm khách hàng cá nhân. Cụ thể, nhìn vào dư nợ tín dụng của Techcombank năm 2017, có thể thấy, dư nợ khách hàng doanh nghiệp lớn tăng từ 44% (năm 2016) lên 46% (năm 2017); dư nợ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng từ 13% (năm 2016)  lên 14% (năm 2017); trong khi dư nợ khách hàng cá nhân giảm từ 43% (năm 2016)  xuống 40% (năm 2017).

Việc Techcombank tập trung nhiều hơn vào khách hàng doanh nghiệp có thể giúp cho Techcombank giảm sức ép về chi phí huy động, góp phần duy trì biên thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức 3,9% - cao hơn mặt bằng chung của ngành ngân hàng...

Những điểm cần lưu ý với nhà đầu tư khi “rót” vốn vào Techcombank

Năm 2018, Techcombank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm 2017. Tổng tài sản dự kiến đạt 315.184 tỷ đồng, tăng trưởng 17%; huy động vốn tăng trưởng 40%, tín dụng tăng trưởng 18%, đạt 213.582 tỷ đồng và duy trì nợ xấu thấp hơn 2%. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý, Techcombank tiếp tục không đề cập đến chuyện trả cổ tức - Đây cũng là năm thứ 8 ngân hàng này không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lưu ý, Techcombank là ngân hàng xếp thứ 2 trong hệ thống các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay bất động sản/tổng dư nợ cao nhất (chỉ sau Sacombank). Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ cho vay bất động sản/tổng dư nợ của techcombank là 17% và năm 2017 là 12,6% (chỉ sau Sacombank khi năm 2016 là 21,1% và 2017 là 17,6%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem