Cơ sở pháp lý vụ nhân viên nhà hàng dùng cồn y tế pha chế rượu khiến 2 người nước ngoài tử vong
Cơ sở pháp lý vụ nhân viên nhà hàng dùng cồn y tế pha chế rượu khiến 2 người nước ngoài tử vong
T. Nam - K. Trinh
Chủ nhật, ngày 09/02/2025 07:15 AM (GMT+7)
Theo luật sư, nhân viên nhà hàng dùng cồn y tế pha chế rượu đưa cho 2 người nước ngoài uống tử vong ở Quảng Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015.
Khởi tố đối tượng dùng cồn y tế pha chế rượu khiến 02 nước ngoài tử vong
Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin ngày 7/2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Tấn Gia (SN 1979, trú tại phường Cẩm Nam, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) để điều tra về tội "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm".
Trước đó, vào ngày 26/12/2024, cơ quan Công an tiếp nhận tin báo về việc hai người nước ngoài tử vong bất thường tại một cơ sở lưu trú trên địa bàn TP. Hội An. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. Kết quả xác định, hai nạn nhân tử vong do trúng độc methanol từ một loại rượu mà họ đã sử dụng trước đó.
Cơ quan công an đọc lệnh khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Tấn Gia. Ảnh: CAQN.
Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an tiếp tục điều tra mở rộng và làm rõ, vào lúc 15h30 ngày 24/12/2024, Lê Tấn Gia – nhân viên pha chế của một nhà hàng tại TP. Hội An, đã sử dụng cồn y tế 70 độ, loại chỉ dùng để sát khuẩn, không được uống hay sử dụng trong chế biến thực phẩm, pha với nước lọc, vỏ chanh và đường cát trắng để tạo thành hai chai rượu Limoncello (rượu mùi), sau đó giao cho hai du khách. Sau khi uống, cả hai du khách người nước ngoài bị trúng độc methanol nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.
Quy định về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà tổ chức, cơ sở kinh doanh, dịch vụ hay cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Về xử phạt hành chính, với tổ chức cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính có thể tới 100.000.000 đồng đối với cá nhân và tới 200.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tại nghị định số 115/2018/NĐ-CP tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể.
Ngoài ra, cá nhân và tổ chức còn phải chịu các hình phạt bổ sung và bắt buộc phải khắc phục hậu quả khác như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 03 - 05 tháng; buộc thu hồi thực phẩm;
Buộc tiêu hủy thực phẩm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với vi phạm; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm...
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Huy, nếu hành vi được phía cơ quan điều tra xác định là có tội, đối tượng gây ra vụ việc có thể sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm".
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Phía cơ quan điều tra cũng sẽ xác định nhà hàng nơi bị can làm việc có liên quan đến vụ việc hay không để xử lý đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe trong cộng đồng, không để hậu quả đáng tiếc như trên tiếp tục xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.