Có thể tái lập hàng cây trên đường Lê Lợi hay không?

Quang Sung Thứ hai, ngày 27/03/2023 15:26 PM (GMT+7)
Trước đề xuất lắp mái che tại vỉa hè đường Lê Lợi mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM, nhiều người dân thắc mắc tại sao không tái lập lại hàng cây xanh như vỉa hè phía đối diện.
Bình luận 0

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM phương án làm mái che vỉa hè trên đường Lê Lợi nhằm tạo bóng mát, tạo không gian thương mại, mua sắm dọc con phố. Thông tin này ngay lập tức thu hút dư luận, đặc biệt là người dân sống trên đường Lê Lợi và những chuyên gia trong lĩnh vực đô thị.

Có thể tái lập lại hàng cây trên đường Lê Lợi hay không? - Ảnh 1.

Hình ảnh đối lập hai bên đường Lê Lợi, nơi cây xanh tốt, nơi trống trơn. Ảnh: Quang Sung

Ông Trịnh Hoài Thanh - hộ kinh doanh 20 năm trên đường Lê Lợi cho biết, ông hoàn toàn đồng ý khi có chủ trương lắp mái. Theo ông Thanh, đường này không còn cây xanh để che bóng mát, lắp mái che tạo bóng mát cho du khách di chuyển.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, việc tái lập lại hàng cây xanh như xưa là cực kỳ hợp lý. Tuy nhiên theo ông, việc tái lập này khó diễn ra, vì dưới vỉa hè bên phải đường Lê Lợi (hướng từ phố đi bộ Nguyễn Huệ - chợ Bến Thành) là khu vực đường hầm của tuyến metro số 1. Do đó, việc trồng cây sẽ gây ảnh hưởng đến công trình về lâu dài.

Về vấn đề này, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng nếu muốn trồng cây và đảm bảo khoảng cách an toàn cho hầm metro thì có thể làm bồn để trồng cây vào trong. "Nhiều nước người ta trồng cây cổ thụ ngay trên sân thượng, trên tòa nhà lớn. Nếu chúng ta quyết tâm, thì việc trồng cây vẫn có thể thực hiện được, chứ không phải không khả thi", TS Cương cho hay.

Theo ông TS Võ Kim Cương, nếu muốn làm mái che cho đường Lê Lợi thì phải biến con đường trở thành phố đi bộ, lắp mái giúp che nắng, mưa. Xây dựng các khu vực dừng chân nghỉ ngơi cho người đi bộ tham quan, mua sắm hay đến nhà ga. Từ đó cần phải lập thêm các kế hoạch điều chỉnh các tuyến giao thông, phân luồng xe. Vì vậy việc lắp mái che và phát triển không gian đi bộ ở đường Lê Lợi.

Có thể tái lập lại hàng cây trên đường Lê Lợi hay không? - Ảnh 3.

Du khách di chuyển trên vỉa hè đường Lê Lợi dưới cái nắng chói chang. Ảnh: Quang Sung

"Thiết kế cảnh quan trên cơ sở bảo tồn kiến trúc, bảo tồn cảnh quan. Cảnh quan ở đây là cây xanh cần phải bảo tồn. Cảnh quan cây xanh ngày xưa đã đi vào lịch sử, tiềm thức của người dân rồi, nên cố gắng bảo tồn ở mức tối đa. Tất nhiên là không cản trở sự phát triển, chỗ nào hiện đại thì hiện đại, chỗ nào cần bảo tồn thì bảo tồn", TS Cương cho hay.

Cũng về vấn đề này, KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết, việc lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi là phần nhỏ của nhiều vấn đề lớn. Hiện nay, khu vực tam giác Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hàm Nghi được định vị là khu vực trung tâm của TPHCM. Trong đó, đường Nguyễn Huệ là trục đường hành chính, đường Hàm Nghi là trục đường tài chính - ngân hàng và đường Lê Lợi là trục đường thương mại - dịch vụ.

Có thể tái lập lại hàng cây trên đường Lê Lợi hay không? - Ảnh 4.

Vỉa hè bên phải đường Lê Lợi (hướng từ phố đi bộ Nguyễn Huệ - chợ Bến Thành) đón trọn ánh nắng vào buổi trưa. Ảnh: Quang Sung

"Trong tương lai, chúng ta phải vừa bảo tồn, vừa chỉnh trang và phát triển khu vực này. Hiện nay, trục đường Lê Lợi vừa có yếu tố thương mại vừa có yếu tố lịch sử. Ngoài ra, đây là điểm kết nối hai nhà ga metro là ga Bến Thành và ga Nhà hát thành phố. Do đó, theo kinh nghiệm quốc tế thì trục đường này sẽ là nơi người dân và du khách đi bộ giữa hai nhà ga, vừa tham quan, vừa mua sắm, thưởng ngoạn", ông Sơn nêu vấn đề.

Liên quan với đề xuất lắp mái che vỉa hè, ông Sơn cho rằng, TP.HCM có khí hậu hai mùa mưa/nắng rõ rệt. Do đó việc lắp mái che cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, mái che phải vừa gắn công trình lịch sử như chợ Bến Thành và một số nhà phố cũ vừa gắn với các công trình mới. Giữa công trình cũ và mới cần tính việc lắp mái che xuyên suốt hai bên đường đủ dài, tránh đoạn có, đoạn không.

Có thể tái lập lại hàng cây trên đường Lê Lợi hay không? - Ảnh 5.

Người dân mỗi khi đi qua đây đều tìm cách tránh bớt nắng. Ảnh: Quang Sung

"Mái che mưa nắng có nhiều cách làm. Tuy nhiên, thành phố cần nghiên cứu kiến trúc, nghiên cứu đô thị để xây dựng diện mạo đô thị. Tất cả phải gắn kết công trình thật hài hòa. Việc lắp mái che phải tính toán cao độ, độ hài hòa, thiết kế mái ra sao để che mưa nắng liên tục, tránh mất tiền lại không phù hợp với diện mạo đô thị", KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem