Cổ tích làng Hoành Sơn

Vũ Tâm Thứ tư, ngày 22/07/2020 08:00 AM (GMT+7)
Làng Hoành Sơn, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, xưa kia còn có tên gọi là làng Hoành Đường hay làng Lương. Đây là một làng Việt cổ ra đời từ rất sớm, nằm bên bờ nam sông Hộn và bờ bắc sông Sinh uốn khúc.
Bình luận 0

Những địa danh nông nghiệp

Ngay từ thuở xa xưa, tổ tiên làng Hoành Sơn đã có công xây dựng thành một làng quê có cánh đồng rộng với trên 600 mẫu Bắc bộ. Trên cánh đồng bát ngát cò bay thẳng cánh, ông cha đã phân định chất đất và đặt tên cho mỗi xứ đồng như: Địa đoạn, an biên, xước nhất, xước nhị, vọng bao, phụ thổ, tiền tự, hậu tự, lập nội, lập ngoại, tiền đào, hậu ngang 19 đạc, vực luần, đồng chiều, ương điên, thanh quan...

Cổ tích làng Hoành Sơn - Ảnh 1.

Đình làng Hoành Sơn

Ngoài những xứ đồng nói trên, ở các mảnh đất ấy còn có các tên gọi cho các địa điểm như: Đồng rưa, quán sòi, đầu cầu, cổ ngựa, đồng thuyền, ổ gà, lá buồm, đĩa son, đồng biên, bến tấn, cửa quán, chái bầu, thanh lan, trại, cờ, trống, vòi voi, máng rải, mả cao, mả xước, cù đèn, đồng quán, mả thần, quán ngang, ba đống, gò trái.

Những địa danh xa xưa đã gợi cho chúng ta một ý niệm về cảnh vật như thuyền, buồm, bến, bãi. Chắc chắn ở nơi đây xưa kia trên dưới thuyền rất sầm uất đông vui. Các địa danh trại, cờ, trống, vòi voi, cổ ngựa... đã cho thấy mảnh đất này còn có thể là nơi đồn trú của các tướng lĩnh thuở khai sơ chống giặc phương Bắc. Các địa danh đồng rưa, quán sòi cho thấy nghề trồng trọt rất phát triển, ngoài thóc, lúa, hàng năm nhân dân còn có thể trồng một số cây hoa màu như ngô, khoai, sắn..., cây ăn quả như các loại mía, ổi, bưởi, cam... - ông Lê Sỹ Toán, Thôn Hoành Sơn, xã Thụy Văn chia sẻ.

Tương truyền đời vua Lê Thánh Tông, trên mảnh đất của làng có nhiều thóc, lúa, sản vật quý như dâu tằm, ngô, khoai, đậu, đỗ. Nơi này sản sinh ra một thiếu nữ mặt hoa da phấn, cổ cao 3 ngấn, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, thành thạo nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa. Nhà vua nghe tin liền sức cho dân làng phải đào sông, đắp đường để rước cô gái về làm cung phi, song cô gái chẳng may lâm bệnh qua đời. Vua động lòng thương xót, ra chiếu chỉ công nhận người con gái là cung phi, hiện nay là một dãy ao dài nhân dân thường gọi là ao Bà Chúa.

 Kiến trúc đình, từ và chùa

Cổ tích làng Hoành Sơn - Ảnh 2.

Di tích lịch sử văn hóa chùa làng Hoành Sơn

Làng Hoành Sơn có đầy đủ các di tích lịch sử đình, chùa, miếu, từ đường mang giá trị lịch sử văn hóa tâm linh truyền thống. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, song các di tích vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính.

Ông Vũ Hữu Khai, thôn Hoành Sơn, xã Thụy Văn cho biết: Đình làng Hoành Sơn được khởi dựng vào năm 1672 đời vua Lê Gia Tông, có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm hai tòa đại đình và hậu cung. Trước cửa đình có một chiếc sân rộng để dân làng hội họp, tế lễ và vui chơi. Năm 1947, thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình đã được dỡ bỏ. Đến năm 1987, theo nguyện vọng của nhân dân trong làng, đình được xây dựng lại trên nền đất cũ, giữa trung tâm của làng, xung quanh giáp khu dân cư.

Cổ tích làng Hoành Sơn - Ảnh 3.

Di tích lịch sử văn hóa chùa làng Hoành Sơn

Năm 2018, đình được trùng tu và tôn tạo với kết cấu hình chữ Đinh, gồm hai gian tiền đường và hậu cung. Gian hậu cung thờ các vị Nam Hải đại vương, Đông Hải đại vương, Khổng Thành tôn chi thần, Thiên quan thượng đẳng thần, Đô hồ đại vượng thượng đẳng thần. Bên hữu là tượng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên tả là bia ghi công các anh hùng liệt sĩ của làng. Đình có kết cấu theo kiểu "chồng rường giá chiêng", bộ mái lợp ngói mũi hài, độ dốc vừa phải; bờ nóc, bờ quyết, đầu đao gắn các mảng trang trí rồng chầu nguyệt, bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành.

Đình trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tạo mối gắn kết nghĩa tình trong cồng đồng làng Hoành Sơn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng cư dân.

Ông Lê Sỹ Khang, Trưởng ban Di tích từ và chùa làng Hoành Sơn, xã Thụy Văn cho biết: Từ và chùa nằm trên một cụm di tích cao phía Tây của làng. Từ được khởi dựng vào thế kỷ thứ 6. Từ có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền đường và hậu cung, cột bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài; gian trong mái kề vào chính giữa của ba gian ngoài. Bên trong hậu cung có bục thờ bằng gỗ lim kiểu chân quỳ dạ cá trên có thờ 5 cỗ ngai, trong ngai có bài vị ghi tên các vị thần thờ trong Từ.

Trong bục thờ còn có đôi hạc chầu trên lưng rùa, hai bát sứ thời Nguyễn; song song với bục thờ là bộ bát bửu chấp kích. Bên hữu gian hậu cung có bục thờ vị danh nhân lịch sử Thượng tướng Vũ Hữu Chước với chiếc áo gấm bào vua ban. Bên tả gian hậu cung có bục thờ vị danh nhân lịch sử Đại tướng Lê Sỹ Căn với chiếc áo gấm bào vua ban.

Trước cửa gian hậu cung có bộ cửa võng trạm trổ tứ quý: thông, trúc, cúc, mai tinh xảo và treo một đại tự sơn son thiếp vàng đề bốn chữ Hán với nội dung "Hùng tài vĩ lược" và hệ thống câu đối ca tụng tài năng, công đức của các nhân thần được thờ tại từ.

Gian ngoài (tiền đường) có bệ thờ trên đặt các cỗ mũ, một chiếc long đình đầu rồng bát cống, hai bên có giá gỗ để cắm các đồ thờ tế khí nhìn chung khá uy nghi và cổ kính. Hiện nay, từ còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong từ vua Tự Đức đến vua Khải Định nhà Nguyễn.

Cổ tích làng Hoành Sơn - Ảnh 4.

Đồng rưa - địa danh nông nghiệp làng Hoành Sơn

Cạnh ngôi từ là chùa được khởi dựng vào năm 1460 đời vua Lê Thánh Tông, có tên là Thanh Lương Tự. Từ và chùa được nối với nhau bằng những vườn cây ăn quả và cây cổ thụ xum xuê tạo thành một cụm di tích liên  hoàn quy mô lớn, phong cảnh đẹp. Chùa có kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, hệ thống cột, khung mái làm bằng gỗ lim; bộ vì kèo được kết cấu theo kiểu "vì kèo giá chiêng"; gian trung tâm làm theo kiểu "chồng đấu hoa sen" trạm trổ các nội dung tứ quý hoa sen cách điệu. Hệ thống các bức đại tự sơn son thiếp vàng viết bằng chữ Hán, phản ánh điền cổ nhà Phật.

Dưới các bức đại tự là hệ thống y môn được chạm khắc khá tinh xảo theo thể thức chạm thủng, chạm chênh bong, phản ánh nội dung "Long ổ" hoặc "Lưỡng long chầu nguyệt" và "Tứ Linh". Hệ thống cửa võng được chạm trổ theo thể thức liên hoàn, nội dung bao gồm các mảng đề tài phong phú như Tứ quý hóa tứ linh, mai hóa long, trúc tước phù dung chim trĩ.

Hệ thống tượng Phật trong ngôi chùa được bài trí quy mô, các pho tượng như Tam thân, Tam thế, A - di - đà, Bồ tát Văn Thù sư lợi, Bồ tát Phổ Hiền được đúc với kích cỡ lớn. Các pho tượng đều được đặt trên các đài sen, đặc biệt pho tượng Cửu Long chất liệu gỗ được chạm trổ công phu, tinh xảo, có đủ thất Phật, Bát Tiên và Cửu Long phun nước được mạ vàng toàn phần, tạo dáng vẻ lung linh sống động. Đây được xem là pho tượng Cửu Long đẹp nhất trong hệ thống các ngôi chùa ở tỉnh Thái Bình.

Ngoài ra, phía trước cửa chùa còn dựng tâm bia đá có niên đại năm Dương Hòa năm thứ 6 (1640) do phụ quốc thượng tướng quân Vũ Hữu Chước hưng công sửa chữa dựng và khu vực nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà khách được quy hoạch trang nghiêm. Cụm di tích từ và chùa làng Hoành Sơn được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 2015/QĐ-BT ngày 15/12/1993 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Hiện nay quang cảnh làng rất sầm uất, cây cối xum xuê, dọc làng có con đường cái lớn trải nhựa, ô tô có thể ra vào từ đầu làng đến cuối làng. Có thể nói tất cả những di tích, những địa danh hiện còn đã để lại trong tâm khám mỗi người dân làng Hoành Sơn một dấu ấn tốt đẹp về làng quê yêu dấu.

                                                                


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem