dd/mm/yyyy

"Cởi trói" nguồn vốn nông dân thỏa sức làm giàu

Gần 3 năm kể từ khi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn có hiệu lực, đã tạo bước ngoặt cho hàng vạn nông dân có cơ hội tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

 Nhiều nông dân tại Long An đã mở rộng quy mô đầu tư trang trại nhờ thuận tiện trong vay vốn của Agribank

Có thể nói, Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã mở rộng cánh cửa để các tổ chức tín dụng và nông dân sát lại gần nhau. Điểm mới của Nghị định là: Bổ sung thêm đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (bao gồm cả những cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao.

 Theo ông Bùi Hữu Sông, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Tân Thạnh - Long An, việc Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP là rất kịp thời và hết sức cần thiết cho doanh nghiệp và nông dân vùng nông thôn, nhằm đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, mức cho vay tín chấp cũng được nâng lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định cũ. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cũng ưu tiên cho các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể được vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70% - 80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra, còn bổ sung thêm đối tượng vay vốn là các cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Là hộ nằm trong diện được hưởng ưu đãi từ Nghị định 55/2015/NĐ-CP, sau khi được tư vấn, ông Bùi Văn Thành ở ấp Trương Công Ý (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đã đăng ký vay Agribank chi nhánh Tân Thạnh - Long An số tiền 400 triệu đồng. Sau khi được giải ngân, ông Thành đã mạnh dạn chuyển đổi 4 ha đất lúa sang trồng ổi. Ông Thành so sánh trồng lúa thì cực nhọc hơn nhưng chỉ cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm, còn trồng ổi thì thu nhập tăng gấp 4 lần. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên dưới 300 triệu đồng.

Trên địa bàn tỉnh Long An đang phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Để đơn giản hóa thủ tục đối với hộ vay vốn đến 100 triệu đồng, Agribank đã cho vay dưới dạng Sổ vay vốn. Đối với Sổ vay vốn, chỉ lập 1 lần và sử dụng cho nhiều lần vay vốn. Nhờ có nguồn vốn vay, các hộ nông dân tại địa phương đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp, cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Trần Minh Kha, địa chỉ tại Tân Thạnh - Long An, đã có mối quan hệ tín dụng với chi nhánh từ năm 2013. Lần này, ông Kha được chi nhánh cấp Sổ vay vốn để thực hiện vay tín chấp tại ngân hàng với số tiền 70 triệu đồng. Ông Kha tâm sự “Tôi có khoảng 8 ha đất, đã cải tạo được từ 2 đến 3 ha đất trồng mít, số đất còn lại tôi vẫn trồng lúa, phần nhỏ dùng để nuôi heo. Đến nay gia đình tôi đã có của ăn, của để”.

Tuy thời gian triển khai thực tế chưa lâu, nhưng Chương trình cho vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thành công bước đầu này được xem là bước đột phá để khơi thông nguồn vốn cho phát triển “tam nông” giúp cho hàng vạn nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Minh Khương