dd/mm/yyyy

Cốm Tú Lệ rộn ràng vào mùa

Cốm Tú Lệ cái tên mỗi khi nhắc tới đã thấy sự yêu thương và gần gũi. Tú Lệ nằm dưới chân đèo Khau Phạ, thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được Giàng (trời) ban cho cảnh sơn thủy hữu tình. Nơi này còn có món cốm Tú Lệ vô cùng hấp dẫn do bà con người Thái dày công chế biến.

Tú Lệ - nơi có đặc sản nổi tiếng là cốm Tú Lệ nằm cạnh đường 32, dưới chân đèo Khau Phạ cao sừng sững giữa đất trời Tây Bắc. Khi tiết trời Thu se se lạnh cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang uốn lượn cung mây bắt đầu ngả vàng. Đây cũng là lúc bà con người người Thái đi hái lúa nếp về làm cốm. Món cốm Tú Lệ trứ danh từ bao năm nay luôn khiến người ta háo hức tìm mua cho kì được. 

Chao đảo cốm Vòng, kiệt cùng húng Láng

Mùa cốm Tú Lệ dưới chân đèo khau phạ 

 Mùa cốm Tú Lệ cũng là mùa vui nhất ở các bản Thái. Bản trên bản dưới vào những ngày này nhộn nhịp tiếng chày giã cốm. Để cho ra lò được những mẻ cốm xanh mướt và thơm ngon, người làm cốm cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức. 

Cốm Tú Lệ rộn ràng vào mùa  - Ảnh 1.

Cốm Tú Lệ thơm ngon và dẻo trứ danh luôn được khách du lịch tìm đến khi mùa cốm về.

 Món cốm Tú Lệ được coi là món quà độc đáo mà Giàng đã ban tặng cho đất Tú Lệ. Nó chứa đựng cả tinh hoa của trời đất gộp lại. Theo các cụ già trong bản Thái, muốn món cốm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Sáng sớm tinh mơ, lúa nếp còn ngậm sương đêm là phải đi cắt về. Sau đó dùng tay để tách hạt từ bông lúa ra. Chảo rang cốm làm bằng gang, đun bằng củi, lửa phải để liu riu. Người rang phải quấy liên tục để hạt lúa nếp không bị chín quá. Đến khi hạt lúa vừa hay chín tới, mới lấy thóc rang ra giã. Giã cốm cũng là công đoạn vô cùng kì công. Cối phải làm sạch, chày giã phải được làm bằng gỗ ghiến hoặc gỗ chai trồng trên núi đá. Người giã phải từ tốn, không được vội. Khi giã, một người giã, một người dùng đũa cả lớn để đảo cốm. 

Cốm Tú Lệ rộn ràng vào mùa  - Ảnh 2.

Cốm Tú Lệ được làm hoàn toàn thủ công. Từ khâu đi hái lúa nếp cho đến việc chế biến cốm.

Có được món cốm Tú Lệ ngon, người làm phải hết sức nhẹ nhàng và không được nóng vội. Từng công đoạn đều làm thủ công, nên mới tạo nên được hạt cốm thơm ngon, dẻo dai mà ít nơi có được. Chị Lò Thị Sang - một người làm cốm có tiếng ở xã Tú Lệ chia sẻ, sau mỗi mẻ cốm là bao công sức của chị em để vào đó. Mẻ cốm ngon là còn giữ được nguyên màu xanh của hạt gạo nếp, hạt cốm không bị vỡ vừa hay chín tới. Khi ăn có vị ngọt đậm và dai, cốm sẽ tan dần trong miệng. 

Cốm Tú Lệ rộn ràng vào mùa  - Ảnh 3.

Cốm Tú Lệ được bà con người Thái chế biến vô cùng kì công. Mỗi mẻ cốm ra lò là cả một hành trình an nan vất vả của chị em người Thái.

 Mùa cốm Tú Lệ, nơi này rộn ràng như chợ phiên. Khách ở du lịch ở khắp nơi đổ về đây mua cốm. Những mẻ cốm thơm ngào ngạt, qua đôi bàn tay xinh xắn của các mẹ, các chị em người Thái được gói lại bằng lá sen. Dây buộc bằng rơm nếp mà bà con cắt từ những thửa ruộng trồng dưới chân 3 ngọn núi lớn nơi đây là Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán. Lúa được tưới nước nguồn, nên cây lúa nếp như hấp thu được tinh hoa của đất trời. Chẳng thế mà mỗi khi mùa cốm về (cuối tháng 8 và đầu tháng 9 hàng năm), ai cũng muốn lên Tú Lệ một lần để được thưởng thức món đặc sản mà chỉ nơi này có được.

Xuân Tuấn