Một công ty sản xuất giày ở thành phố Đông Hoản, Trung Quốc bị đóng cửa (ảnh: SCMP)
Rao Dequn – bà mẹ 43 tuổi với 2 con nhỏ – vừa nhận được thông báo công ty sản xuất giày mà cô làm việc suốt 10 năm qua sẽ đóng cửa sau 5 tuần nữa.
“Rất khó để tìm được một công việc ổn định vào thời điểm này. Nhiều nhà máy, công ty đã phải đóng cửa hoặc sa thải công nhân”, cô Rao nói.
Rao chỉ là một trong số 290 triệu lao động từ nông thôn lên các tỉnh thành lớn tìm kiếm việc làm đang phải vật lộn để thoát khỏi cảnh thất nghiệp hậu dịch Covid-19. Năm ngoái, do tác động của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều lao động ở Trung Quốc đã bị sa thải và đón một cái tết không có tiền thưởng.
“Tôi rất buồn khi phải rời bỏ công việc và nhà máy. Sếp của tôi là người tốt, trả lương rất đúng hạn. Nhiều người đã làm việc ở đó suốt hơn 20 năm”, cô Rao ngậm ngùi.
Rao cùng chồng sống trong một căn phòng rộng vỏn vẹn 10 mét vuông cùng 2 đứa con. Tiền thuê 40 USD/tháng. Họ chỉ có vài vật dụng nghèo nàn.
Liu Liang – chồng của cô Rao – cũng là một lao động từ quê lên, làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, mấy tháng qua, ông Liu được gọi đi làm “bữa đực bữa cái”.
“Chúng tôi có lẽ phải bỏ về quê sống vì công việc bây giờ rất không ổn định”, ông Liu nói.
Những khu công nghiệp tại Đông Hoản, Quảng Đông – nơi 2 vợ chồng cô Rao làm việc – được xem là một trong những “công xưởng” của Trung Quốc vì quy mô lớn và sự hiện đại.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của SCMP, hoạt động của các khu công nghiệp ở Đông Hoản đang rơi vào tình trạng khá ảm đạm thời điểm hậu dịch.
Trong bối cảnh thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Trung Quốc đang mất dần lợi thế có nguồn nhân công giá rẻ, chi phí sản xuất thấp. Nhiều đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc bị hủy bỏ.
Việc hàng loạt lao động như cô Rao mất việc làm cũng đe dọa đến chiến lược phát triển kinh tế nội địa của Trung Quốc. Khi chính người tiêu dùng không kiếm được tiền để tiêu, SCMP nhận xét.
Công nhân tại một nhà máy Trung Quốc ăn trưa và giữ khoảng cách trong dịch Covid-19 (ảnh: SCMP)
Tình trạng sa thải và thất nghiệp ở Đông Hoản phổ biến đến mức chính quyền thành phố phải triển khai chương trình chia sẻ lao động. Theo đó, chính quyền sẽ đóng vai trò là bên trung gian, chuyển công nhân từ một nhà máy đang thừa lao động sang một cơ sở khác cần thiết hơn theo hợp đồng tối đa 3 tháng.
Zhao Jian – chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu tài chính Atlantis – cho rằng, thành công của chiến lược phát triển kinh tế hướng nội của Trung Quốc là không rõ ràng khi nhiều người dân nước này rơi vào cảnh thất nghiệp. Rất nhiều người đã tiêu cạn tiền tiết kiệm trong những tháng dịch bệnh bùng phát và sức mua bị hạn chế.
“Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế. Sản xuất hàng xuất khẩu rất quan trọng trong giải quyết việc làm cho Trung Quốc”, ông Zhao Jian nhận định.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, sản xuất hàng xuất khẩu cung cấp 180 triệu việc làm cho Trung Quốc.
Nguy cơ thất nghiệp đang đè nặng lên vai hàng triệu lao động ở Trung Quốc, đặc biệt là hơn 290 triệu lao động nhập cư từ quê lên thành phố kiếm sống.
Tỷ lệ thấp nghiệp của Trung Quốc đã giảm từ 5,9% vào tháng 5 xuống còn 5,7% hồi cuối tháng 6. Tuy nhiên, bài toán về việc làm vẫn làm “đau đầu” các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.