Con gái nhà văn Kim Lân kể về kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ

Thứ hai, ngày 30/11/2015 08:55 AM (GMT+7)
Những kỷ niệm tuổi thơ được họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn Kim Lân ghi lại.
Bình luận 0

Bố mẹ tôi đã có 6 người con, như vậy cả nhà thành 8 miệng ăn. Bố tôi làm bên Hội Nhà văn, mẹ tôi nhận len về đan áo, đan túi lưới, nhận in tranh, bưu thiếp, in những tranh nhỏ trên giấy màu hoặc lụa để làm thiệp cưới, thiệp chúc Tết, bác Kim Đồng gái (vợ họa sĩ Kim Đồng) chia việc cho mẹ làm, hết giờ học, tôi tranh thủ học đan áo, đan mũ rồi găng tay, khăn quàng, lại học đan túi lưới, túi đan bằng cước đủ các màu, sợi cước trong và dai, đan các loại hoa mắt cáo, chỗ thắt gút, chỗ để lỗ hổng, quai túi đan khó nhất, to dầy bện rất đẹp - túi đủ màu sắc, hoa văn có độ dăm, bẩy kiểu khác nhau.

img

Chân dung nhà văn Kim Lân qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

Học đan len, đan túi lưới một hồi tôi đã thành thạo, tôi có thể đan các loại họa tiết, bện thừng, các màu len pha chế, đan tất, đan găng tay, thích nhất đan mũ và khăn quàng, nhiều lúc được tự chế mầu, tôi cứ thế pha màu đan những mũ, những khăn, màu sắc khác nhau, có lúc tôi còn tự pha chế các màu với nhau để dan áo.

Trông tác phẩm pha màu của mình tôi thích lắm, cũng may là đều bán được. Sau này tôi còn đan nhanh nhoay nhoáy, nhìn một người là tôi đã biết nên bắt bao nhiêu mũi len, đan đến đâu là chiết nách, chiết cổ, vào vai, vào cổ. Cứ hết giờ học, lại ngồi cùng mẹ tôi đan và hí hoáy tự tạo mẫu, pha chế màu và đan thành khăn, áo. Tôi thích lắm, có cảm tưởng không chán vì màu sắc, các họa tiết tôi tự bịa ra trên những đồ vật tôi đan, làm tôi cứ háo hức muốn đợi xem cuối cùng “tác phẩm” ấy của tôi sẽ như thế nào? Hồi hộp lắm.

Sau này tôi đã tự tay đan cho bố tôi chiếc áo len, một màu nâu hạt dẻ, giản dị, đan theo lối đơn giản, kiểu hiện đại, áo cổ lọ, mà tôi cho là hợp bố tôi nhất, ông thích giản dị, màu sắc nền nã, hiện đại, khỏe khoắn, không rườm rà. Chiếc áo tôi đan cho bố, ông thích lắm, sau này ông có nhiều quần áo các con cho, nhưng ông vẫn mặc và giữ chiếc áo len nâu hạt dẻ tôi đan cho ông đến tận cuối đời. Tôi đã bày chiếc áo tôi đan cho ông ấy ở trong tủ, cùng chiếc áo dạ mùa đông màu nước dưa đậm và cái khăn màu be sáng mà sau này em Hạnh tôi cũng học đan, đã đan cho ông, đó là bộ quần áo ông mặc lần cuối cùng khi ông cùng tôi về quê thăm mộ mẹ tôi - tôi đã để lưu lại tại “Nhà lưu niệm” của ông mà chúng tôi làm cho ông sau khi ông qua đời.

Mẹ tôi nói: Con ạ, gia đình mình rất khó khăn, phải kiếm thêm tiền phụ với tiền lương của thầy mới đủ cho các con ăn học. Sau này lớn lên, ra đời con sẽ hiểu không phải việc làm nào mình chỉ thích mới làm con ạ. Nghe mẹ nói vậy tôi đành cắm cúi phụ mẹ ngồi đan túi lưới kiếm thêm tiền cho gia đình.

In tranh lụa thích hơn 1 chút, mỗi lần bác Kim Đồng gái đến nhà, mang theo 1 bịch bưu thiếp giao cho mẹ tôi làm, chúng tôi xúm vào xem mẫu vẽ.

Ngôi nhà lá bên cạnh bụi tre có con trâu, dòng sông có cái thuyền người chèo đò, người quăng lưới trên nền trời màu cam, hay những bông hoa hồng, hoa cúc, hay con trâu, con lợn, con gà, con chó, năm nào cầm tinh con gì thì in bưu thiếp hoặc tranh nhỏ hình con đó.

Chương quẹt mầu, tôi chuyền bản in cho vào khung in không bị lệch, Hạnh, Đức chạy đi chạy lại phơi và nhặt bản in mang lại cho tôi. Cứ dập dìu đều đặn như con thoi vậy. Bác Kim Đồng gái rất vui tính, nhà bác ở phố Phủ Doãn, thỉnh thoảng tôi đi cùng mẹ đến nhà bác giao hàng, bác trai người nhỏ nhắn trắng trẻo, là họa sỹ vẽ sơn mài, bác gái người to béo, đậm chắc, da hơi ngăm ngăm, rất vui tính, cứ gặp chúng tôi là cười nói rổn rảng, vui như Tết.

Trên gác nhà tôi có gia đình ông Phú, chẳng hiểu sao mọi người đều gọi là ông Phú Tý. Ông ở đội bóng đá công an, ông có 2 vợ - bà cả thấp lùn, da trắng nhỏ bé, bà hai cao gầy mắt rất to, buồn buồn, bị bệnh đau tim. Bà Phú cả có gian hàng trên chợ Đồng Xuân, một hôm bà nói với mẹ tôi:

- Trên chợ có nhiều việc lắm, cũng nhẹ nhàng thôi, bà cho cháu Hiền và Chương lên làm buổi tối kiếm thêm tiền cho gia đình. Thế là buổi tối, tôi và Chương theo lũ con bà lên chợ Đồng Xuân đi làm, tưởng làm việc gì hóa ra chúng tôi có mỗi một việc là nhổ lông gà, lông vịt.

Những con gà, con vịt đã được giết xong cho vào  chảo nước sôi, quậy đều lên cho thấm nước rồi một bà khệ nệ bưng ra đặt trước mặt trao cho chúng tôi mỗi đứa một cái nhíp, thế là chúng tôi thi nhau nhổ lông, nhổ xong mỗi đứa để vào rổ của mình. Đến khuya, họ kiểm tra rổ của mỗi đứa, ghi vào sổ, chúng tôi lại về nhà tắm rửa, đi ngủ. Chẳng biết tiền công được bao nhiêu, vì bà Phú mang tiền về giao cho mẹ tôi. Đi làm được mấy ngày, sau thấy đi làm về khuya quá, bố mẹ tôi không cho chúng tôi đi nữa.

Tôi và Chương lại được bác Đàn là anh ruột mẹ tôi, nhân nghỉ hè, bác cho chúng tôi vào nhà bác ở khu Cao Xà Lá, nhà máy làm thuốc lá. Có một cái máy cuốn bé tý bằng gỗ và que tre, cho giấy và thuốc lá vào, dàn đều xong uốn một vòng, đến mép giấy quết tý hồ, quấn chặt lại xong điếu thuốc lá. Cứ thế làm như cái máy, một lúc là đầy rổ, cắt 2 đầu thuốc thò ra ngoài cuốn giấy xong là vừa đủ hộp.

Tôi và Chương còn làm cả việc đập gạch ở nhà máy, chẳng hiểu sao viên gạch vỡ rồi, lại phải đập cho nó vỡ nhỏ ra hơn. Chẳng biết bác làm chức gì ở nhà máy, hồi trước bác Nam tiến, vào trong Nam chiến đấu, thế rồi chẳng hiểu sao trong  cuộc chạy loạn, bác đã thất lạc vợ và con mà cho đến lúc bác mất bác vẫn không tìm lại được. Ra Bắc, thấy bác quá buồn và cô đơn, gia đình đã làm mối cho bác một người vợ mà tôi gọi là bác Đàn gái - bác da trắng, miệng cười có duyên, người cũng ở làng tôi - khá đẹp gái, ăn nói nhỏ nhẹ. Hai bác lấy nhau cũng không có con. Vì vậy hai bác quý trẻ con lắm.

Ngoài lúc làm việc, tôi và Chương lại hí hoáy vẽ. Những tháng hè ở đây tôi đã gặp một cậu bé, mắt to đen láy, da trắng trẻo, môi đỏ hồng, trông rất xinh. Suốt ngày em lẽo nhẽo theo tôi xem tôi vẽ, đứng cạnh tôi xem tôi cuốn thuốc lá, đập gạch, chăm chú nhìn, tôi vừa dứt tay là em lại nài nỉ đòi tôi kể chuyện cổ tích.

Mấy chục năm sau, vào trường Mỹ thuật chơi thăm lại thầy cô bạn bè, tôi đã gặp lại cậu bé ấy. Bắt chiếc lại giọng nói khi xưa tay bám vào tay tôi rung rung như ngày nào em vẫn bám vào tay tôi mè nheo tôi như vậy. Cả hai chị em phá ra cười. Tôi đã gặp lại chú bé mắt to đen láy nay đã là họa sỹ và là Giám đốc trường Mỹ thuật, chú bé Lê Anh Vân mà giờ phải gọi là ông họa sĩ, Giáo sư Lê Anh Vân rồi đấy.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (An Ninh Thủ Đô)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem