Còn nặng về phát triển hạ tầng

Thứ tư, ngày 15/06/2011 06:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua (14.6), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo nhằm đánh giá 1 năm triển khai chương trình này và bàn giải pháp thực hiện xây dựng NTM trong thời gian tới.
Bình luận 0

92% số xã đang làm quy hoạch

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay cả 63 tỉnh, thành phố đều đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng NTM theo 19 tiêu chí.

Theo đó, đạt 15-18 tiêu chí có 1,2% số xã; đạt từ 12-14 tiêu chí có 3,3% số xã; đạt từ 8-9 tiêu chí có 13% số xã. Còn lại đều đạt dưới 8 tiêu chí. Hiện mới có khoảng 55% số xã đang xây dựng đề án, trong đó có 700 xã (chiếm 7,6%) đang hoàn thành việc xây dựng đề án.

img
Bộ mặt nông thôn mới ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định).

Đối với công tác quy hoạch, đến nay đã có 92% số xã đang triển khai công tác quy hoạch, trong đó đã có 461 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết, trong đó các tỉnh Thái Bình, An Giang, Phú Thọ đã xong cơ bản quy hoạch chung cho các xã trên địa bàn.

Ông Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhận định: "Việc chỉ đạo thực hiện đề án ở các xã vẫn còn nhiều lúng túng, các xã chưa chọn được những nội dung ưu tiên cấp bách. Các xã vẫn nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, văn hoá, môi trường, còn tập trung nhiều về xây dựng các công trình ở xã, chưa quan tâm thích đáng đến các công trình ở thôn hoặc ở hộ nông dân".

Theo Bộ KHĐT, vốn bố trí cho chương trình NTM năm 2011 đạt 1.600 tỷ đồng và đã được phân bổ về cho các địa phương. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, một số địa phương như đã bố trí thêm hơn 5.664 tỷ đồng cho chương trình như Hà Nội 1.870 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 1.013 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 903 tỷ đồng, Quảng Ninh trên 870 tỷ đồng…

Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sau 1 năm thực hiện, các chỉ tiêu xây dựng NTM đều đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Đến nay, những xã tiến hành xây dựng NTM đã triển khai được phương án sản xuất, ở 11 xã điểm NTM đã hình thành tới hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, xã nào cũng có 3 - 4 mô hình sản xuất có hiệu quả, được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Nhờ vậy, hầu hết ở các xã, thu nhập của người dân tăng 20 - 30% so với trước, tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn.

Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong năm 2011, tổng nhu cầu nguồn vốn của các địa phương là khoảng 31.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách T.Ư trong năm nay mới là 1.600 tỷ đồng (khoảng 5% so với nhu cầu).

Ông Cao Đức Phát cho biết: "Với nhu cầu nguồn vốn như vậy, chúng ta cần phải huy động và kêu gọi các tổ chức tài trợ vào chương trình này, nhất là phải huy động được nguồn vốn từ ODA. Bước đầu, một số tổ chức đã rất quan tâm đến NTM và sẵn sàng tham gia tài trợ".

Lấy dân làm chủ thể

Đánh giá về Chương trình xây dựng NTM trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: "Đây là một chương trình rất tổng thể, bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều tiêu chí. Do đó, chúng ta cần lựa chọn vùng nào khó khăn, nghèo thì làm trước, về tiêu chí phải coi giáo dục là tiêu chí số 1 cần làm trước, bởi giáo dục là vấn đề cốt lõi, có tác động đến các tiêu chí khác. Tiếp đó, cần thực hiện các tiêu chí về y tế, an ninh trật tự, xây dựng cơ sở hạ tầng…".

Theo Phó Thủ tướng: "Các bộ, ngành, địa phương khi hướng dẫn triển khai chương trình không được cứng nhắc, mà phải linh hoạt, đơn giản, tuỳ theo đặc điểm tình hình của địa phương để người dân vận dụng. Đặc biệt, phải lấy người dân làm chủ thể, vì lợi ích của người dân nông thôn, nhất là những người nông dân nghèo".

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng khẳng định: "Xây dựng NTM là chương trình lâu dài, bền bỉ, nên để chương trình đi vào thực chất, cần xây dựng đề án NTM cho từng xã, gắn với việc hoàn thiện công tác quy hoạch. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình triển khai tốt, có thể tập hợp thành các bộ tiêu chuẩn mẫu, phổ biến cho các xã, huyện trong cả nước.

Các bộ, ngành cần hoàn thiện các tiêu chí, kiến nghị Chính phủ về các nội dung sửa đổi để chỉ đạo thống nhất, phù hợp với tình hình. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các tiêu chí liên quan đến bộ, ngành mình, phân công đi kiểm tra việc triển khai ở các địa phương, tránh tình trạng để cơ sở lúng túng".

Về hiệu quả nguồn vốn xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói: "Chúng ta đã làm các công trình như y tế, kiên cố hoá trường học, rồi nhà ở đều là ở trên địa bàn nông thôn, phục vụ người dân. Bây giờ vấn đề là làm sao đưa được các công trình này vào nông thôn và sử dụng cho có hiệu quả là được".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem