Theo phóng viên tại Nam Mỹ, trong công trình nghiên cứu giữa Trung tâm Khoai tây quốc tế (CIP) tại Lima kết hợp với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), các nhà khoa học cho biết thí nghiệm trồng khoai tây trong môi trường giống trên sao Hỏa, được tiến hành từ ngày 14.2 đến ngày 5.3, đã bước đầu cho thấy những kết quả "khả quan".
Nhà khoa học Julio Valdivia Silva cho biết môi trường trong thí nghiệm nói trên tương tự như môi trường sao Hỏa với đất khô và mặn, được lấy từ vùng Pampas de la Joya, miền Nam Peru.
Phần vách một núi lửa của Sao Hỏa có thể nhìn thấy qua lớp tro bụi được chụp từ tàu Curiosity. (Nguồn: EPA/TTXVN).
Dự án khoa học đặc biệt này sẽ kéo dài trong 5 năm. Các nhà khoa học Peru đã vận chuyển 7 tạ đất và đá từ sa mạc Pampas de la Joya về phòng thí nghiệm tại Lima phục vụ nghiên cứu này.
Theo chuyên gia NASA Chris McKay, đất lấy về từ Pampas de la Joya rất giống cấu tạo đất có trên sao Hỏa. Nhiệt độ tại phòng nghiên cứu của dự án này được giám sát chặt chẽ để tạo môi trường giống trên sao Hỏa nhất có thể, thông qua các thiết bị cảm ứng.
Các nhà sinh học đã chọn hơn 100 giống khoai tây các loại của Peru để thử nghiệm.
Các nhà khoa học nhận định việc gieo trồng thành công khoai tây, loại củ có nguồn gốc từ vùng núi Andes của Peru, trong điều kiện giống sao Hỏa là một bước tiến vô cùng quan trọng trong dự án đầy tham vọng giữa CIP và NASA.
Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu về khả năng đưa khoai tây lên trồng thử nghiệm tại sao Hỏa.
CIP là một trong những trung tâm thí nghiệm lớn nhất thế giới, chuyên nghiên cứu về các loại củ và có một ngân hàng giống khoai tây với 4.000 giống khác nhau.
Các giống khoai tây Peru có sức đề kháng tốt, có thể tồn tại trong mọi môi trường sống trên Trái đất, kể cả ở độ cao tới 4.000 m so với mực nước biển.
PV (TTXVN/Vietnam+)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.