Con số “báo động” về nợ xấu

22/08/2020 16:57 GMT+7
Sau 5 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu đưa nợ xấu "thật" về dưới 3% vào cuối năm 2020 là không khả thi.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm 31/5, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019. Tương ứng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,86%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm trước (1,63%).

Báo động về nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước cho biết, những tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng hiện vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm phục hồi kinh tế toàn cầu, các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng này.

Vì vậy, chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2020, trích lập dự phòng tăng, có thể tác động mạnh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong năm 2020.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, dịch bệnh Covid-19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng khi tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước; và dịch bệnh làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn trong thời gian tới, gia tăng nợ xấu toàn ngành, ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu.

Trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như kết quả xử lý nợ xấu. Ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm % so với cuối năm 2019), dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%.

Trong trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 sẽ ở mức 2,16% (tăng 0,5 điểm % so với cuối năm 2019).

Nợ xấu "thật" xuống dưới 3% không khả thi?

Đánh giá về mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020, PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh hiện tại đây là mục tiêu không khả thi.

Bà Linh phân tích, với độ mở nền kinh tế Việt Nam lên đến hơn 200% GDP, nên sự phục hồi của nền kinh tế cũng còn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh ở cả trên thế giới, trong khi diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn còn rất khó lường.

"Khi nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thì khả năng trả nợ của doanh nghiệp sẽ vẫn rất khó. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so với cùng kỳ năm 2019, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tiềm ẩn rủi ro.

Như vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn và do đó đã làm gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu. Bởi vậy, theo tôi, khả năng ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu đưa tổng nợ xấu (tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) về dưới 3% vào cuối năm 2020 là không khả thi", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Con số “báo động” về nợ xấu - Ảnh 2.

Mục tiêu đưa nợ xấu "thật" về dưới 3% vào cuối năm 2020 không khả thi?

Theo dự báo của vị chuyên gia này, tỷ lệ nợ xấu "thật" cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%. Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, nợ xấu chỉ có thể tăng chứ rất khó giảm, Ngân hàng Nhà nước đánh giá một cách thận trọng, dự kiến nợ xấu "thật" ở mức 3,67% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn.

Để giảm thiểu nợ xấu, vị chuyên gia đến từ Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các ngân hàng cần kiên trì tuân thủ các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng. Việc này sẽ khiến các ngân hàng phải hy sinh mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra, nhưng "chung lưng" cùng doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn sẽ giúp họ sớm phục hồi hoạt động, từ đó, không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng và nền kinh tế sẽ hồi phục bền vững. 

Ngược lại, nếu ngân hàng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, không duy trì những chính sách hỗ trợ khách hàng khi họ đang gặp khó khăn, thì có thể ngân hàng và cả nền kinh tế sẽ phải rất vất vả để giải quyết bài toán phải xử lý nợ xấu trong giai đoạn hậu Covid-19.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục