Cõng gánh nặng nợ 277% GDP, Trung Quốc "gật đầu" cho doanh nghiệp phá sản

05/01/2021 09:13 GMT+7
Trung Quốc đang tìm cách tận dụng đại dịch Covid-19 để củng cố sức mạnh ngành công nghiệp quốc gia, thanh lọc hệ thống tài chính bằng cách cho phép các công ty có kết quả kinh doanh yếu kém tuyên bố phá sản.

Tổng giá trị các khoản vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 30 tỷ USD trong năm 2020, bao gồm cả hàng loạt vụ vỡ nợ doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc gia đang thắt chặt giám sát doanh nghiệp trong khi các sàn giao dịch trong nước đã hủy niêm yết ít nhất 16 mã cổ phiếu chỉ tính trong năm 2020, nhiều nhất kể từ năm 1999 đến nay.

Xu hướng này được dự báo sẽ tăng lên vào năm 2021 khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thắt chặt các quy định tài chính, đặt các doanh nghiệp có nguồn tài chính yếu kém vào những thách thức to lớn. Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ sau đại dịch và đồng NDT mạnh đang tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc giảm gánh nặng nợ trong hệ thống tài chính, vốn đã tăng lên mức 277% GDP quốc gia.

Cõng gánh nặng nợ 277% GDP, Trung Quốc "gật đầu" cho doanh nghiệp phá sản - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu 30 tỷ USD trong năm 2020

Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd. nhận định: “Mặt tích cực là Trung Quốc sẽ kiểm soát được rủi ro tài chính, nhưng mặt tiêu cực là chính phủ sẽ không cứu trợ các công ty (khỏi nguy cơ phá sản) trừ khi họ rơi vào tình huống cực đoan... Chính phủ đang muốn tận dụng tối đa đà phục hồi tăng trưởng vững chắc để thắt chặt chính sách tiền tệ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều công ty đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến thiếu hụt tiền mặt”.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng tính hiệu quả của thị trường vốn cũng như cải thiện sự lành mạnh của hệ thống tài chính doanh nghiệp. Chỉ trong tháng 12/2020, Bắc Kinh đã tăng gấp 3 lần mức án tối đa với tội danh gian lận chứng khoán lên 15 năm tù, đồng thời đề xuất rút ngắn quá trình hủy niêm yết các cổ phiếu không sinh lời. Các nhà hoạch định chính sách cũng cam kết cải thiện giám sát ngành xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đồng thời áp đặt hạn mức cho vay của ngân hàng với các nhà phát triển bất động sản - lĩnh vực có tỷ lệ nợ cao nhất. Trước đó một tháng, cơ quan quản lý chứng khoán hàng đầu quốc gia cũng tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các thương vụ IPO trong nước.

Dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC không phát tín hiệu tăng lãi suất trong những tháng tới nhưng cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo tiết chế nguồn cung tín dụng giá rẻ. Trong thời điểm hiện tại, tăng trưởng xuất khẩu bùng nổ đang tạo điều kiện thích hợp cho ngân hàng Trung ương cắt giảm các biện pháp kích thích đã ban hành trong đại dịch Covid-19.

Nhưng việc rút lại các kích thích có thể kéo theo hậu quả tàn khốc với các doanh nghiệp dễ bị tổn thương trong nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và gây tổn hại cho sự phục hồi kinh tế nói chung, Ngân hàng Thế giới WB cảnh báo.

Carlos Casanova, một nhà kinh tế của Union Bancaire Privee nhận định: “Việc tạo động cơ tăng trưởng trong tương lai mà không làm mất đi sự ổn định trong hệ thống tài chính có đòn bẩy tài chính cao đòi hỏi một sự tái cân bằng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đối với Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc, sự hiệu chỉnh này chỉ có thể thành công nếu các công ty có năng lực tài chính và tình hình kinh doanh yếu kém được phép tuyên bố phá sản… Để quá trình tái cấu trúc nợ của Trung Quốc diễn ra như mong đợi, tốc độ cải cách tài chính phải tăng tốc nhanh chóng”.


NTTD
Cùng chuyên mục