Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ai đã từng trải qua dâu bể cuộc đời, để sau một hành trình dài trở về quê, mới thấm thía chiếc cổng tạo nên những giá trị hữu hình, vô giá đến nhường nào. Sau cổng làng là sự hoà nhập cộng đồng làng xã, gia đình. Là những nét chung về phong tục tập quán và cả những nét văn hoá riêng biệt không làng nào giống làng nào.
Đó là bản sắc, là cái độc đáo, thế mới có câu: Lệnh làng nào làng nấy đánh, Thánh làng nào làng nấy thờ. Trong tâm hồn của mỗi người dân thôn quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, hình ảnh chiếc cổng làng rất đỗi thân thiết. Trên thân cổng không biết bao nhiêu dấu vết của tuổi thơ, đó là những trưa hè nóng bức trẻ em đến đây chơi bi, chơi đáo, chơi ô ăn quan...
Chỗ đất kia mịn êm như tấm chiếu cho lũ trẻ làng lê la, tha thẩn ngóng mẹ về những buổi chợ quê. Rồi đêm trăng thanh gió mát, thanh niên nam nữ hẹn hò, trao gửi kết duyên tại cổng làng. Đó còn là nơi dừng chân đặt gánh lúa nặng trĩu đôi vai của những người nông dân, làm vơi đi bao nỗi cực nhọc, vất vả ngày mùa...
Trong thời kỳ kháng chiến, cổng làng diễn ra nhiều cuộc “chia ly màu đỏ”, những cuộc tiễn đưa không hẹn ngày về của bà mẹ già với con trai, của người vợ trẻ với chồng hay của những đứa con thơ tiễn cha ra chiến trường. Rồi cũng chính tại cổng làng này, họ lại mong ngóng mỏi mòn người thân phương xa trở về.
Thế đấy, cắt nghĩa về hồn làng thì bao la, rộng mở lắm nhưng ở đây xin chỉ nhắc đến cổng làng. Vì sao trong tâm thức người Việt, cổng làng lại “sống lâu” đến thế? Phải chăng là ở cái hồn, cái vía của làng? GS Trần Quốc Vượng từng cho rằng “nhà có nóc, làng có cổng… người sống sau cái cổng làng, người chết chôn bên ngoài cái cổng làng”.
Bởi thế cổng làng bao giờ cũng có dấu ấn nổi bật như một lời chào thành thật của từng người với sự đổi thay của vạn vật, là tình cảm hồ hởi của dân làng với du khách.
Tôi đã rất nhiều lần đi qua chiếc cổng làng cũ kỹ rêu phong của làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và thực sự ấn tượng với đôi câu đối trên cổng mà người xưa đã đề bút: “Muôn đại vinh khai nghênh khách chí-Lầu cao hỷ kiến viễn bằng lai”.
Nghĩa là: “Cửa lớn rộng mở đón chào khách đến - Lầu cao vui gặp bạn xa về”. Và dường như chiếc cổng làng ấy đã gợi mở cho tôi cảm nhận về từng ngõ ngách tâm hồn dân tộc đằm sâu trong góc hoài niệm về tình yêu quê hương.
Bước qua cổng là vào một không gian đậm chất Bắc Bộ, là cái bến đò mênh mang sóng nước, là cây đa già tỏa bóng mát quanh năm, hay mái đình rêu phong cổ kính... Rồi còn đó cả những con người đậm chất quê thật thà, thân thiện. Kể về làng thì nhiều, nhiều lắm, từ nết đất, nết người, nết ăn, nết ở cho đến phong tục tập quán.
Với người Thổ Hà, khách quý đến nhà chơi lần đầu là chủ cứ phải ra đón ở chính cái cổng ấy. Khách về cũng vậy, cứ phải bắt tay nhau, vỗ vai khách ở cái cổng này. Thấy các cụ bảo, cổng xây dựng năm 1692. Trên mặt trước cổng còn dòng chữ Hán: Thổ chi tân (nghĩa là đất thiêng bền đẹp); phía sau cổng có chữ: Hà nguyên hậu (Nước nguồn vô tận – ý nói phúc lộc trời ban cho làng Thổ Hà còn dãi mãi).
Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và vẫn mang nét đặc trưng của văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Diệu Uy/VOV.
Tôi cũng đã vài lần đi qua cổng làng Mỏ Thổ, xã Minh Đức, huyện Việt Yên (Bắc Giang) và được những bô lão dẫn ra tận nơi chứng kiến dòng chữ Hán- Nôm: “Hoàng triều Thành Thái thập tam” trên mái sau cổng làng. Từ thông tin đó có thể biết cổng làng Mỏ Thổ được xây dựng vào năm Thành Thái thứ mười ba (1901).
Đã 121 năm qua, cổng làng Mỏ Thổ vẫn hãnh diện “thi gan cùng tuế nguyệt” dù cho “lưỡi hái” thời gian đã khoét sâu vào từng viên gạch trơ mòn, trũng lõm, sâu hút những hang hốc như cuốn đi bao trắc ẩn cuộc đời. Con đường đi qua cổng làng, để lại theo năm tháng những lớp bụi quê vô thường vô thức, chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện lớn của làng.
Dù có đi đâu, về đâu, người dân Mỏ Thổ cũng luôn tự hào về làng mình, về cái cổng với bao dư vị ngọt ngào, mặn đắng thắm tình quê, tình đất. Cụ Thạch, người cao tuổi làng Mỏ Thổ tâm sự: “Nhờ cái cổng làng mà chúng tôi thấy được tình cảm, lòng yêu thương, sự gắn bó và trách nhiệm của mình với làng với xã, với quê hương đất nước. Tìm về cổng làng là tìm về nơi quê cha, đất tổ.
Bên trong, phía sau cổng làng là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị, bà con xóm giềng, họ hàng thân thích. Là phong tục tập quán, lệ làng và tất cả giá trị văn hóa mà cha ông lưu truyền”.
Thế rồi, mỗi mùa, mỗi độ, đất làng lại có những mùi vị riêng biệt. Mùi đất ải, phân xanh hoai hoải, hay mùi khói rơm ủ trấu gắt vị nồng, nó cứ ngấm dần vào tận chân tơ kẽ tóc, kết đọng trong tâm trí. Trùm lên tất thảy là mùi lam lũ, cơ cực của những người nông dân. Mùi mồ hôi lưng áo mẹ, mùi tóc con gái gội bồ kết hương bưởi, rồi cả mùi ngô nướng, khoai vùi, thóc nếp rang... Hồn làng đó, đâu dễ mấy ai quên.
Làng quê thường tương đối khép kín, để một hoặc hai lối ra vào để dựng cổng. Vì thế cổng làng là giới hạn giao lưu liên làng và mở ra khu thổ canh. Buổi sáng cổng làng mở, dân làng đi chợ búa, đi làm lụng, hoặc đi với trâu bò ra đồng cày cấy, đến tối lặn mặt trời, sau khi người và trâu bò về thì cổng làng đóng lại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Xưa các cụ, làng nào giàu thì xây cổng lớn, có rồng chầu, hổ phục. Mái cổng đứng lên một nấc, nóc mái đầu đao, có khi kết đôi loan phượng. Các cụ ta xưa không có ý đua nhau xây cổng cho thật to, thật lớn để mà “con gà tức nhau tiếng gáy”, mà “bằng chị bằng em”, thay vào đó người xưa thường “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Xây dựng cổng bao giờ cũng phải nhìn sang làng bên, trông lên thiên hạ để kiến thiết mẫu cổng cho phù hợp, xứng với vị thế làng. Làng nào có nhiều người làm quan, kinh tế hưng thịnh thì xây cổng to và ngược lại. Thế nhưng nhìn chung kiến trúc cổng làng xưa không quá cầu kì, phô trương mà chỉ cốt nhằm khẳng định chỗ đứng trong khoảng không gian của làng quê trong vùng.
Có cổng thì ở sát rìa làng, ở tít đầu đường, hoặc giao với đường cái quan, nhìn chung thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất. Dù to hay nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, cổng làng chính là dấu ấn chứng minh cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Đơn giản chỉ bởi đó là bộ mặt, phần nào thể hiện được cốt cách của làng.
Xuyên qua bao thế kỷ, trước vô vàn sự khắc nghiệt của thiên nhiên, con người, cổng làng vẫn sừng sững đứng đó, trầm mặc với tre trúc, đường quê, bảng lảng những khúc hát dân ca, ngân nga lời quan họ. Đâu đó, thường râm ran những câu chuyện cổ, những huyền thoại li kì, hấp dẫn…
Tất cả, tạo nên bản nhạc không vần, du dương trìu mến về tình yêu quê hương bất tận. Đúng như cố GS Từ Chi từng nhận xét: Cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh người dân Việt. Bởi lẽ, dù đô thị hoá đến đâu, có nhiều nhà cao tầng hay biệt thự đến đâu, làng vẫn không thể là phố.
Cổng làng xưa đẹp đẽ là thế, duyên dáng là vậy, ấy thế mà nhiều nơi lại đang để cổng làng cổ dần đi vào quên lãng. Có những làng lô xô nhà bê tông kín cổng cao tường, lác đác vài căn nhà ngói, mấy giậu cúc tần, cổng làng chìm vào những bức tường cao ngất, khuất trong những ngôi nhà nửa tây, nửa ta.
Cả làng hướng tới công nghiệp hóa trong xây dựng, chỉ cố giữ cái cổng làng nhưng cũng pha trộn nửa cổ điển, nửa tân thời. Rồi trước nhu cầu mở rộng khu dân cư, nhu cầu giao thông và cơ giới hóa trong các hoạt động sản xuất… nhiều cổng làng đã bị tước mất vị trí trong đời sống của cộng đồng làng xã. Bỗng một ngày những công trình thế kỷ bị hạ giải với một lý do rất đơn giản là... “vướng lắm”.
Hoặc đã có những cổng làng bị bỏ mặc xiêu vẹo, xuống cấp như cổng làng Bỉ Nội, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên hoặc cổng làng Nga Trại, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà... như tôi đã từng gặp. Có nơi nhân danh tu bổ lại cổng làng nhưng thực ra họ tiện thể phá luôn cổng cũ và xây cổng mới hoành tráng hơn để xe công nông, ô tô đi lại dễ dàng; lại có làng làm hẳn cái cổng chào bằng khung sắt cốt chỉ để phô trương...
Thành thử quê không ra quê, phố không ra phố. Rồi nhiều cổng làng đang bị xuống cấp, người dân lấn chiếm để ở và làm nơi buôn bán. Rồi khi đất đai lên giá, nhiều cây cối quanh cổng làng bị chặt trụi, ao làng bị lấp đi và bỗng cái màu nước trong xanh cũng biến mất để nhường cho cái màu đen ngòm, bốc mùi tanh nồng.
Nhiều người mong muốn, việc quy hoạch làng, xã hiện nay phải đưa những cổng làng truyền thống vào quy hoạch bảo tồn, không phá bỏ cổng cũ để xây công trình mới. Cổng làng bị xuống cấp phải kịp thời tu bổ để bảo tồn. Đồng thời phải nâng cấp, tôn tạo cảnh quan thành không gian văn hoá khoáng đạt, mang tính nghệ thuật thẩm mỹ cao...
Tất cả đều không ngoài mong muốn giữ lại hồn cốt của làng quê truyền thống, của bản sắc văn hoá vùng miền. Chúng ta cũng đừng nên đổ cho cơ chế thị trường và tốc độ đô thị hoá nông thôn mà bỏ đi những cổng làng quen thuộc. Và cũng phải chăng vì lẽ ấy mà ông Vũ Kiêm Ninh cảm thấy như mắc nợ một đời với cổng làng.
Mấy chục năm trời, có ngày từng đi trên 50 cây số trên chiếc xe đạp cà tàng, nghiên cứu từng cổng làng Hà Nội. Cuốn sách Cổng làng Hà Nội xưa và nay, với hơn 300 trang và 109 tấm ảnh về cổng làng Hà Nội của ông, không ngoài mục đích để làm sao lưu giữ được hình ảnh của những chiếc cổng xưa, nếu sau này có bị phá, mọi người nhìn vào cũng còn thấy phần hồn Hà Nội xưa, với những câu chuyện cổ tích hấp dẫn tuổi thơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.