Công nghệ đảo hàng

Thứ năm, ngày 13/01/2011 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôi gợi chuyện buôn bán và bị bắt ở ga Gia Lâm, Thanh thẳng thắn đáp: "Chỉ có bọn buôn lớn bị báo mới bị vồ thôi, chứ buôn lẻ thì chẳng bao giờ bị túm. Cái nghề đi buôn này thực chất là trốn thuế, nhưng quan trọng nhất là công nghệ đảo hàng".
Bình luận 0

Tôi có mặt ở ga Đồng Đăng chỉ vài phút trước khi con tàu này chuyển bánh, mua vội tấm vé đồng hạng 42.000 đồng rồi ngồi sà vào đám dân buôn. Bắt chuyện với người đàn ông ngồi cạnh, gã giới thiệu tên Thanh, 37 tuổi, ở thị trấn Lim (Tiên Du, Bắc Ninh).

Công nghệ đảo hàng

img
 Ông Nguyễn Hữu Luật (ảnh) cho biết, so với các chuyến tàu trước thì chuyến hôm 11-1 lượng hàng chỉ bằng 1/3, vì dân đi buôn còn nằm im nghe ngóng xem các cơ quan chức năng xử lý thế nào. Nhưng chắc chỉ vài ngày nữa hàng lại ùn ùn vì sắp Tết rồi, nhu cầu tiêu thụ hàng lớn, dân buôn càng trở nên liều lĩnh.

Sau cái nhìn dò xét, Thanh nói: "Chỉ có bọn đi đánh hàng biên giới mới đi cái tàu này thôi, còn khách du lịch chẳng ai đi cả, ô tô từ Lạng Sơn về đến Hà Nội mất có 3 tiếng, còn đi tàu 7 tiếng, ngồi làm gì cho mỏi gối".

Tôi gợi chuyện buôn bán và bị bắt ở ga Gia Lâm, Thanh thẳng thắn đáp: "Chỉ có bọn buôn lớn bị báo mới bị vồ thôi, chứ buôn lẻ mỗi chuyến tàu đôi tạ hàng như bọn tôi thì chẳng bao giờ bị túm. Cái nghề đi buôn này thực chất là trốn thuế, nhưng quan trọng nhất là công nghệ đảo hàng".

Sau vụ việc các chủ hàng chống trả lực lượng chức năng ở ga Gia Lâm, Hà Nội ngày 9-1, đêm 11-1, PV NTNN đã đi theo con tàu ĐĐ 04 từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và ghi nhận mọi chuyện vẫn diễn ra như thường, hàng lậu vẫn theo tàu về Hà Nội...

Tôi thắc mắc: "Sao bao hàng to như thế này mà cánh đi buôn đảo được?".

Thanh phá ra cười như nắc nẻ rồi nói: "Ông ngu bỏ mẹ, ông tưởng bọn tôi đi buôn thế này là lậu hết à? Bọn tôi cũng đóng thuế cả đấy, nhưng đi vài chuyến, lúc nào thấy căng căng mới đóng thuế 1 lần. Toàn sử dụng "chiêu" quay đầu hoá đơn hết, một hoá đơn nếu mà tốt số có thể làm được dăm bảy chuyến hàng là chuyện bình thường, đó là đảo hàng tại đầu. Còn đảo hàng tại ga thì tới Bắc Giang sẽ rõ".

Phải mất 4 giờ đồng hồ gà gật tàu mới về đến ga Bắc Giang. Lúc này đã 5 giờ chiều, tôi thấy Thanh đứng vụt dậy lao vào trong nhà vệ sinh, vần luôn 3 thùng hàng ném xuống cửa toa chỉ trong vòng chưa đến 1 phút. Sau đó lại thấy 3 thùng hàng cũng to như thế được Thanh đưa lên lấp vào chỗ cũ. Tôi chạy dọc các toa xem tình hình thì thấy hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các toa. Sau tiếng còi, tàu lại lắc lư chuyển bánh.

Về vị trí ngồi của mình, Thanh hổn hển nói: "Từ hôm bọn buôn lớn bị úp sọt ở ga Gia Lâm, thấy căng quá, bọn tôi đành phải gửi mấy thùng hàng nhập ở trên Lạng Sơn xuống đây, hôm nào thấy yên thì mang về".

Thì ra trong người Thanh đã có một bộ hoá đơn ghi sẵn danh mục hàng nhập là quần áo rét, mà mấy thùng hàng Thanh buộc phải đảo xuống là giày dép trẻ em, còn mấy thùng áo rét này là của bộ hoá đơn được quay đầu, cách đây đã hơn 10 ngày.

Mấy thùng quần áo rét này cũng chỉ là cách Thanh “treo đầu dê”, để có bị kiểm thực thì hàng vẫn trùng khớp với hoá đơn ghi sẽ không bị tính thuế. Đây cũng là kiểu làm ăn phổ biến mà cánh buôn hàng dùng để đối phó khi bị kiểm tra đột xuất.

Ầm ầm xuống hàng

img

Hàng vẫn lên xuống tàu.

6 giờ tối tàu mới về đến ga Bắc Ninh, cả nhà ga vắng tanh. Tôi đang đứng ở cửa toa nói điện thoại thì một cái đẩy bất ngờ kèm theo tiếng quát: "Tránh ra nào, cho xuống hàng tí!".

Thì ra, bắt đầu từ ga này hàng buôn dần dần được chuyển xuống, những cánh cửa ga bị mở toang, cả chục bao tải hàng to nhỏ được lao uỳnh uỵch xuống sân ga nằm ngổn ngang. Như từ dưới đất mọc lên, một đám cửu vạn ào ra bốc hàng rồi mất hút sau những cánh cổng tối om của ga Bắc Ninh.

Cảnh tượng xuống hàng nhanh gọn tiếp tục diễn ra ở những ga tiếp theo là ga Lim, Từ Sơn. Về đến ga Gia Lâm, lượng hàng được đùn xuống gấp nhiều lần, khiến cho các cửa lên xuống tàu bị bịt kín, hàng còn được ùn ùn tuôn ra từ những ô cửa sổ của tàu.

Trước thực trạng buôn lậu tinh vi, chúng tôi có đặt câu hỏi cho ông Trưởng tàu Đồng Đăng 04, Nguyễn Hữu Luật. Đắn đo mãi, ông Luật mới cho biết: "Nói thật là tàu Đồng Đăng- Gia Lâm chở hàng là chủ yếu, vì hầu như không có khách đi tàu. Nếu không có hàng thì chúng tôi chết đói, vì thế hàng nào cũng phải chuyển".

Theo ông Luật, hiện nay, ngành Đường sắt đã khoán mỗi chuyến định mức vé và hàng là 40 triệu đồng: "Làm không đạt thì chúng tôi từ trưởng tàu đến nhân viên đều bị trừ lương, hơn nữa, việc đưa hàng lên tàu không phải là do ngành Đường sắt quyết định mà tại ga Đồng Đăng có đội liên ngành gồm hải quan, quản lý thị trường, công an, biên phòng của Lạng Sơn đóng tại ga kiểm soát, chính họ là lực lượng kiểm soát chống buôn lậu họ quyết định cho hàng hoá lên xuống tàu, chứ chúng tôi chỉ là người thu cước vận chuyển thôi".

Câu chuyện của ông Luật ngày càng chua xót khi nói đến vấn đề khách buôn hàng "thích làm gì thì làm. Nếu phật ý họ thì có ngày chúng tôi bị ăn đòn, như tôi không ít lần đã bị doạ đánh rồi".

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem