Quản lý kiểu “cha chung…”
Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đăk Nông, công ty được tỉnh giao quản lý 154 công trình (CT) thủy lợi, có năng lực tưới cho trên 24.000 ha cây trồng. Thế nhưng trên thực tế, việc quản lý kiểu “đem con bỏ chợ” bấy lâu nay khiến hầu hết các hồ, đập hư hỏng, xuống cấp trầm trọng; năng lực tưới thực tế của các hồ, đập thấp hơn rất nhiều so với thiết kế.
|
Công trình thủy lợi Đăk RSung đang ẩn chứa nhiều tai họa khó lường. |
Chính tình trạng “cha chung không ai khóc” này khiến hàng chục hồ đập nằm trong tình trạng không thể vận hành vì các thiết bị bị đánh cắp hoặc phá hỏng; hàng loạt CT bị bồi lấp, tràn, cống bị hư hỏng rò rỉ; kênh mương hư hỏng không thể sử dụng.
Do không được chăm sóc, bảo vệ nên một tình trạng phổ biến là hầu hết các CT gần như hoang hóa. Bên cạnh đó là tình trạng “sử dụng” CT vô tội vạ của người dân. Không chỉ lấn chiếm kênh, mương, hành lang an toàn, mà thậm chí như ở hồ Đăk Hlang (xã Quảng Khê, huyện Đăk GLong), người dân còn lấn chiếm hồ để trồng hoa màu và… làm nhà ở.
Ông Hoàng Trung Thơ - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đăk Nông cho biết, hiện có đến 95/154 CT hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, 84 CT xuống cấp phần đầu mối, 30 CT hư hỏng, xuống cấp phần kênh mương, 11 CT bị lấn chiếm hành lang bảo vệ. Chỉ tính riêng 3 CT vừa được đơn vị đề xuất cho sửa chữa đã phải mất khoảng 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Hậu họa khó lường
Đó là khẳng định của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đăk Nông về tình trạng xuống cấp của các CT thủy lợi. Trong 95 CT bị hư hỏng thì đã có đến 68 CT có các hư hỏng liên quan đến thân hồ, đập (yếu tố gây vỡ đập).
Theo ông Hoàng Trung Thơ, nguyên nhân chính khiến các công trình thủy lợi ở Đăk Nông hư hỏng, xuống cấp trầm trọng là do tình trạng “không ai quản lý”. Bên cạnh đó, hàng loạt CT được thi công không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khiến không ít hồ, đập, kênh mương mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp…
Tình trạng phổ biến là thân đập thấm, rò rỉ, có nơi rò rỉ thành dòng; mặt đập sạt lở, xói sâu; bê tông mái xuống cấp hoặc sạt lở…; một số nơi mặt đập bị lún, võng, xuống cấp. Bên cạnh đó là tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ CT; trên hồ, đập xuất hiện rất nhiều ổ mối không chỉ đe dọa đến công trình mà tính mạng và tài sản người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo ông Thơ, hiện có 3 CT là hồ Bon Sa Nar (xã Quảng Sơn, huyện Đăk GLong), hồ Đăk RSung (xã Nhân Đạo, huyện Đăk RLấp) và hồ Đăk Đô (xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa) đang ở tình trạng báo động. Nếu các CT này không được sửa chữa kịp thời trong mùa mưa lũ này chưa biết điều gì sẽ xảy ra nếu vỡ đập.
Ngoài ra, hàng loạt các CT khác dù “qua” được mùa mưa lũ này thì việc sửa chữa cũng không thể chậm trễ, nếu muốn tính mạng và tài sản của nhân dân được an toàn.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.