Công ty cấp nước Nghệ An khẳng định được phép lấy nước sông Đào (?)

Phan Mỹ Hà Thứ năm, ngày 13/06/2019 08:47 AM (GMT+7)
"Ngó lơ" hàng loạt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn cho rằng nước sông Đào đủ điều kiện lấy để làm nước sạch, bán cho người dân.
Bình luận 0

Nước sông Đào có bị ô nhiễm?

Liên quan tới vụ việc mà báo điện tử Dân Việt đã phản ánh “Công ty nước Nghệ An lén lút hút nước từ sông Đào ô nhiễm?”, ngày 11/6 Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An có văn bản phản hồi nội dung bài báo.

Công ty CP cấp nước Nghệ An cho rằng bài báo "chỉ thông tin một chiều". Nhưng thực tế, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Dân Việt hàng chục lần liên hệ với phía Công ty Cấp nước Nghệ An nhưng đều bị khước từ làm việc. Ngày 12/6, công ty này tổ chức “họp báo” không mời các báo đã phản ánh sự việc. Trong công văn này, phía Công ty Cổ phần nước Nghệ An cũng cho rằng đủ cơ sở sử dụng nguồn nước sông Đào và cho rằng chất lượng nước sông Đào không bị ô nhiễm.

Theo công ty này, quyết định số 2295/QĐ.UBND-NN ngày 4/7/2007 của UBND tỉnh Nghệ An cho phép sử dụng và khai thác nguồn nước cho hệ thống cấp nước phụ cận thành phố Vinh và khu công nghiệp Nam Cấm bằng nguồn nước thô từ sông Đào (gần Cầu Bạch), thời điểm đó do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là Nguyễn Đình Chi ký.

img

Công ty CP Cấp nước Nghệ An.

Công ty nước Nghệ An cũng viện dẫn giấy phép khai thác sử dụng nước mặt số 390/GP-UBND ngày 29/1/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thời điểm đó là ông Nguyễn Xuân Đường cho khai thác sử dụng nguồn nước sông Đào (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) 24 giờ/ngày công suất lên tới 40.000 m³/ngày đêm, thời hạn 10 năm.

Công ty nước Nghệ An còn dẫn giấy phép của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cho phép sử dụng khai thác nước mặt số 60/GP-STNMT.NBHD ngày 3/3/2014 tại cầu Đước, phường Cửa Nam (thành phố Vinh) thời hạn 10 năm lấy 20.000 m³/ngày đêm.

Đơn vị này cũng cho rằng hàng tháng Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An đều trực tiếp đi lấy mẫu nước sông Đào tại vị trí Công ty sử dụng để sản xuất nước sạch và các chỉ số đều trong giới hạn cho phép. 

Có thực phải vậy?

Thực tế, thời gian qua, trước nhiều ý kiến bức xúc của nhân dân và dư luận, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có rất nhiều chỉ đạo với nội dung xoay quanh việc yêu cầu dừng lấy nước từ sông Đào có biểu hiện đang ô nhiễm và phải lấy nước từ Công ty nước Sông Lam (chủ đầu tư là Công ty Tuấn Lộc) theo đúng như cam kết giữa Công ty CP cấp nước Nghệ An với Công ty nước Sông Lam như trước, trong, sau khi Công ty Tuấn Lộc đầu tư vào nhà máy nước sông Lam.

“Yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An ngừng hoàn toàn bơm nước thô từ sông Đào mà sử dụng toàn bộ nguồn nước thô từ sông Lam trong sản xuất nước sạch phục vụ nhân dân thành phố Vinh và các vùng phụ cận, tháo, cắt điện vận hành các trạm bơm trước ngày 15/9/2017 để người dân  tiêu thụ nước sạch trên địa bàn yên tâm sử dụng nước theo đúng cam kết” - công văn số 6923 ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh Nghệ An.

img

Trạm bơm lấy nước này từng bị ngắt điện nhưng giờ vẫn có điện để lấy nước từ sông Đào. (Ảnh: Mỹ Hà)

“UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty Cấp nước Nghệ An thực hiện nghiêm túc nội dung cam kết trong thỏa thuận đầu tư ký ngày 28/1/2015 giữa UBND tỉnh Nghệ An với Công ty Cổ phần Cấp nước Sông Lam ngừng ngay việc bơm nước thô đang bị ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh từ sông Đào sử dụng toàn bộ nước từ Công ty Cổ phần cấp nước Sông Lam (Tuấn Lộc) cung cấp” - Công văn số 1315/UBND-ĐTXD của UBND tỉnh Nghệ An.

Tiếp xúc với PV, nhiều khách hàng sử dụng nước của Công ty CP Cấp nước Nghệ An bức xúc với việc Công ty CP cấp nước Nghệ An lấy nước từ sông Đào được cho là ô nhiễm. Trong khi đó, đơn vị này lại mập mờ giữa việc lấy nước sông Đào với nguồn nước sông Lam (giá nước thô và giá bán nước sinh hoạt có được từ nước thô hoàn toàn khác nhau). Cụ thể, các văn bản của tỉnh Nghệ An và ngay cả những tờ trình của chính Công ty CP cấp nước Nghệ An khi đề xuất tăng giá nước sạch đều viện dẫn “nguồn nước thô lấy từ Công ty CP Cấp nước sông Lam (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc)”, tỉnh Nghệ An, các sở, ngành cũng “mặc định” việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An bấy lâu nay lấy nước sông Lam từ Công ty CP cấp nước sông Lam cho người dân, khách hàng thành phố Vinh và phụ cận thay vì nước sông Đào. Giá nước dưới 10m³ tiêu thụ (hộ dân) chênh nhau tới 2.000 đồng/m³.

“UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP cấp nước Nghệ An (ông Hoàng Văn Hải - PV) thực hiện nghiêm túc các nội dung cam kết trong Thỏa thuận (ngày 28/1/2015) và hợp đồng (04/2015/HĐ-MBNT ngày 4/2/2015)" - công văn 5318 ngày 17/7/2017.

“UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty Cấp nước Nghệ An thực hiện nghiêm túc nội dung cam kết trong thỏa thuận đầu tư ký ngày 28/1/2015 giữa UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP cấp nước sông Lam, ngừng ngay việc bơm nước thô đang bị ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh từ sông Đào, sử dụng toàn bộ nguồn nước thô do Công ty nước Sông Lam cấp” - công văn số 460 ngày 3/3/2016 của Tỉnh ủy Nghệ An. 

“Ngừng hoạt động hoàn toàn các trạm bơm nước thô cầu Mượu, cầu Bạch từ ngày 1/1/2016 để tiếp nhận nguồn nước từ sông Lam do Công ty CP Cấp nước Sông Lam (Tuấn Lộc) cung cấp” - công văn số 9657 của UBND tỉnh Nghệ An ngày 30/12/2015.

“UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Công ty CP cấp nước Nghệ An nghiêm túc thực hiện đúng nội dung cam kết giữa UBND tỉnh với Công ty CP Cấp nước sông Lam, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để xử lý và cung cấp cho nhân dân sử dụng” - công văn số 1315 ngày 10/3/2016 của UBND tỉnh Nghệ An.

Đặc biệt, thông báo kết luận số 261/TB-UBND ngày 26/4/2019 vừa qua của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh nêu: “Thực hiện nghiêm túc Văn bản số 02/UBND-CN ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động cấp nước trên địa bàn thành phố Vinh và các vùng phụ cận và chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Văn bản số 460-CV/TU ngày 3/3/2016, UBND tỉnh tại Văn bản số 6923/UBND-CN ngày 11/9/2017 - không sử dụng nguồn nước từ sông Đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt”.

Trong khi đó, Công ty CP Cấp nước Nghệ An lại lý giải rằng UBND tỉnh mới chỉ thống nhất về nguyên tắc "không sử dụng nguồn nước sông Đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt", chứ không phải đã kết luận nước sông Đào ô nhiễm!?

Tuy nhiên, các văn bản của tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An phải "nghiêm túc thực hiện đúng nội dung cam kết giữa UBND tỉnh với Công ty CP Cấp nước sông Lam, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để xử lý và cung cấp cho nhân dân sử dụng". Đồng thời, "ngừng ngay việc bơm nước thô đang bị ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh từ sông Đào, sử dụng toàn bộ nguồn nước thô do Công ty nước Sông Lam cấp".

Hàng loạt sai phạm

Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Trần Thị H. (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) nói: “Tôi nhớ năm ngoái (2018) trạm bơm Cầu Mượu bị cắt điện và dừng một thời gian thì gần đây lại đấu nối lại được điện, hoạt động suốt, hút nước từ sông Đào rất bẩn lên”.

Ghi nhận của phóng viên, hiện đoạn sông này, nước có vàng sệt, ngửi thấy mùi tanh, xung quanh là rác, xác động vật.

Tìm hiểu của phóng viên, từ chỉ đạo liên tiếp của tỉnh Nghệ An, phía Điện lực Nam Đàn đã cắt điện trạm bơm cầu Mượu nhưng sau đó Công ty CP Cấp nước Nghệ An lại chuyển được sang lấy điện từ Điện lực Hưng Nguyên để duy trì trạm bơm này để hút nước sông Đào.

Tài liệu của chúng tôi, từ tháng 12/2018 tới nay, bình quân tiền sử dụng điện của trạm bơm cầu Mượu đều trên dưới cả trăm triệu đồng trong khi trước đó chỉ chưa tới 10 triệu đồng .

Công ty CP cấp nước Nghệ An cho rằng nước sông Đào không ô nhiễm. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm mẫu nước thô Cầu Mượu (ngày nhận mẫu 4/2/2019) do chính Trung tâm Y tế Dự phòng Nghệ An thực hiện cho thấy NO2 vượt ngưỡng giới hạn (0,089/0,05).

Chưa kể, cả Công ty CP Cấp nước Nghệ An lẫn Công ty cấp nước Sông Lam (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc) bị kết luận là có nhiều sai phạm khác.

Những nội dung vi phạm này đều được ghi rất rõ trong Báo cáo Kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với Công ty Cấp nước sông Lam (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc) và Công ty CP Cấp nước Nghệ An số 1302 ngày 13/3/2019 vừa qua.

img

Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An có tới 9 trạm bơm trong tổng số 13 trạm bơm chưa hề được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định của pháp luật cụ thể là Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định 201/2013 của Chính phủ.

Công ty này cũng chưa có Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật quy định về phương pháp, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Chưa xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường (Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9/9/2016) xác định công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

img

Công ty Cấp nước sông Lam (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc) cũng chưa có quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ, không báo cáo về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và cũng không thực hiện việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước y như Công ty CP nước Nghệ An.

img

Kết luận của Sở TNMT Nghệ An

“Thực hiện nghiêm túc Văn bản số 02/UBND-CN ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động cấp nước trên địa bàn thành phố Vinh và các vùng phụ cận và chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Văn bản số 460-CV/TU ngày 3/3/2016, UBND tỉnh tại Văn bản số 6923/UBND-CN ngày 11/9/2017 – không sử dụng nguồn nước từ sông Đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh để sản xuất nước sinh hoạt" - Thông báo kết luận số 261/TB-UBND ngày 26/4/2019 vừa qua của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem