Ông Văn Lưu (phải) - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Quảng Trị hướng dẫn cách chăm sóc cao su cho công nhân. Ảnh: N.V
Ông Văn Lưu – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị cho biết, ngoài khó khăn chung về giá, đơn vị còn gặp trở ngại bởi 4.000ha cao su của công ty trồng từ năm 1984-1986 nay đã trên 30 năm tuổi, già cỗi, năng suất thấp. Cả hai nguyên nhân trên dẫn đến đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2012 đến nay, công ty đã cho tái canh lại 2.000ha, nay đang phát triển tốt. Dự kiến đến năm 2018, công ty sẽ tái canh 2.000ha còn lại. Việc đảm bảo đời sống ổn định cho công nhân là điều công ty quan tâm hàng đầu. Vì vậy, thay vì tái canh theo tỷ lệ 6x3 (cây cách cây 3m, hàng cách hàng 6m, 1ha trồng được 555 cây), công ty đã mạnh dạn chuyển đổi thành tỷ lệ 5x9x2,5 (cây cách cây 2,5m, hàng cách hàng 5m và 9m xen kẽ, mỗi ha trồng được 571 cây). Trên cơ sở đó, công ty giao mỗi công nhân 10ha cao su tái canh, cho phép trồng xen cây ngắn ngày như lạc, gừng, đậu xanh… để nâng cao thu nhập.
Với khoảng cách 2,5x5m, công nhân chỉ trồng xen canh hoa màu đến khi cao su 5 năm tuổi, còn với tỷ lệ 2,5x9 công nhân có thể trồng xen canh hoa màu phụ đến lúc cao su cho thu hoạch. Bên cạnh đó, việc thu hoạch cao su và chăm sóc vườn cao su tái canh công nhân cũng được trả lương. Từ 3 nguồn thu trên, hơn 1.000 công nhân của công ty có mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng, ổn định cuộc sống trong thời kỳ khó khăn chung.
Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị (tiền thân là Công ty Cao su Bình Trị Thiên) được thành lập ngày 17.11.1984. Từ năm 1991 đến nay, công ty đã khai thác hơn 76.000 tấn, chế biến, tiêu thụ trên 90.000 tấn mủ cao su các loại với tổng doanh thu 3.200 tỷ đồng. Từ chỗ chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, đến nay sản phẩm của công ty đã xuất khẩu với tổng kim ngạch khoảng 62 triệu USD. Năm 2010, công ty vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.