Covid-19: Vaccine dạng hít bằng mũi và miệng hứa hẹn tạo bước đột phá?

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ hai, ngày 02/08/2021 18:55 PM (GMT+7)
Tất cả các vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp trên thế giới hiện nay đều là dạng tiêm. Nhưng các nhà khoa học đang khám phá phương thức mới, bao gồm hấp thụ vaccine qua mũi và miệng.
Bình luận 0

img

Vaccine dạng hít do công ty Cansino của Trung Quốc phát triển.

Một trong số các vaccine đang được thử nghiệm theo cách hoàn toàn mới là vaccine dạng hít. Tuần trước công ty sản xuất vaccine CanSino Biologics của Trung Quốc công bố kết quả thử nghiệm phiên bản vaccine Ad5-nCoV dạng hít.

Hai liều vaccine dạng hít có thể được sử dụng cách 28 ngày. Mỗi liều chỉ bằng 1/5 thể tích so với vaccine dạng tiêm truyền thống, nhưng tạo ra lượng kháng thể tương đương, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, Viện Hàn lâm Khoa học Quân y và công ty CanSino, cho biết.

130 tình nguyện viên người Trung Quốc tham gia thử nghiệm, được sử dụng hai liều vaccine dạng hít cách 28 ngày. Vaccine tạo ra kháng thể mạnh mẽ, nghiên cứu cho biết.

“Có thể nói, vaccine dạng hít không gây đau, đơn giản, dung nạp tốt và sản sinh miễn dịch”, các nhà nghiên cứu viết.

Dữ liệu mở đường để CanSino Biologics tiếp tục thử nghiệm vaccine dạng hít trong giai đoạn 2 và 3, tiến gần hơn đến việc sản xuất đại trà loại vaccine mới mẻ này.

Vaccine dạng tiêm tạo ra phản ứng miễn dịch toàn thân không nhắm cụ thể vào vùng lây nhiễm của mầm bệnh.

Trong khi đó, vaccine dạng hít có lợi thế hơn khi nhắm cụ thể vào các bề mặt niêm mạc, như mũi, họng và phổi, nơi các mầm bệnh xâm nhập, để tạo ra phản ứng miễn dịch.

Các nghiên cứu trong những năm 1960 và 1970 đã chỉ ra rằng , vaccine cúm và sởi dạng hít đem lại một số hiệu quả bảo vệ nhất định.

img

Vaccine dạng hít hứa hẹn sẽ giúp gia tăng tỉ lệ người sẵn sàng sử dụng đại trà.

So với vaccine dạng tiêm cần bảo quản lạnh và đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp, vaccine dạng hít được sản xuất theo kiểu bình xịt dùng một lần, rất dễ sử dụng đại trà.

Đây cũng là phương thức hấp thụ vaccine bổ sung đối với những người sợ kim tiêm, giúp tăng đáng kể tỉ lệ người sẵn sàng tham gia chương trình vaccine, theo  Hou Lihua, một nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc.

Với liều lượng thấp hơn vaccine dạng tiêm, sản xuất đại trà vaccine dạng hít cũng dễ dàng hơn.

Nhà nghiên cứu Wouter Hinrichs đến từ Đại học Groningen, cho biết, vaccine đạng hít thường được bảo quản ở dạng bột khô, giữ ổn định lâu dài hơn là vaccine tiêm dạng lỏng.

Tuy nhiên, vaccine dạng hít giúp ngăn ngừa hiệu quả Covid-19 trong bao lâu và liệu có phản ứng phụ nghiêm trọng hay không là điều mà các nhà khoa học chưa biết rõ.

Vaccine dạng hít là công nghệ tương đối mới. Nhưng CanSino không phải đơn vị duy nhất phát triển vaccine dạng này.

Đại học Oxford ở Anh cũng đang nghiên cứu vaccine AstraZeneca dạng hít, đến nay đã thử nghiệm trên 30 tình nguyện viên.

Công ty Codagenix của Mỹ cũng đang thử nghiệm vaacine Covid-19 dạng xịt mũi mang tên COVI-VAC. Các loại vaccine tương tự đang được phát triển ở Úc và Ấn Độ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem