Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin có thể đẩy lùi virus cúm bằng cách trồng củ hành tây trong nước, đặt rải rác khắp nhà. Cụ thể, nhiều người chia sẻ về cách "xua đuổi, diệt" virus cúm bằng củ hành tây. Theo đó, tài khoản trên mạng xã hội cho hay, đặt một củ hành tây quanh năm hút hết vi khuẩn, virus cả nhà đỡ hẳn cúm.
Bài viết đã thu hút gần 50 nghìn lượt like, hơn 10 nghìn lượt chia sẻ. Nhiều người dù không rõ cũng làm theo. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lo ngại về tính chính xác của thông tin này.
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao. Ảnh chụp màn hình
Củ hành tây có diệt được cúm A?: Thông tin lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao. Ảnh chụp màn hình
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định, thông tin có thể đẩy lùi virus cúm bằng cách trồng củ hành tây trong nước, đặt rải rác khắp nhà là không chính xác.
Theo Đông y, hành tây chứa các hợp chất như acid malic, phytin, alylsunfit, tinh dầu, tác dụng diệt khuẩn, sát trùng, lợi tiểu và hỗ trợ điều trị một số bệnh như cảm, sốt, nhức đầu. Tuy nhiên, việc trồng hành tây trong nhà để "hút" virus cúm là hoàn toàn phản khoa học. Hiện không có tài liệu y khoa nào ghi nhận khả năng này.
Củ hành tây có diệt được cúm A?: Nhiều người đặt củ hành tây khắp nhà
Đồng quan điểm trên, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM khẳng định, phương pháp trên không chính xác, không có chứng cứ khoa học.
Theo bác sĩ Dũng, trước đó, đã có nhiều người chia sẻ về cách làm này nhưng tài liệu y khoa đều không ghi nhận. Vì vậy, việc trồng củ hành tây trong nhà để hút cúm hoàn toàn không có tác dụng đối với con người. Ngay cả việc xông bồ kết, xông tinh dầu trong nhà để xua đuổi virus cúm cũng không có tác dụng.
Bác sĩ Dũng cho hay, cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do nhiễm virus Influenza. Bệnh thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác.
Ca mắc cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Gia Khiêm
Các chủng virus cúm A phổ biến như A/H5N1, A/H1N1, A/H7N9 có khả năng lây lan cao tạo thành dịch. Trong khi đó, virus cúm B biến đổi chậm hơn virus cúm A, do đó chỉ có một type huyết thanh và không gây những vụ dịch lớn. Virus cúm C gây ra các trường hợp tản phát với triệu chứng lâm sàng không điển hình và các vụ dịch nhỏ ở địa phương.
Bệnh cúm gây tổn thương đường hô hấp trên và dưới với các dấu hiệu thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể.
Phần lớn người bệnh phục hồi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn tiến nặng, nhiều biến chứng, chủ yếu tại phổi, thậm chí gây tử vong, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, người suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ có thai...
"Tỷ lệ biến chứng nặng, tử vong do cúm rất thấp ở người khỏe, trẻ nên nhóm này bị cúm chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, đủ dinh dưỡng sẽ khỏi, không cần uống thuốc kháng virus vì có thể gây đề kháng thuốc, tác dụng phụ và tạo khan hiếm thuốc trên thị trường.
Thực tế, thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ và biểu hiện nhiễm cúm nặng. Người có bệnh nền, người cao tuổi khi mắc cúm dễ gặp nguy hiểm hơn. Nhóm đối tượng này được khuyến cáo có triệu chứng hô hấp cần đi viện ngay. Nếu sử dụng thuốc kháng virus, bệnh nhân giảm 80% nguy cơ tử vong", bác sĩ Dũng thông tin.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, người bệnh cúm không tự dùng kháng sinh, đặc biệt là Corticoid vì có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại khó lường.
"Người dân nên rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp. Những người ho, sổ mũi nên nghỉ làm, học, không ra ngoài", bác sĩ Dũng khuyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.