Cục Thú y: Thịt bò điên tại Mỹ không thể lọt vào trong nước

Đình Thắng Thứ ba, ngày 18/09/2018 13:49 PM (GMT+7)
Sau khi một trang trại tại Mỹ phát hiện một ca nhiễm virus BSE hay còn gọi là bệnh bò điên, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định, thịt bò Mỹ nhiễm bệnh không thể lọt vào trong nước.
Bình luận 0

Hàn Quốc đang tăng cường kiểm tra các sản phẩm thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, sau khi một trang trại tại bang Flordia phát hiện một ca nhiễm virus BSE hay còn gọi là bệnh bò điên.

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết tỷ lệ sản phẩm thịt bò nhập khẩu từ Mỹ được lấy mẫu kiểm tra đã tăng từ 3% lên 30%. Hôm 28/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo phát hiện một trường hợp nhiễm virus bò điên tại bang Florida. Đây là trường hợp bò điên thứ 6 được phát hiện tại Mỹ kể từ năm 2003.

Hồi năm 2008, các cuộc biểu tình từng nổ ra trên khắp Hàn Quốc nhằm phản đối việc nhập khẩu thịt bò từ Mỹ do lo ngại dịch bệnh. Người bị nhiễm virus bò điên có nguy cơ mắc bệnh nhũn não và tử vong.

Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Thú y xung quanh câu chuyện Mỹ phát hiện một ca nhiễm virus BSE hay còn gọi là bệnh bò điên, cũng như những biện pháp thắt thặt kiểm tra việc nhập khẩu thịt bò Mỹ trong thời gian tới.

img

Ông Đàm Xuân Thành.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng thịt bò Mỹ nhập khẩu trong thời gian qua cũng như tình hình nhập khẩu thịt bò Mỹ những tháng đầu năm 2018?

Theo Luật Tú y, Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30.6.2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, việc kiểm dịch nhập khẩu các loại sản phẩm thịt động vật đông lạnh làm thực phẩm tiêu thụ trong nước nói chung và thịt bò đông lạnh từ Hoa Kỳ nói riêng được thực hiện như sau:

Sản phẩm thịt động vật đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng lãnh thổ không có các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và được giết mổ, chế biến từ các cơ sở có trong Danh mục cơ sở sản xuất được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt vào Việt Nam.

Toàn bộ sản phẩm thịt động vật nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam với mục đích làm thực phẩm phải được cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu tiến hành kiểm tra: từ nguồn gốc trang trại nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát trong quá trình giết mổ đến khâu đóng gói, bảo quản và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu đến Việt Nam. Nội dung chứng nhận bao gồm về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và chứng nhận sản phẩm phù hợp cho người tiêu dùng.

Căn cứ vào khai báo của chủ hàng, khi hàng đến cửa khẩu nhập cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu tiến hành kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng, kiểm tra thực trạng lô hàng; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm.

img

Sản phẩm bò Mỹ tại các siêu thị. Ảnh: I.T

Việc kiểm tra, xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật gây hại, cảm quan, lý hóa được thực hiện đối với tất cả các lô hàng. Sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, lô hàng được Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu Việt Nam cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu. 

Có thể thấy rằng việc kiểm dịch nhập khẩu các loại thịt từ các nước nói chung và thịt bò từ Hòa Kỳ nói riêng được thực hiện theo trình tự chặt chẽ, các sản phẩm này nhập khẩu đạt yêu cầu vệ sinh thú y thì mới được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.

Việt Nam cũng là nước nhập khẩu khá lớn thịt bò từ Mỹ. Vậy sau động thái thắt chặt kiểm tra lấy mẫu thịt bò Mỹ của một loạt nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y có động thái tăng cường kiểm tra lấy mẫu thịt bò Mỹ để kiểm soát, phát hiện thịt bò Mỹ bị nhiễm bệnh?

Như đã nêu ở trên, việc kiểm dịch nhập khẩu thịt bò từ Hòa Kỳ theo trình tự chặt chẽ, từ khâu trước, sau khi nhập khẩu. Đặc biệt là 100% các lô hàng thịt bò từ Hoa Kỳ được lấy mẫu tại cửa khẩu nhập. Sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, lô hàng được Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu Việt Nam cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.

Nếu phát hiện có mẫu thịt bò Mỹ nhiễm virus BSE, Cục Thú y sẽ đưa ra những biện pháp ứng phó như thế nào? Và câu 4. Trường hợp nếu người tiêu dùng sử dụng thịt bò điên liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu có xin Cục Thú y cho biết cụ thể tác hại đó?

Hoa Kỳ có tổng đàn bò rất lớn hàng trăm triệu con, đã và đang xuất khẩu thịt bò đi hàng trăm nước trên thế giới, đồng thời trong nhiều năm qua Hoa Kỳ đã tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động nhưng đến nay mới phát hiện duy nhất có 01 con bò bị nhiễm bệnh và đã tổ chức tiêu huỷ triệt để ngay lập tức dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Mặt khác, Hoa Kỳ là nước hàng đầu trên thế giới về kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật và có yêu cầu về an toàn thực phẩm rất cao cho người tiêu dùng.

Do vậy, theo Cục Thú y, không thể có bò bệnh được đưa vào cơ sở giết mổ ở Hoa Kỳ, do đó không thể có thịt bò nhiễm bệnh được đưa ra tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ hoặc xuất khẩu đi các nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem