Cục Trưởng Cục Xuất bản: Nhiều NXB đẻ con ra mà không nuôi, không dạy dỗ

Thanh Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 23/02/2015 09:00 AM (GMT+7)
“Tôi có thể khẳng định chắc chắn năm 2015 sẽ có một sự thay đổi cơ bản về xuất bản. Bởi người dân đã nhận ra vai trò của xuất bản trong đời sống, văn hóa và như vậy giá trị của xuất bản phải được trả về đúng vị trí của nó”- ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có cuộc trò chuyện với PV Báo NTNN.
Bình luận 0

Nhìn lại sau một năm với rất nhiều sai phạm của các nhà xuất bản (NXB), với tư cách là người đứng đầu ngành, ông có thể chia sẻ lý do nào khiến có nhiều vi phạm đến vậy?

- Lý do về sự sai phạm thì rất nhiều, nhưng tôi có thể nói ngắn gọn trong mấy ý chính như sau:

img
Bìa sau cuốn sách "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc".

Điều đầu tiên tôi muốn nói đến là do khối cơ quan chủ quản buông lỏng nhiệm vụ của mình. Nói nôm na là đẻ con ra nhưng không chịu nuôi, đã bỏ mặc con đói để đến mức nó phải đi “ăn trộm”. Không giáo dục cũng không mời thầy dạy dỗ. Sách là sản phẩm văn hóa, Nhà nước bao cấp dù không 100% thì ít ra phải 50%, bởi cuốn sách ngoài giá trị hàng hóa còn giá trị văn hóa; ngoài giá trị vật chất còn giá trị bảo tồn văn hóa, truyền dạy tri thức. Phần giá trị bảo tồn này nên có ngân sách nhà nước bù lỗ thông qua chính sách thuế, thông qua chính sách đầu tư trực tiếp xuất bản.

Các NXB không có tiền để duy trì bộ máy- khó khăn về kinh tế, một số phải đi thuê mặt bằng, hoặc có NXB không đủ tiền để trả lương cho công nhân, biên tập biên giỏi- dẫn đến họ phải bươn chải bằng cách đi bán giấy phép và làm đầu sai cho đầu nậu.

Một lý do nữa, đó chính là một số NXB có rất ít giám đốc dám chịu nhận trách nhiệm, họ chủ yếu tạo dựng NXB để in sách của chính mình, đánh bóng tên tuổi họ. Và lý do quan trọng là để bán giấy phép kiếm tiền, trục lợi cá nhân. Một số nơi, giám đốc NXB không nghèo nhưng NXB thì suy kiệt, bởi ở đó đã cổ tức ăn chia lợi nhuận với những số tiền vi phạm.

Một thực trạng đáng buồn trong ngành xuất bản lâu nay, là rất nhiều NXB vẫn lặp lại vi phạm. Liệu rằng bởi mức xử phạt thấp hơn so với thu nhập mà họ có được từ vi phạm?

Quan điểm
img
Ông Chu Văn Hòa
  Tôi có một linh cảm rằng hoặc bây giờ phải quyết tâm làm nếu không sẽ không bao giờ có thể làm được. Tôi nghĩ phải tận dụng sự đồng thuận của xã hội”. 
- Chính xác, trong quá trình xây dựng luật, Cục Xuất bản đã tham mưu về luật xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên do không có sự thống nhất của các cấp-ngành nên khi đưa vào luật đã không phù hợp thực tế, mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe. Hiện tại hàng rào luật đã được vá kín, nếu như có sự sai phạm nào ở đâu, nhà báo chỉ ra sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay.

Mấy năm trước, chiếc lưới của Luật Xuất bản bị thủng nên dù nhìn thấy cá chui qua những lỗ thủng mà không làm gì được. Chính vì vậy có thể nói văn bản vi phạm pháp luật đã được hoàn thiện một bước tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước xử lý rốt ráo các vấn đề sai phạm. Chưa bao giờ xã hội lại dành cho ngành xuất bản sự quan tâm đồng bộ từ Nhà nước, Chính phủ đến người dân như lúc này. Tôi có thể khẳng định theo tinh thần lạc quan, chắc chắn năm 2015 sẽ có sự thay đổi cơ bản về xuất bản.

Nhắc đến lý do sai phạm từ NXB, thì không thể không nhắc đến sự liên quan của biên tập viên. Phải chăng chất lượng biên tập viên kém khiến sự sai phạm của NXB tăng?

- Chính xác, chất lượng biên tập viên quá kém. Thời kỳ hoàng kim của ngành xuất bản, nếu ai là biên tập viên một NXB nào đó thì họ rất hãnh diện và vinh quang. Bởi để được ngồi ở vị trí trí đó phải là người sở hữu một kho kiến thức mới được phép “sửa chữ cho thiên hạ”. Nhưng kể từ khi NXB không còn bao cấp, bị bỏ rơi, cơ quan chủ quản thì coi thường. Lợi nhuận từ cuốn sách với cơ chế hiện tại đã không còn được chia đều cho người biên tập nên những biên tập viên giỏi đã phải đi bán chữ ở chỗ khác...

Tuy nhiên tới đây, sau khi qua khóa đào tạo bồi dưỡng và được Cục cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được phép gọi là biên tập viên, cuốn sách sẽ đề tên biên tập viên trên bìa sách và họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu biên tập viên nào sai phạm, sẽ bị tước thẻ hành nghề.

Để năm 2015 sẽ bớt đi những vi phạm từ các NXB, Cục sẽ có những kế hoạch cụ thể nào, thưa ông?

- Thứ nhất, chúng tôi sẽ đào tạo lại các biên tập viên, với khóa học đầu tiên 3 lớp với 1.000 biên tập viên và vào quý I năm 2015, Cục sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho 300 biên tập viên. Thứ hai Cục sẽ đổi giấy phép và kiện toàn lại Luật Xuất bản. Hội Xuất bản được nâng lên là hội chính trị nghề nghiệp.

Thứ 3, tiếp nối việc xác định đây là ngành văn hóa tư tưởng thì vị trí xuất bản trong xã hội như thế nào sẽ được trả về đúng như vậy. Tức là bao lâu nay, người dân mải lo kiếm ăn, rồi kinh tế khó khăn đã khiến họ không quan tâm tới văn hóa. Và nếu có quan tâm thì đó cũng là văn hóa bề nổi mang tính giải trí mà ít người quan tâm tới sách, cụ thể là những cuốn sách tốt. Tôi nghĩ khi toàn xã hội quan tâm tới những xuất bản phẩm có giá trị, vị thế của ngành sẽ được nâng lên.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem