Cung cấp các giải pháp phù hợp cho vụ hè thu 2017 ở ĐBSCL

P.V Thứ hai, ngày 17/04/2017 16:35 PM (GMT+7)
Ngày 7.4.2017 tại Cần Thơ, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ lúa hè thu 2017 tại vùng ĐBSCL.
Bình luận 0

Không đơn thuần là kinh doanh

Năm 2016, cụm từ “biến đổi khí hậu” được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam, do những tác động của nó đến đời sống, sản xuất, trong đó tác động tới ngành nông nghiệp là rất lớn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như khô hạn, nắng nóng, lũ lụt, nhiệt độ giảm thấp… xảy ra bất thường và không theo quy luật, đã gây ra nhiều thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp khắp cả nước. Tại vùng ĐBSCL, nơi được xem là vựa lúa của cả nước, tác động của thời tiết bất lợi đến canh tác nông nghiệp là rất nặng nề. Khô hạn và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh thành trong vùng, hàng ngàn hécta lúa bị thiệt hại, cùng với đó nhiều diện tích hoa màu và cây ăn trái bị mất trắng hoặc thiệt hại lớn về năng suất; thu nhập và đời sống của nhiều nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

img

  Công ty CP Phân bón Bình Điền tặng 13 trung tâm khuyến nông vùng ĐBSCL máy sạ lúa - bón phân. Đây là công cụ hỗ trợ cơ giới hóa, giảm lượng giống, tăng năng suất lao động.  P.V  

Phát động Chương trình này, Công ty CP Phân bón Bình Điền thể hiện mong muốn lớn nhất của mình là cung cấp cho nông dân cả một gói kỹ thuật sản xuất, chứ không chỉ là những sản phẩm phân bón Đầu Trâu chất lượng cao; cập nhật tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới... 

Trước tình hình đó, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã có sáng kiến và xây dựng chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình đã nhận được sự đồng tình và phối hợp từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trung tâm khuyến nông 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, cũng như các nhà khoa học đầu ngành. Mục tiêu quan trọng nhất khi xây dựng chương trình này là cung cấp cho nông dân trồng lúa các giải pháp kỹ thuật canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, đảm bảo năng suất và thu nhập ổn định cho nhà nông.

Và kết quả đạt được của chương trình trong vụ hè thu 2016 đã làm cho nhóm thực hiện chương trình rất phấn khởi. Mô hình trình diễn ở 13/13 tỉnh, thành đều đạt kết quả rất tốt, năng suất bình quân ở 13 mô hình đạt 6,09 tấn/ha, cao hơn 440kg/ha so với ruộng sản xuất theo tập quán nông dân (5,65 tấn/ha); lợi nhuận bình quân mô hình cao hơn vượt trội so với đối chứng khoảng 3,4 triệu đồng/ha.

Quan trọng hơn, nông dân đã học được rất nhiều kiến thức canh tác mới từ các nhà khoa học, các biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, mạnh dạn giảm lượng giống gieo sạ xuống thấp hơn 100kg/ha, bón phân cân đối và giảm thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng... Đồng thời, các mô hình đã trở thành các điểm học tập cộng đồng tại địa phương cho các nông dân lân cận, cũng như nông dân khác trong khu vực thông qua các kênh truyền hình, báo chí. Những nông dân thực hiện mô hình đã trở thành các “chuyên gia nhà nông” tại địa phương, là hạt nhân để truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đến cộng đồng.

Nhiều nông dân thực hiện mô hình đã nói rằng: “Nếu chúng tôi có thể tiếp cận được chương trình này sớm hơn thì các thiệt hại do khô hạn và nước mặn trong vụ lúa đông xuân trước chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều”. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho sự thành công của chương trình và từ đó thể hiện mong muốn lớn nhất của phân bón Đầu Trâu là cung cấp cho nhà nông các giải pháp chứ không đơn thuần là kinh doanh phân bón.

Tiếp tục đạt được những hiệu quả lớn

img

Chương trình đã nhận được sự đồng tình và phối hợp từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trung tâm khuyến nông 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các nhà khoa học.  P.V

Chương trình tiếp tục được triển khai thực hiện trong vụ đông xuân 2016-2017 ở các khu vực khác trong vùng. Kết quả báo cáo hiệu quả mô hình từ trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho thấy, mô hình tiếp tục đạt được những hiệu quả rất lớn, khẳng định các biện pháp kỹ thuật được áp dụng là phù hợp với nhiều vùng đất và mùa vụ khác nhau.

Từ những kết quả mà chương trình đã đạt được trong năm 2016, Công ty cổ phẩn Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục phối hợp thực hiện Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Chương trình được triển khai trong vụ lúa hè thu 2017 từ tháng 4 đến tháng 11.2017, với 2 hợp phần chính:

Thứ nhất là mô hình trình diễn: Phối hợp với trung tâm khuyến nông 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện các mô hình trình diễn. Mỗi mô hình có diện tích thực hiện 2,5ha, bao gồm 5 hộ nông dân (0,5ha/hộ) thực hiện cùng một quy trình canh tác. Tổng diện tích thực hiện trình diễn ở 13 tỉnh là 32,5ha với 65 hộ nông dân tham gia thực hiện. Ruộng mô hình sẽ sản xuất theo quy trình canh tác do Ban cố vấn chương trình canh tác lúa thông minh hướng dẫn, ruộng đối chứng theo tập quán sản xuất của nông dân.

Mô hình sẽ được cán bộ kỹ thuật ở trung tâm khuyến nông tỉnh theo dõi trực tiếp, ban cố vấn chương trình cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền sẽ thường xuyên thăm đồng để hướng dẫn thêm các biện pháp kỹ thuật khác theo từng giai đoạn sinh trưởng. Một trong những sự khác biệt ở quy trình canh tác thông minh là người nông dân là người chủ động trong việc canh tác. Ban cố vấn, cán bộ kỹ thuật là người hỗ trợ, phân tích và cung cấp các giải pháp tối ưu nhất.

Tất cả các mô hình sẽ được cắm bảng biểu để quảng bá, tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả trước khi thu hoạch để cùng nhau đút kết kinh nghiệm và giới thiệu đến đông đảo bà con nông dân khác.

Hội nghị tổng kết và hội thi canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu: Từ số liệu báo cáo ở 13 mô hình, ban tổ chức sẽ tổ chức hội nghị để đánh giá chung lại hiệu quả của toàn chương trình trong vụ hè thu 2017. Các biện pháp kỹ thuật phù hợp và tối ưu nhất của chương trình, cũng như từng mô hình cụ thể sẽ là cơ sở để khuyến cáo nông dân áp dụng.

Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ tổ chức hội thi cho 13 đội, mỗi đội là dự kiến 10 nông dân thực hiện mô hình trong vụ đông xuân 2016-2017 và hè thu 2017, dự kiến vào tháng 10.2017. Nội dung thi dựa trên tất cả các kiến thức mà nông dân đã được học tập trong thời gian thực hiện mô hình cũng như kinh nghiệm thực tế. Hội thi vừa là một sân chơi cho nông dân vừa là cách để đánh giá lại hiệu quả của công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến nhà nông. Với mục tiêu, xây dựng những nông dân trong chương trình thành những “chuyên gia nông dân” tại địa phương có khả năng truyền tải các kiến thức sản xuất đến nhiều nông dân khác.

Những nông dân suất sắc nhất trong hội thi này sẽ được Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền mời tham dự chuyến học tập các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Lan (dự kiến tháng 11.2017). Đây là một sự tri ân đến những cá nhân đã có nhiều đóng góp đến chương trình, vừa giúp nông dân có cơ hội tiếp cận, học tập các mô hình sản xuất tiên tiến để mở mang kiến thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem