dd/mm/yyyy

Cùng nông dân thu tiền tỉ từ trồng cây dược liệu

Mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình đến nay đã “phủ sóng” hầu hết các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Mô hình trồng cây dược liệu làm nguyên liệu sản xuất trà thảo dược ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ là một điểm sáng cần nhân rộng.

Công ty Thái Hưng đã được Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình hỗ trợ máy thái và giàn phơi sấy dược liệu đạt tiêu chuẩn.

Về thôn Bồ Trang, xã Quỳnh Hoa những ngày này ai cũng ấn tượng với vườn cây dược liệu tươi tốt, nổi bật giữa vùng đồng lúa đã hết vụ. Người có công gây dựng mô hình này là anh Lê Ngọc Huê (sinh năm 1983), một trong những nông dân trẻ có nhiều thành tích nổi bật trong sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Từng lập nghiệp ở TP.HCM, anh Huê quyết định về quê để phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương. Lựa chọn của anh là trồng cây dược liệu để làm nguyên liệu chế biến trà thảo dược, một hướng đi khá mới ở Thái Bình.

Anh Huê tiến hành trồng một số loại cây dược liệu như: Đinh lăng, Hoàn ngọc, Chùm ngây, Thìa canh... trên diện tích cấy lúa trước đây của gia đình. Anh còn bỏ thời gian đọc sách, tìm hiểu và đi các nơi học hỏi để tự nghiên cứu quy trình ươm giống, phát triển các loại dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.

Để có thêm diện tích canh tác, anh đề nghị thuê lại ruộng đất của bà con nông dân. Đến nay, diện tích trồng cây dược liệu tại xã Quỳnh Hoa đã lên đến gần 20ha. Những chân ruộng chua, trũng, không thể trồng lúa hoặc các loại rau màu nhờ có anh cải tạo, được phủ xanh bằng hàng chục loại cây dược liệu và các loại cây ăn quả ngắn ngày như chuối, đu đủ... để tăng giá trị canh tác.

Chăm sóc cây dược liệu.

Đặc biệt, Lê Ngọc Huê còn mạnh dạn thành lập Công ty Thái Hưng để sản xuất trà thảo dược. Sản phẩm được biết đến là thực phẩm hỗ trợ rất tốt cho sức khỏe, phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng với nhiều công dụng khác nhau như: Trà từ cây thìa canh cho người bị tiểu đường; trà từ cây cà gai leo cho người bị gan, tim mạch... Ngoài ra, trong thời gian tới, anh Huê sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới như: Muối ngâm chân thảo dược; túi xông hơi thảo dược...

“Các loại cây dược liệu chủ yếu được trồng gần như tự nhiên, 100% nguồn dinh dưỡng hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV, rất sạch và có thể tận dụng được triệt để các bộ phận cây. Khâu sản xuất cũng khép kín từ sơ chế, sấy, nghiền, pha chế, đóng gói... đảm bảo quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm”, Giám đốc Lê Ngọc Huê khẳng định.

Hiện nay, mỗi năm Công ty Thái Hưng cung cấp ra thị trường từ 12 - 15 tấn sản phẩm trà thảo dược. Ngoài thị trường trong nước, doanh nghiệp đã xuất khẩu một phần sang Lào và các nước Trung Đông. Với việc vừa phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến, Công ty giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương, với thu nhập ổn định.

Hiện nay, mỗi năm Công ty Thái Hưng cung cấp ra thị trường từ 12 - 15 tấn sản phẩm trà thảo dược

Ngoài ra, công ty đã tiến hành liên kết sản xuất với các hộ dân có nhu cầu trồng ở trong và ngoài tỉnh, đồng thời đảm bảo các khâu: Chuyển giao quy trình sản xuất, khoa học kỹ thuật, giống, vật tư và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Từ hiệu quả của mô hình, hiện, anh Huê đã được UBND tỉnh và Sở KH&CN Thái Bình giao triển khai hai dự án phát triển cây đinh lăng, cà gai leo và dự án phát triển cây hoàn ngọc, chùm ngây. Đây sẽ là cơ hội để nhiều nông dân có thể tiếp cận mô hình trồng cây dược liệu.

Ngọc Tùng