dd/mm/yyyy

Cuộc cách mạng nông nghiệp và sự nở rộ của siêu trang trại

Hai thập kỷ trở lại đây, hàng loạt các siêu nông trại liên tục xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới: từ Đông Âu, đến Nam Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ukraina...

Cả bất động sản nông nghiệp hay canh tác quy mô lớn tuy vẫn còn mới với nông dân Việt Nam, nhưng trong hai thập kỷ trở lại đây, hàng loạt các siêu nông trại liên tục xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới: từ Đông Âu, đến Nam Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ukraine...

Nông nghiệp quy mô lớn không phải là một khái niệm mới của thế kỷ 21. Những bằng chứng sớm nhất về canh tác hàng loạt được các nhà khoa học tìm thấy xuất hiện từ thời Đế chế La Mã.

Mỹ được cho là quốc gia đầu tiên thành lập các nông trại tập trung quy mô với những trang trại Bonanza Wheat, vào khoảng cuối thế kỷ 19. Họ đã tiến hành các hoạt động canh tác trên diện rộng, chủ yếu là trồng trọt và thu hoạch lúa mì.

Sự hình thành các trang trại Bonanza là hệ quả của nhiều yếu tố, cụ thể bao gồm những cải tiến hiệu quả trong máy móc nông nghiệp, quỹ đất rẻ và dồi dào có sẵn, sự phát triển của các thị trường phía Đông nước Mỹ cùng với hạ tầng, các tuyến đường sắt chính hoàn thiện kết nối các khu vực nông trại với chợ.

Trang trại Bonanza quy mô lớn trong quá khứ.
Trang trại Bonanza quy mô lớn trong quá khứ.

Hầu hết các trang trại Bonanza đều thuộc quyền sở hữu của các công ty và được điều hành như các nhà máy, bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp. Những trang trại Bonanza đầu tiên được thành lập vào giữa những năm 1870 tại Thung lũng Sông Hồng thuộc bang Minnesota, như Nông trại Grandin.

Trang trại Bozana ngày nay.
Trang trại Bozana ngày nay.

Xét trên bình diện quốc tế, nông nghiệp quy mô lớn ở mỗi quốc gia lại khác nhau ở nhiều khía cạnh, tùy vào tính chuyên môn hóa, quy mô và hình thức tổ chức. Hiện nay, Trung Quốc và Úc là hai quốc gia sở hữu những trang trại vĩ đại nhất thế giới.

Ở Trung Quốc, sự xuất hiện của các hoạt động sản xuất quy mô chủ yếu là nhờ tập trung đất nông nghiệp, được thực hiện thông qua việc chuyển giao quyền quản lý đất, từ các hộ dân sang các hợp tác xã cổ đông đất nông nghiệp. Đi đôi với đó là sự phát triển kinh tế và nhu cầu bảo toàn tỷ lệ an ninh lượng thực do dân số ngày càng tăng, những yếu tố này đã góp phần cho sự hình thành của các siêu trang trại với diện tích đạt hơn 10 triệu héc-ta.

Ngoài ra, các điều kiện cụ thể ở từng quốc gia cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ như ở Trung Quốc, đất nước này có mật độ dân số nông thôn trung bình thấp, thiết lập thể chế ổn định cho đầu từ quy mô lớn, cũng như có khí hậu và môi trường ủng hộ việc phát triển nông nghiệp.

Đối với Hàn Quốc, đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Chủ sở hữu đất nông nghiệp bắt buộc phải sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp, không được để hoang hóa quá một năm. Người sở hữu đất không sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn muốn sở hữu có thể ủy thác ngân hàng đất đai để cho thuê. Khi ủy quyền cho thuê, chủ sở hữu đất sẽ được miễn các loại thuế có liên quan. Hàn Quốc đã bỏ hạn điền đất nông nghiệp từ năm 1999 để tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

Một trang trại ở Úc.
Một trang trại ở Úc.

Nhật Bản cũng triển khai biện pháp “hợp nhất ruộng đất” (tương tự như dồn điền đổi thửa) - trao đổi quyền sở hữu các thửa ruộng nằm cách xa nhau để các chủ đất chỉ sở hữu một mảnh đất với diện tích lớn; và “ủy thác sản xuất” - các hộ sản xuất quy mô nhỏ sẽ ủy thác ruộng vườn và các tư liệu sản xuất cho hộ sản xuất quy mô lớn…

Trong khi đó, tiến bộ về công nghệ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu kinh tế là các tác nhân chính thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp diện rộng tại Brazil. Ở đây, các trang trại rộng mênh mông được tổ chức dưới dạng các tập đoàn thương mại công cộng, các công ty tư nhân hoặc các công ty lai gia đình, hay còn gọi là nhóm gia đình.

Ngược lại, ở Argentina, canh tác quy mô lớn chủ yếu được quản lý thông qua các hợp đồng, thay vì tích hợp chiều dọc và chiều ngang, và thường được tổ chức như một quỹ ủy thác hoặc một tập đoàn đầu tư nông nghiệp có định hướng.

Thành quả của những sự phát triển này là hàng loạt các nông trại quy mô lớn xuyên quốc gia lên tới 1 triệu héc-ta đã ra đời và đi vào hoạt động tại Brazil và Argentina.

Ở Nga, Ukraine and Kazakhstan, những trang trại lớn xuyên quốc gia hoạt động với hơn một triệu héc-ta đất trồng trọt. Điểm khác biệt lớn nhất của các trang trại này so với ở các nước Mỹ La-tin hay Úc là về tính chuyên môn hóa. Có thể dễ dàng bắt gặp các nông trại chuyên sản xuất ngô, mía hay lúa mì ở Mỹ La-tin, trong khi đó ở Nga hay Ukraine là những trang trại hỗn hợp (kết hợp chăn nuôi và trồng trọt).

Một agroholdinsg ở Nga.
Một agroholdinsg ở Nga.

Những nông trại quy mô lớn ở các nước Liên Xô cũ thường được gọi là agroholdings (tạm dịch: công ty cổ phần nông nghiệp). Agroholding là một tập hợp gồm các công ty nông nghiệp mẹ và con, vận hành với ít nhất 10 nghìn héc-ta đất. Các agroholdings thường thuộc một tập đoàn kinh doanh lớn hơn, được tích hợp dọc hay ngang, và thậm chí có thể sở hữu lên tới hàng chục hay hàng trăm ngàn héc-ta đất. Đặc biệt ở Nga, Ukraine và Kazakhstan, thuật ngữ agroholding được sử dụng rộng rãi để định nghĩa cấu trúc tổ chức kinh doanh tích hợp giữa nông nghiệp với các ngành công nghiệp trong và ngoài nước liên quan.

Cấu trúc kinh doanh chính của một agroholding bao gồm một công ty mẹ quản lý hàng trăm hay hàng ngàn trang trại của tập đoàn. Những trang trại này thường là các pháp thể riêng biệt, được đăng ký dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay thậm chí trang trại gia đình. Trong phạm vi của một agroholding, các nông trại thường được nhóm thành các cụm, dựa trên các tiêu chí như vị trí, cự ly vận chuyển hay diễn biến lịch sử.

Khả năng tiếp cận vốn ngoại là một trong những yếu tố chính cho sự bùng nổ của các trang trại quy mô lớn trên toàn thế giới. Việc tiếp cận vốn dễ dàng hơn so với các nông trại nhỏ giúp cho các siêu trang trại tận dụng hết mức lợi thế khi giá nông sản tăng mạnh và phát triển theo chiến lược tăng trưởng nhanh về đất đai và tài sản. Nguồn vốn có thể đến từ trong nước, nước ngoài, thị trường chứng khoán hoặc vốn cổ phẩn tư nhân.

Một agroholding là một nhóm các thực thể ràng buộc không chỉ bởi tài sản, hợp đồng và quản trị doanh nghiệp, mà còn thông qua tích hợp kinh doanh dọc và ngang vào một chuỗi cung ứng. Vì vậy, các agroholdings thường được biết tới là một cấu trúc kinh doanh tích hợp.

Cụ thể, agroholdings áp dụng các loại tích hợp kinh doanh khác nhau bao gồm hàng ngang, hàng dọc, kết hợp, lai, hay tất cả các hình thức trên. Sự khác biệt nằm ở quy mô các cấu trúc đó như diện tích quỹ đất hoạt động, lao động, số vốn và số lượng doanh nghiệp thực phẩm nông nghiệp có liên quan, cũng như mức độ phụ thuộc pháp lý và kinh tế.

Tích hợp theo chiều ngang có nghĩa là các công ty cùng cấp độ trong chuỗi giá trị giữ quyền kiểm soát như nhau. Trong trường hợp tích hợp chiều dọc, chỉ có một công ty kiểm soát hoàn toàn một hoặc nhiều giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Do đó, các agroholdings còn khác nhau tùy theo chiến lược kinh doanh của họ.

Dưới sự bảo trợ của Hội Nông dân Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Báo Nông thôn ngày nay – Báo Dân Việt và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Namtổ chức Hội thảo chuyên đề: Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách.
Hội thảo dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/6/2019 (thứ sáu); dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng; đồng thời có tham luận, bàn thảo của gần 30 diễn giả là các nhà quản lý, nhà tư vấn, chuyên gia kinh tế - bất động sản – nông nghiệp hàng đầu Việt Nam cùng chủ đầu tư các dự án bất động sản nông nghiệp lớn. Hội thảo cũng có sự tham dự của gần 200 đại biểu, đại diện lãnh đạo các địa phương, các cơ quan báo chí – truyền thông, các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm tới vấn đề này.
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung làm rõ những khái niệm “bất động sản nông nghiệp”, “thị trường bất động sản nông nghiệp”…; Đánh giá được thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam nói chung và các địa bàn trọng điểm nói riêng; Làm rõ những vướng mắc pháp lý, chính sách và kiến nghị giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam…; Chỉ ra mô hình và kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp và khả năng áp dụng cho Việt Nam…
Sau Hội thảo; Ban Tổ chức sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan về các vấn đề được nêu trong Hội thảo; đặc biệt là định hướng xây dựng khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này.

 

Phúc Nguyễn