Cuộc chiến ở Ukraine: Tạo dựng thế trận mới

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 28/09/2022 14:23 PM (GMT+7)
Cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine sắp kết thúc tháng thứ 7 và một thế trận mới đang định hình cả trên thực địa lẫn trên nhiều phương diện khác.
Bình luận 0
Cuộc chiến ở Ukraine: Tạo dựng thế trận mới - Ảnh 1.

Cuộc chiến ở Ukraine được dự báo sẽ còn gia tăng mức độ quyết liệt trong thời gian tới. Ảnh NYT

Nó báo hiệu chiến sự ở nơi này sẽ còn gia tăng mức độ quyết liệt trong thời gian tới và làm cho càng không thể biết khi nào cuộc chiến mới có thể chấm dứt và sẽ chấm dứt như thế nào.

Cú hích quyết định nhất giúp đưa lại thế trận mới này là kết quả mà phía Ucraine đã đạt được cho đến nay với những chiến dịch phản công vào nhiều nơi ở vùng lãnh thổ của Ucraine mà Nga kiểm soát đươc sau nhiều tháng giao tranh. Cho dù bị buộc phải thoái lui trước sức phản công của phía Ukraine hay là rút lui sách lược thì trong thực chất đấy vẫn đều là thất bại rất tai hại đối với Nga về chính trị, quân sự, tâm lý cũng như dư luận. Cả Ucraine và những đối tác ủng hộ Ukraine về chính trị, tài chính và quân sự để Ukraine chiến tranh với Nga (Mỹ, EU, Nato và đồng minh) đều được khích lệ và củng cố lòng tin rằng có thể thắng Nga trong cuộc chiến này. Hệ luỵ trực tiếp sẽ là Ukraine thêm quyết tâm và tự tin để trường kỳ chiến tranh với Nga trong khi phía kia càng kiên đinh chủ ý hậu thuẫn Ukraine đến cùng và bằng mọi giá.

Diễn biến mới này lại một lần nữa buộc phía Nga phải thay đổi chiến lược và sách lược, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho cuộc chiến ở Ukraine. Bốn biểu hiện rõ nhất là Nga lại tìm cách giành thế chủ động tấn công trên chiến trường, tổng thống Nga Vladimir Putin ban lệnh tổng động viên hạn chế, phe thân Nga ở bốn vùng lãnh thổ ly khai tại Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về việc sát nhập vào Liên bang Nga và Nga khơi ngòi cuộc tranh luận ở châu Âu về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.

Bốn điều này không phải là diễn biến riêng lẻ không liên quan gì đến nhau mà là thành tố của chiến lược và sách lược mới của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine trong thời gian tới. Nga phải chủ động tấn công quân sự trên thực địa để phần lãnh thổ hiện đang kiểm soát không bị tiếp tục thu hẹp bởi các cuộc phản công của phía Ukraine. Các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn vùng lãnh thổ tại Ukraine được tổ chức gấp gáp và sớm hơn dự định ban đầu để làm thay đổi hoàn toàn bản chất pháp lý của các cuộc tấn công quân sự của Ukraine vào các khu vực ấy. Một khi đã sát nhập vào Liên bang Nga thì Nga sẽ coi đấy là lãnh thổ của Nga, về pháp lý thuộc chủ quyền của Nga. Do đó, cuộc tấn công của Ukraine sẽ bị Nga coi là tấn công vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Mọi sự hậu thuẫn của Mỹ, EU, Nato và đồng minh cho Ukraine về chính trị, tài chính và quân sự đều sẽ bị Nga coi là sự sử dụng Ukraine để xâm hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga - chẳng hạn như khi Ukraine sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ, EU, Nato và đồng minh cho các hoạt động quân sự nhằm vào 4 vùng lãnh thổ này.

 Nga sẽ nói có quyền sử dụng mọi khả năng, kể cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Việc phía Nga tổng động viên, cho dù hiện tại ở mức độ có hạn chế, được Nga sử dụng vào thời điểm hiện tại để thể hiện quyết tâm chiến tranh cho tới khi đạt được mục đích ở Ukraine, chẳng khác gì thông điệp cảnh báo, răn đe và tuyên chiến với Ukraine, Mỹ, EU, Nato và đồng minh.

Những diễn biến mới nói trên làm cho phe kia tin rằng Nga đang bị suy yếu rõ rệt ở Ukraine và khó khăn muôn bề về đối nội cũng như chính trị nội bộ và xã hội. Nhưng hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm diễn ra trận đấu chung kết giữa Ukraine với Nga và giữa Mỹ, EU, Nato và đồng minh với Nga. Mọi cuộc chơi và canh bạc thường về cuối mới ngã ngũ.

Mỹ, EU, Nato và đồng minh cùng Ukraine đương nhiên sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý đang được tiến hành ở 4 vùng lãnh thổ tại Ucraine nếu kết quả ấy thuận cho Nga. Nếu 4 vùng này giống như Crimea hồi năm 2014 thì phe này sẽ buộc phải thay đổi chiến lược và chiến thuật đối địch Nga ở Ukraine. 

Họ sẽ làm rùm beng như có thể được khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ sẽ tiếp tục gia tăng mức độ đối địch và trừng phạt Nga. Họ sẽ tiếp tục cung cấp tiền của và vũ khí hiện đại cho Ukraine để Ukraine tiếp tục chiến tranh với Nga và để trực tiếp răn đe Nga. Phía Ukraine càng không muốn và không thể đi vào đàm phán hoà bình với Nga sau khi cả 4 vùng lãnh thổ kia đã trở thành lãnh thổ của Liên bang Nga. 

Nga tạo ra sự đã rồi mà chẳng có đàm phán hoà bình nào trong tương lai có thể thay đổi được. Cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục dai dẳng và châu Âu chứng kiến sự thay đổi địa lý biên giới quốc gia ở mức độ quy mô chưa từng thấy kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 trong thế kỷ trước đến nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem