Cuộc di dân khỏi kinh thành Huế & hạnh phúc của vị Chủ tịch tỉnh

Trần Hòe Thứ sáu, ngày 12/02/2021 10:14 AM (GMT+7)
Tôi đến khu dân cư mới Hương Sơ (TP.Huế) khi người dân nơi đây đang tất bật chuẩn bị đón cái tết đầu tiên tại nơi ở mới. Trước thềm những ngôi nhà khang trang, những chậu hoa cảnh rực rỡ...
Bình luận 0

Lần đầu ăn tết đúng nghĩa

Khó có thể ngờ rằng chỉ mới cách đây vài tháng, bà con còn phải sinh sống trong những mái nhà xiêu vẹo, rách nát, chông chênh trên di tích Kinh thành Huế.

Gia đình anh Thái Văn Bửu là một trong những hộ dân thuộc diện nghèo nhất trong số những hộ đã di dời bởi cuộc di dân lịch sử ở Huế. Tháng 8/2020, gia đình anh Bửu cùng 24 hộ khác được bàn giao nhà tái định cư theo hình thức "chìa khóa trao tay". Mỗi căn nhà khoảng 60m2, bao gồm nhà 1 tầng và 1 gác lửng, kinh phí khoảng 200 triệu đồng/nhà. Tiền xây nhà được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế huy động từ các nguồn hỗ trợ.

Trong ngôi nhà còn thoảng mùi sơn, anh Bửu kể, tết năm nay là cái tết ấm no đầu tiên trong đời anh. Vợ chồng anh có 3 đứa con nhỏ. Những năm sống "treo" trong ngôi nhà mục nát trên di tích Kinh thành Huế, gia đình anh chưa bao giờ có cái tết đúng nghĩa. Những cái tết triền miên thiếu thốn từ cái ăn đến cái mặc, chiều tối 30 tết anh vẫn phải làm thuê để kiếm tiền đong gạo.

(Xuan) Cuộc di dân khỏi kinh thành Huế & hạnh phúc của vị Chủ tịch tỉnh - Ảnh 1.

Ông Phan Ngọc Thọ lì xì cho người dân di dời khỏi di tích Kinh thành Huế. Ảnh: Trần Hòe

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng. Dự án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa, di dời các hộ dân đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống…

"Chừ thì khác nhiều lắm rồi. Từ khi về đây, ngoài nhà cửa khang trang, gia đình tui còn được tạo công ăn việc làm. Tui được Ban quản lý dự án cho vào làm thợ nề thi công những công trình tại khu tái định cư. Có thu nhập ổn định nên cuộc sống không còn vất vả như xưa. Cả nhà đang háo hức đón tết. Năm nay tui chuẩn bị nhiều bánh thịt cho gia đình ăn tết và sắm quần áo mới cho mấy đứa nhỏ"- anh Bửu chia sẻ.

"Mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng như có một phép màu, từ nhà cửa, công ăn việc làm cho đến việc học của con cháu"-ông Lê Văn Giây (87 tuổi), một trong những người lớn tuổi nhất ở khu dân cư mới Hương Sơ, xúc động nói. Ông Giây kể, khi còn sống treo trong khu "ổ chuột" ở di tích Kinh thành Huế, gia đình ông sống chen chúc trong ngôi nhà xập xệ, mỗi mùa mưa bão đến là lo lắng mất ăn mất ngủ vì nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Công ăn việc làm bấp bênh nên đường đến với cái chữ của con cháu ông vô cùng gian nan. Từ khi về nơi ở mới, con ông có công việc ổn định hơn, các cháu được ăn học đàng hoàng.

"Sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã giúp cuộc sống của chúng tôi sang trang mới. Không lý do gì mà không sắm sửa để ăn cái tết cho đủ đầy"- con trai ông Giây tiếp lời cha.

"Hạnh phúc của người dân là điều quan trọng nhất"

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Gọi là "lịch sử" bởi không chỉ quy mô dân số di dời rất lớn mà còn bởi những cơ chế, chính sách đặc biệt được áp dụng để hỗ trợ tối đa cho người dân.

Từ khi dự án được triển khai đến nay, người ta thường xuyên bắt gặp ông Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đến thăm hỏi, đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết vướng mắc của người dân trước và sau khi di dời. Ngày Tết, ông trực tiếp đến đón giao thừa với người dân. Ngày dân khởi công xây nhà mới, ông đến đặt đá. Khi bà con nhận bàn giao nhà, ông đến trao chìa khóa, tặng quà...

(Xuan) Cuộc di dân khỏi kinh thành Huế & hạnh phúc của vị Chủ tịch tỉnh - Ảnh 3.

Ông Phan Ngọc Thọ gặp gỡ, trao đổi với người dân thuộc “cuộc di dân lịch sử”. Ảnh: Trần Hòe

Bà Trương Thị Huyền - một người dân vừa chuyển đến khu dân cư mới Hương Sơ, cho hay: "Ông Thọ đến thăm hỏi, động viên chúng tôi không biết bao nhiêu lần. Đêm giao thừa ông Thọ đến ăn bữa cơm đạm bạc cùng người dân khu ổ chuột chúng tôi".

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, việc di dời người dân sống treo trên di tích Kinh thành Huế là mong muốn từ lâu của người dân cũng như chính quyền địa phương, nhưng do quy mô quá lớn nên trong gần 20 năm vẫn chưa thực hiện được. Chứng kiến bà con sống trong những ngôi nhà tạm bợ, chật chội, không có điều kiện sửa chữa, ông vô cùng xót xa.

Khi ông lên làm Chủ tịch UBND tỉnh, phải trải qua nhiều cuộc họp mới đi đến sự đồng lòng thực hiện đề án di dời dân. Rồi trong quá trình xây dựng đề án đã may mắn gặp, tranh thủ được ý kiến ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ.

Ông Thọ kể, chứng kiến ngày càng có nhiều hộ dân được chuyển về sinh sống ở khu dân cư mới khang trang, nhà cửa kiên cố, bản thân ông rất vui: "Quan điểm của tôi là hạnh phúc của người dân là điều quan trọng nhất của người lãnh đạo". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem