Cuộc đời can trường của NSND Thái Thị Liên

Thứ bảy, ngày 11/02/2023 18:30 PM (GMT+7)
Khi biết về câu chuyện cuộc đời của NSND Thái Thị Liên, mới thêm thấm thía, vì sao, bà lại sinh ra được những người con có tầm vóc lớn lao đến thế, trong đó có nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
Bình luận 0

“Từ lúc tôi sinh ra, hoàn toàn chỉ có má tôi nuôi hết. Gian nan, tủi nhục thì vô chừng, nhưng má không một lời than trách chồng hay kể công mình. Sau này lớn lên, nhìn lại tôi mới giật mình nhận ra sự phi thường của má”, lời chia sẻ của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã phần nào hé lộ về cuộc đời gian nan mà vĩ đại của nghệ sĩ Thái Thị Liên.

Cuộc đời can trường của NSND Thái Thị Liên - Ảnh 1.

NSND Thái Thị Liên thời trẻ và hai con.

Xuất thân từ dòng họ Kha Vạn nổi tiếng tài danh

Nhà giáo, nghệ sĩ Thái Thị Liên, sinh ngày 4/8/1918 trong một gia đình trí thức, giàu có nổi tiếng ở Sài Gòn.

Bố của nghệ sỹ Thái Thị Liên là cụ Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Làm việc ở công ty điện lực Đông Pháp, có quốc tịch Pháp, cụ Lân tiếp thu nền giáo dục văn minh phương Tây và cũng giáo dục con theo hướng này. Cụ Lân khuyến khích các con đọc sách, chơi đàn, vẽ… phát triển toàn diện. Lên 4 tuổi, nghệ sỹ Thái Thị Liên đã được học đàn piano.

Cuộc đời can trường của NSND Thái Thị Liên - Ảnh 2.

Bà Thái Thị Liên (giữa) cùng các anh chị em ngày nhỏ.

Còn dòng họ ngoại của là Kha Vạn cũng nổi tiếng và tài danh ở Nam Bộ. Bà ngoại của Nghệ sỹ Thái Thị Liên là cụ Kha Vạn Lấm (cô ruột của cố Bộ trưởng Kha Vạn Cân) là người yêu âm nhạc, cụ đã dạy “công, dung, ngôn, hạnh”, văn hóa truyền thống cho các cô cháu gái của mình.

Năm 11 tuổi, bà Thái Thị Liên đã học đàn chuyên nghiệp khi theo học trường Trung học nữ sinh Pháp. Năm 16 tuổi, bà đã có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại tại tòa thị chính Sài Gòn.

Cuộc đời can trường của NSND Thái Thị Liên - Ảnh 3.

Khi biết về cuộc đời nghệ sĩ Thái Thị Liên, ta mới hiểu vì sao, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn lại dùng chữ “phi thường” khi nói về người mẹ của mình.

Năm 1946, bà thi đỗ vào Conservatoire Paris. Trong quãng thời gian này, bà đã gặp và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, em ruột cố Tổng Bí thư Trần Phú), Trưởng đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Pháp lúc đó.

Do biến động lịch sử, bà đã từ Paris sang Praha năm 1948 theo học ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha, và tốt nghiệp năm 1951.

Khi biết về cuộc đời nghệ sĩ Thái Thị Liên, ta mới hiểu vì sao, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn lại dùng chữ “phi thường” khi nói về người mẹ của mình, và vì sao, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc lại viết về “bác Liên”, người thầy dạy nhạc của mình rằng: “Cuộc đời của bác là 1 bức tranh toàn cảnh lịch sử bi thương của dân tộc VN trên 100 năm qua”.

“Má gánh cả đàn con lẫn chồng”

Năm 1951, chiến tranh trong nước chiến tranh diễn ra ác liệt. Đang có một cuộc sống đủ đầy ở Tiệp Khắc, nhưng bà Nguyễn Thị Liên đã quyết định theo chồng về chiến khu Việt Bắc, với điều kiện sống thiếu thốn trăm bề, rừng thiêng nước độc.

Khó khăn càng nhân lên gấp bội khi chồng của bà bệnh nặng, rồi qua đời. Lúc đó, con đầu của bà mới chỉ khoảng 3 tuổi, con thứ đang nằm trong bụng mẹ.

Sau đó, nghệ sĩ Thái Thị Liên đã gặp và kết hôn với nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, khi đó là chính trị viên Đoàn ca múa nhân dân trung ương - ở Việt Bắc.

Tình yêu của họ gặp nhiều sóng gió, cuồng nhiệt mà nỗi buồn cũng nhiều, do cả hai người là "rổ rá cạp lại". Đặc biệt, khi nghệ sĩ Đặng Đình Hưng “gặp nạn” vụ Nhân văn giai phẩm.

“Bố mất việc làm. Má gồng gánh một mình nuôi cả gia đình đông đúc con chung - con riêng chỉ bằng nghề dạy đàn trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, chia cắt. Má gánh cả đàn con lẫn chồng”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chia sẻ trên báo.

Năm 1976, để thuận lợi cho con trai Đặng Thái Sơn được du học Liên Xô, nghệ sĩ Thái Thị Liên và chồng ly dị. Bà chuyển vào Sài Gòn sống trong tình trạng không có nhà ở, suốt mấy năm phải đi ở nhờ một người bạn thời ấu thơ với đồng lương dạy hợp đồng eo hẹp thời đất nước nghèo khó vừa mới bước qua chiến tranh.

Như vậy, từ một cô gái sinh ra trong nhung lụa, nhẽ ra có cuộc sống ấm êm, đầy đủ, bà Thái Thị Liên đã lựa chọn một con đường đầy gian khó. Điều đặc biệt, trong hoàn cảnh đó, bà đã can trường nuôi dạy các con thành tài, đồng thời, trở thành người thầy vĩ đại của bao thế hệ học trò.

Người thầy đầu tiên, vĩ đại

Theo lời kể của nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, trong một lần ông tới thăm nghệ sĩ Thái Thị Liên, ông đã được con trai bà là TS Trần Thanh Bình đón tiếp.

TS Trần Thanh Bình cho biết, nghệ sĩ Thái Thị Liên là một người Tây học hoàn toàn, nhưng rất am hiểu truyền thống của người Việt Nam do từ nhỏ bà đã được nuôi dạy trong môi trường truyền thống.

Các con được mẹ Liên dạy về những nghi lễ truyền thống như thờ cúng ông bà, tổ tiên, thắp hương ngày rằm, mồng một hàng tháng… Bà rất thích những món ăn truyền thống như tương, cà , mắm, muối và cũng ảnh hưởng sở thích này sang các con. Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn nhiều năm sống ở nước ngoài rất nhiều năm nhưng cũng rất thích mắm tôm đậu phụ…

Bà cũng như bao người mẹ tận tụy khác, hết lòng thương yêu các con. Có lần con gái ốm, bà đã thức gần như trắng đêm. Mỗi khi đi ngủ, bà đi dém màn cho từng đứa…

Đặc biệt, bà Thái Thị Liên là người dạy các con tình yêu với nghệ thuật, âm nhạc. Bà là người thầy âm nhạc đầu tiên của các con, gieo vào các con tình yêu đối với nghệ thuật, âm nhạc.

Cuộc đời can trường của NSND Thái Thị Liên - Ảnh 4.

Bà Thái Thị Liên và con trai Đặng Thái Sơn.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chia sẻ trên một tờ báo: “Nếu như bố tôi cho tôi cá tính, cái chất trong nghệ thuật thì má tôi là người nuôi tôi, sống bên tôi, hỗ trợ tôi hầu như gần hết cuộc đời bà.

Má cho tôi năng khiếu âm nhạc, sự tiếp xúc với cây đàn và truyền cho tôi cả tình yêu dành cho Chopin để sau này trở thành sự nghiệp của cuộc đời tôi”.

Cuộc đời can trường của NSND Thái Thị Liên - Ảnh 5.

NSND Thái Thị Liên trình diễn piano trong đêm nhạc Trăm mùa thu vàng vinh danh bà tròn 100 tuổi tại Hà Nội, 23.11.2017. Ảnh: TTXVN

Trong những năm khó khăn, vất vả ở nơi sơ tán, sau ngày dài với công việc, đêm đêm nghệ sĩ Thái Thị Liên lại ngồi đàn những bản nhạc của Chopin.

“Chính những bản nhạc Nocturne, Mazurka má chơi trong các đêm thanh vắng nơi thôn dã ấy đã gieo vào trong tôi - khi đó là một cậu bé 8-9 tuổi - một tình yêu thấm sâu với âm nhạc Chopin”, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn hồi tưởng.

Còn con gái bà, GS.TS, nhà giáo nhân dân, nghệ sỹ piano nổi tiếng Trần Thu Hà đã tâm sự: “Âm nhạc, hay cụ thể là piano là tình yêu, khát vọng, lý tưởng của đại gia đình chúng tôi; Cả nhà tôi đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc vì nó là tất cả lẽ sống mà chúng tôi theo đuổi…”.

Cả ba người con của nghệ sĩ Thái Thị Liên đều tài danh: GS.TS. Trần Thu Hà, nguyên giám đốc nhạc viện Hà Nội; TS Trần Thanh Bình, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu thiết kế trường học (thuộc Bộ GD&ĐT) và nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn sinh năm 1958, người châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng danh giá Chopin. Bà Thái Thị Liên vừa là người mẹ, người thầy vĩ đại.


Mai Nguyễn (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem