Cuộc hội ngộ đặc biệt của nữ nhà báo và nhân vật truyền cảm hứng tại đêm trao giải báo chí “tam nông”
Cuộc hội ngộ đặc biệt của nữ nhà báo và nhân vật truyền cảm hứng tại đêm trao giải báo chí “tam nông”
Trần Quang (ghi)
Thứ tư, ngày 11/12/2024 06:35 AM (GMT+7)
Hôm nay chính là một ngày đặc biệt của Hồ Hạ, khi mình vừa được trao giải cao và làm cầu nối để nhân vật chính – anh Đào Đức Hiếu (hay Giàng A Hiếu) được tôn vinh ở hạng mục cao quý “Nhân vật truyền cảm hứng” tại Giải Báo chí Toàn quốc về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam lần - thứ II năm 2024.
Nhà báo Hồng Hạnh (bút danh: Hồ Hạ, Báo Đầu tư) được trao giải C Giải Báo chí Toàn quốc về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024. Ảnh: LH
Cảm xúc vỡ òa trong đêm đông Hà Nội
Chia sẻ sau Lễ trao giải Giải Báo chí Toàn quốc về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam lần - thứ II năm 2024 diễn ra tối 10/12, nhà báo Hồng Hạnh (bút danh: Hồ Hạ) không khỏi xúc động khi mình được trao giải thưởng cao quý và nhân vật chính trong tác phẩm cũng được vinh danh ở hạng mục cao quý "Nhân vật truyền cảm hứng".
"Khoảnh khắc trong buổi tối đặc biệt này, tôi muốn ngưng đọng lại mãi trong cuộc đời. Trong lễ trao giải, trái tim tôi đã lặng đi giữa xúc cảm vỡ òa", nhà báo Hồng Hạnh nói và cho rằng: Hôm nay chính là một ngày đặc biệt đối với Hồ Hạ – ngày tác phẩm “Giàng A Hiếu - Người đánh thức xứ sở hạnh phúc Suối Giàng và khát khao đưa trà Việt lên đỉnh thế giới” không chỉ được trao Giải C mà còn là cầu nối để nhân vật chính – nghệ nhân trà, kiến trúc sư, doanh nhân Dao Duc Hieu Đào Đức Hiếu (hay Giàng A Hiếu) – được tôn vinh ở hạng mục cao quý “Nhân vật truyền cảm hứng” tại Giải Báo chí Toàn quốc về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024.
Cơ duyên Hạ gặp được anh Giàng A Hiếu bắt đầu từ một chuyến công tác cùng đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội tại Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024. Là một phóng viên theo dõi mảng du lịch, Hạ luôn tìm kiếm những câu chuyện truyền cảm hứng.
Trong buổi workshop tại Lễ hội, Hạ đã bị thu hút bởi cách anh Hiếu giới thiệu về trà Shansen, quy trình thưởng thức trà Shan tuyết cổ thụ ướp sen Tây Hồ. Anh không chỉ chia sẻ quy trình ướp trà, cách pha và thưởng thức trà đúng điệu, mà còn thổi vào đó một tình yêu lớn lao với trà và văn hóa Việt. Sự nhiệt huyết và truyền cảm trong từng lời nói của anh đã ngay lập tức khiến Hạ muốn tìm hiểu thêm.
Cuộc hẹn đầu tiên của Hạ với anh Đào Đức Hiếu vào một ngày Thu Hà Nội trong veo tại tầng 5 của Trung tâm Tinh Hoa Làng Nghề Việt do anh Hiếu sáng lập và đặt trọn tâm huyết. Bên ấm hồng trà Shan tuyết cổ thụ, chúng tôi đã trò chuyện liên tục 6,5 giờ đồng hồ, từ 8 giờ sáng đến 14h30, và không dùng bữa trưa.
Nữ nhà báo Báo Đầu tư kể: Đó là lần đầu tiên kẻ ngoại đạo về trà như Hạ được thưởng thức và lắng nghe câu chuyện về trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng thượng hạng. Nhấp chén trà ấm nóng trong tay, ngũ quan của Hạ dường như bừng lên sức sống. Hạ như đang ngồi giữa đỉnh núi chót vót quanh năm mây sương giăng phủ. Miệng Hạ như đang nếm trọn hương vị đại ngàn. Mắt Hạ như đang ngắm nghía những búp chè non tơ căng mọng phủ lớp lông mao như tuyết. Tai Hạ như nghe thấy bản hòa tấu của tiếng chim và suối chảy róc rách. Mũi Hạ như đang hít hà không khí mát lành. Tóc Hạ như đang tung bay đón gió. Còn tay Hạ như đang mải mê đùa nghịch với hoa cỏ ướt đẫm sương đêm.
Hạ còn nhớ nghệ nhân Đào Đức Hiếu uyển chuyển pha trà, giọng trầm ấm: “Hồng trà với vị thanh nhẹ đặc biệt thích hợp và tốt cho phái nữ. Hãy chia trà trong chén làm ba ngụm nhỏ. Ngụm đầu tiên nuốt nhanh để làm sạch khoang miệng. Ngụm thứ hai đẩy toàn bộ nước trà lên khoang miệng phía trước. Ngụm thứ ba giữ lại không nuốt ngay mà để cho toàn bộ khoang miệng phía trong và cuống họng chạm vào trà. Bằng cách này, cả khoang miệng với hàng triệu mao mạch của bạn sẽ chạm được vào trà”.
Cứ như thế, Hạ bị cuốn theo những câu chuyện về tình yêu, đam mê trà Việt của nghệ nhân trẻ và gần như quên đi những câu hỏi chuẩn bị trước. Đó là câu chuyện về một “Giàng A Hiếu” (cái tên đồng bào Mông Suối Giàng (Yên Bái) đặt cho Đào Đức Hiếu) mà bất cứ làng nghề truyền thống nào cũng khát khao có được. Một Giàng A Hiếu dù không sinh ra hay lớn lên ở đỉnh Suối Giàng, nhưng anh như thể được sinh ra với sứ mệnh gìn giữ những tinh hoa và phát triển vốn cổ ở miền sơn cao là “thủ phủ” của những cây trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi này.
Từ một đỉnh núi chẳng có gì ngoài những gốc chè cổ thụ và cỏ dại mọc cheo leo trên đỉnh núi mù sương, chàng kiến trúc sư quê Hà Nội đã nỗ lực không ngừng suốt 6 năm để biến nơi đây thành “xứ sở hạnh phúc Suối Giàng”. Anh đã giúp hàng ngàn người Mông ở xã nghèo 135 cứ đến mùa đông là kêu: “Ôi, lạnh quá!”, “Ôi, đói quá!”, vốn mù tịt về du lịch, làm thương mại nay có được sinh kế bền vững trên chính quê hương và được an yên trong từng hơi thở.
Vượt qua bao gian nan, thử thách và chẳng nề hà những khó khăn đợi chờ phía trước, anh một lòng đi trên con đường riêng đã chọn. Tình yêu và khát khao phát huy những giá trị tinh hoa trà Việt nơi sâu thẳm cứ tự nhiên tuôn trào, thôi thúc anh không ngừng sáng tạo nên những cực phẩm trà Shan tuyết cổ thụ chứa đựng cả sự ấm nồng truyền thống và hơi thở thời đại, để càng lâu giá trị càng cao với sứ mệnh chinh phục thế giới bằng chính thương hiệu trà Việt.
Đào Đức Hiếu và tác giả Phùng Thị Hồng Hạnh hội ngộ trong lễ trao giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2024. Trao đổi với PV Dân Việt, cả hai đều vỡ òa cảm xúc cho biết: Lần đầu tiên, cả tác giả viết bài và nhân vật trong bài viết đều được trao giải, điều này thể hiện sự tinh tế, đặc biệt của Ban Tổ chức, Hội đồng chung khảo. Chúng tôi sẽ mãi không quên kỷ niệm này. Ảnh: Lê Hiếu- Dân Việt.
Và còn đáng trân quý hơn khi trên hành trình ấy, người nghệ nhân trà không chọn đi một mình để tiến nhanh, mà chọn đi chậm hơn nhưng xa hơn cùng các vùng trà và những sản phẩm làng nghề truyền thống khác của Việt Nam. Anh nguyện một đời bền bỉ đánh thức sức mạnh tiềm ẩn bên trong những gã khổng lồ đang ngủ quên nơi các làng nghề, để chinh phục thế giới bằng chính những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với tâm niệm “phải làm những điều rực rỡ cho quê hương, đất nước để không uổng phí một lần có mặt ở trần gian”.
Sau đó, Hạ gặp anh Hiếu 2 lần nữa để trò chuyện và hai anh em thường xuyên trao đổi thông tin qua mạng xã hội. Khoảng 1 tháng sau, khi thấy thông tin đã đủ đầy, Hạ gần như gác lại mọi công việc để tập trung nghiên cứu và viết bài. Nội dung bài báo sau khi hoàn thành rất đồ sộ, và được Ban Biên tập Báo Đầu tư đồng ý cho trình bày dưới dạng Megastory với 5 chương để truyền tải trọn vẹn câu chuyện.
Và Hạ gần như thức trắng 2 đêm để thiết kế và gắn code để tác phẩm kịp xuất bản lúc 9 giờ 2 phút ngày 2/9/2024 như kế hoạch Ban biên tập đã định.
Nhà báo Hồng Hạnh khẳng định: “Hành trình thực hiện bài viết về anh Giàng A Hiếu không chỉ là một trải nghiệm nghề nghiệp mà còn là hành trình khám phá giá trị cuộc sống. Tôi tin rằng, một tác phẩm báo chí hay không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải khơi dậy cảm xúc, truyền cảm hứng và để lại dư âm trong lòng người đọc. Tôi vinh dự khi được kể lại câu chuyện của anh Hiếu và những khát khao của anh, và càng tự hào hơn khi biết rằng nó đã chạm đến trái tim của nhiều độc giả, mà việc đoạt giải thưởng kép tại Giải báo chí "Tam nông" cũng đã minh chứng cho điều đó.
Khi biết tác phẩm của mình được Hội đồng chung khảo lựa chọn trao giải, tôi đã thực sự xúc động. Cảm giác ấy giống như khi gieo một hạt giống tâm huyết xuống mảnh đất lòng mình, và hôm nay, được chứng kiến nó nở hoa, kết trái. Và đây không chỉ là sự ghi nhận cho hành trình lao động miệt mài của tôi, mà còn là tiếng nói khẳng định giá trị của những câu chuyện về con người, văn hóa, và khát vọng bền bỉ của những người nông dân, của ngành nông nghiệp, của những vùng đất nông thôn giàu bản sắc.
Điều đặc biệt hơn cả là nhân vật Giàng A Hiếu trong tác phẩm cũng được vinh danh, trao giải thưởng đặc biệt. Đây là một sự ghi nhận kép – một sự công nhận không chỉ dành cho người làm báo mà còn cho chính những con người thật, câu chuyện thật mà chúng ta kể lại. Khi nhân vật trong bài báo được vinh danh, điều đó có nghĩa rằng tác phẩm đã thành công trong việc mang đến một hình mẫu sống động, đáng ngưỡng mộ, một biểu tượng về nghị lực, đam mê và khát vọng cống hiến.
Tác phẩm báo chí đặc biệt - "Giàng A Hiếu" người đánh thức "xứ sở hạnh phúc Suối Giàng và khát khao đưa trà Việt lên đỉnh thế giới là 1 trong 42 tác phẩm đoạt Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II- 2024. Ảnh chụp màn hình
Chúng ta không chỉ làm tròn sứ mệnh thông tin mà còn trở thành nguồn động lực để xã hội cùng thay đổi theo hướng tích cực hơn
Theo nhà báo Hồng Hạnh, ý nghĩa sâu sắc hơn cả là ở mối liên kết bền chặt giữa báo chí và đời sống thực tế. Giải thưởng dành cho nhân vật Giàng A Hiếu như một lời khẳng định rằng những nỗ lực của anh – từ việc hồi sinh giá trị của trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đến việc mang lại niềm tự hào và cơ hội phát triển kinh tế cho cộng đồng – đã thực sự có ý nghĩa và giá trị lớn lao.
Điều này đồng thời cho thấy rằng, khi báo chí đồng hành và tôn vinh những câu chuyện đẹp đẽ, những con người phi thường, chúng ta không chỉ làm tròn sứ mệnh thông tin mà còn trở thành nguồn động lực để xã hội cùng thay đổi theo hướng tích cực hơn”.
"Trong suốt chương trình Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân tối nay, Hạ không chỉ tự hào mà còn nghẹn ngào, nhiều lần xúc động khi tác phẩm và nhân vật Giàng A Hiếu được ghi nhận.
Phía sau ánh hào quang này là cả một hành trình dài – những đêm trắng miệt mài bên bàn phím, những cuộc gặp gỡ thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Hạ hiểu rằng, thành quả hôm nay không phải của riêng mình mà là sự cộng hưởng từ nhiều bàn tay và trái tim", nữ nhà báo Báo Đầu tư bộc bạch.
Nhà báo Hồng Hạnh cho hay: Thông qua giải thưởng ý nghĩa này, tôi rất biết ơn anh Giàng A Hiếu, người đã mở ra một hành trình vượt lên mọi giới hạn. Từ những gốc trà trăm tuổi nơi Suối Giàng, anh đã gieo mầm hy vọng, thổi bừng lên ánh sáng của niềm tin và khát vọng cho cả cộng đồng. Chính câu chuyện của anh đã tiếp thêm động lực để tôi khát khao được viết, được kể về những điều kỳ diệu vẫn đang âm thầm nảy nở giữa cuộc đời.
"Giải thưởng này nhắc nhở tôi rằng, còn rất nhiều câu chuyện đẹp, những con người âm thầm làm nên kỳ tích từ đôi tay chai sần và trái tim kiên định, cần được kể, cần được tôn vinh. Tôi mong được kể nhiều hơn những nhân vật như anh Hiếu, nhiều hơn những câu chuyện vượt thời gian để truyền cảm hứng và chạm đến tâm hồn", nhà báo Hồng Hạnh nói.
Anh Đào Đức Hiếu, người sáng lập kiêm Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái Suối Giàng (Yên Bái) nhân vật tác phẩm "Giàng A Hiếu" người đánh thức "xứ sở hạnh phúc Suối Giàng và khát khao đưa trà Việt lên đỉnh thế giới được vinh danh "Nhân vật truyền cảm hứng" tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II- 2024. Ảnh: LH
Cần quốc tế hóa giải thưởng
Sau lễ trao giải, nhà báo Hồng Hạnh muốn gửi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức vì đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng của Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một "sân chơi" quan trọng, không chỉ vinh danh các tác phẩm báo chí xuất sắc mà còn góp phần khẳng định vai trò của báo chí trong việc lan tỏa những câu chuyện về nông nghiệp và người nông dân – trái tim của nền kinh tế Việt Nam.
Để tăng thêm chất lượng và sức lan tỏa của giải thưởng, nữ nhà báo Báo Đầu tư kiến nghị: Ban Tổ chức Giải Báo chí Toàn quốc về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam cần tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề sau giải thưởng.
Những buổi tọa đàm với sự tham gia của các tác giả đoạt giải, nhân vật truyền cảm hứng, cùng các chuyên gia về nông nghiệp sẽ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn và lan tỏa câu chuyện từ các tác phẩm dự thi. Đây cũng là cách để kết nối những người làm báo, độc giả và những người quan tâm đến nông nghiệp.
Thứ hai, khuyến khích sự tham gia của các đối tượng trẻ. Để tạo sức lan tỏa lâu dài, Ban Tổ chức có thể mở rộng đối tượng dự thi hoặc tổ chức các cuộc thi viết về nông nghiệp dành cho sinh viên ngành báo chí, truyền thông. Đây là cách để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ yêu nghề báo và quan tâm đến nông nghiệp.
Thứ ba, kết hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan để đưa tác phẩm vào đời sống. Một số tác phẩm xuất sắc có thể được chọn để phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng thành các dự án hỗ trợ nông dân, phát triển nông thôn. Cách làm này không chỉ tăng tính thực tiễn mà còn tạo tiếng vang lớn hơn cho giải thưởng.
Đơn cử, những con người như anh Giàng A Hiếu thực sự là nguồn cảm hứng quý báu và là tấm gương sáng trong xã hội. Để những giá trị mà họ đại diện được lan tỏa và nhân rộng, chúng ta có thể kết nối với các nguồn lực của Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội… để những cá nhân như anh Hiếu được tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, hoặc các dự án hợp tác trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp họ phát triển bền vững và mở rộng quy mô cống hiến hơn nữa.
Thứ tư, quốc tế hóa giải thưởng. Bên cạnh việc thu hút các tác phẩm báo chí trong nước, giải thưởng có thể mời các tác giả nước ngoài viết về nông nghiệp Việt Nam. Điều này giúp nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế và tạo cơ hội để những câu chuyện đẹp về nông nghiệp nước ta được lan tỏa rộng rãi hơn.
Thông qua các kênh hợp tác quốc tế, Ban Tổ chức có thể mời các nhà báo, chuyên gia về nông nghiệp, môi trường, và phát triển bền vững từ các quốc gia có nền báo chí phát triển tham gia chấm giải hoặc cố vấn. Sự tham gia của họ sẽ mang lại góc nhìn đa chiều, góp phần nâng cao uy tín và sức hấp dẫn của giải thưởng.
Ban Tổ chức cũng có thể mở rộng hạng mục dự thi dành riêng cho các tác giả quốc tế, tập trung vào những bài viết, phóng sự hoặc nghiên cứu về nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để thế giới hiểu hơn về văn hóa, con người và những giá trị độc đáo của nền nông nghiệp Việt Nam. Các tác phẩm này cũng có thể trở thành cầu nối đưa sản phẩm nông nghiệp Việt ra thị trường toàn cầu.
Ban Tổ chức có thể phối hợp với các tổ chức quốc tế như FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc), UNESCO, hoặc các tổ chức phi chính phủ liên quan đến nông nghiệp và phát triển bền vững. Sự hợp tác này không chỉ nâng cao uy tín của giải thưởng mà còn giúp thúc đẩy các dự án hỗ trợ phát triển nông thôn Việt Nam từ các nguồn lực quốc tế.
Mặt khác, có thể sử dụng các nền tảng báo chí quốc tế, mạng xã hội hoặc các kênh truyền thông đa ngôn ngữ để giới thiệu về giải thưởng và các tác phẩm đoạt giải. Các câu chuyện truyền cảm hứng từ nông nghiệp, nông dân Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng thu hút sự chú ý của độc giả toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và bảo tồn văn hóa.
Cũng theo nhà báo Hồng Hạnh: Một số tác phẩm đoạt giải xuất sắc có thể được biên soạn thành sách hoặc tài liệu song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) để giới thiệu đến độc giả quốc tế. Đây không chỉ là cách để lưu giữ giá trị mà còn giúp tăng khả năng tiếp cận các câu chuyện của nông nghiệp Việt Nam với cộng đồng toàn cầu.
"Ban Tổ chức còn có thể tổ chức hội thảo hoặc triển lãm quốc tế, nơi các tác phẩm đoạt giải được trưng bày, kết hợp với các hoạt động quảng bá sản phẩm nông nghiệp, văn hóa làng nghề Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để các tác phẩm dự thi không chỉ được vinh danh mà còn trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước.
Việc quốc tế hóa giải thưởng này không chỉ nâng cao uy tín của giải báo chí mà còn góp phần tạo ra cơ hội hợp tác, giao lưu văn hóa và kinh tế giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đây cũng là cách để chúng ta khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam, không chỉ là trụ cột của nền kinh tế quốc gia mà còn là một di sản văn hóa độc đáo xứng đáng được thế giới biết đến và trân trọng", nhà báo Hồng Hạnh chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.