Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu ngày càng tồi tệ, đến ông Biden cũng lo lắng

30/04/2021 14:24 GMT+7
Tình trạng thiếu chip đang trở nên trầm trọng hơn trên toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng loạt ngành công nghiệp quan trọng từ sản xuất xe hơi đến smartphone.

Ngày càng có nhiều nhà sản xuất trên khắp thế giới gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp chip, khiến các dây chuyền sản xuất bị trì hoãn và nguy cơ đẩy giá thành lên cao.

Tác động đầu tiên của tình trạng thiếu nguồn cung xuất hiện ở ngành công nghiệp ô tô. Các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm lượng đơn đặt hàng chip máy tính vào đầu năm ngoái khi đại dịch buộc nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và doanh số bán xe sụt giảm mạnh. Các nhà sản xuất điện tử, vốn có doanh số cao trong thời kỳ đại dịch, đã vui vẻ chớp lấy nguồn cung dư thừa. Khi doanh số bán xe phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, ngành sản xuất ô tô đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip.

Khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người dân không muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng khiến nhu cầu mua sắm ô tô tăng lên trông thấy. Các hãng sản xuất ô tô đã thuyết phục những đối tác sản xuất chip tăng sản lượng nhanh chóng. Không may, nguồn cung chip tăng không đủ nhanh để phục vụ nhu cầu tăng nhanh như vậy.

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu ngày càng tồi tệ, đến ông Biden cũng lo lắng - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu ngày càng tồi tệ

Ngoài ra, có nhiều cú sốc khác, chẳng hạn lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ với các công ty công nghệ Trung Quốc, cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung chip.

Các chip máy tính là dòng chip có nhu cầu thị trường lớn nhất. Chúng không quá phức tạp hoặc đắt tiền, hưng là thành phần không thể thiếu được sử dụng trong sản xuất từ thiết bị nhà bếp đến máy giặt và các thiết bị điện tử.

Sự thiếu hụt đang trở nên tồi tệ hơn, lan rộng từ ngành công nghiệp ô tô đến điện tử tiêu dùng. Do phần lớn sản lượng chip tập trung ở một số ít các nhà cung cấp, các nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này có khả năng kéo dài đến năm 2021.

Theo Goldman Sachs, 169 ngành công nghiệp của Mỹ cần con chip trong sản xuất sản phẩm của họ. Tổ chức này dự báo nguy cơ thiếu hụt trung bình 20% nhu cầu chip máy tính trong số các ngành bị ảnh hưởng.

Để hiểu tình trạng thiếu chip đang ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào, hãy bắt đầu với ngành công nghiệp ô tô. Mỗi chiếc xe bình quân sử dụng từ 50-150 con chip. Chúng được sử dụng trong nhiều ứng dụng, bao gồm cả hệ thống hỗ trợ người lái và điều khiển điều hướng.

General Motors hồi đầu tháng 4 đã tuyên bố tạm đóng cửa sản xuất tại 2 nhà máy ở Spring Hill, Tennessee và Lansing Delta Township, Michigan ở Mỹ trong những tuần tới. Ngoài ra, gã khổng lồ sản xuất ô tô cũng tuyên bố kéo dài thời gian ngừng hoạt động tại nhà máy Fairfax Assembly ở Kansas City, Kansas và nhà máy CAMI ở Ingersoll, Ontario. Cả hai nhà máy này đã ngừng hoạt động kể từ 8/2. Nhà máy lắp ráp Lansing Grand River vốn đã hạn chế hoạt động từ ngày 15/3 cũng sẽ bị tạm ngừng hoàn toàn do tình trạng thiếu chip.

Mới đây nhất, nhà máy Mini do BMW sở hữu cũng tạm ngừng sản xuất tại một nhà máy ở Anh trong ba ngày do thiếu chip.

Trong tuần, Ford cảnh báo tình trạng thiếu chip sẽ làm giảm sản lượng trong năm 2021 khoảng 1,1 triệu xe và cắt giảm lợi nhuận khoảng 2,5 tỷ USD.

Theo công ty nghiên cứu IHS Markit, tình trạng thiếu chip có thể làm chậm trễ dây chuyền sản xuất 1,3 triệu xe ô tô và xe tải trên toàn cầu trong quý đầu tiên.

Tương tự như ngành công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chip.

Samsung hôm 29/4 tuyên bố đang nỗ lực giảm thiểu tình trạng thiếu chip bán dẫn, vốn có thể tác động tiêu cực đến các lô hàng smartphone.

CFO Apple cũng cảnh báo doanh thu quý II/2021 thấp hơn 3-4 tỷ USD do hạn chế nguồn cung linh kiện, đặc biệt là linh kiện chip để sản xuất iPad và Macbook.

Ngoài ô tô và smartphone, chip máy tính còn được sử dụng trong một loạt các sản phẩm gia dụng như máy giặt, tủ lạnh...

Nguy cơ tăng giá với người tiêu dùng

Đối với người tiêu dùng, việc thiếu chip có thể dẫn đến nguy cơ tăng giá sản phẩm.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi ước tính nguồn cung chip suy yếu có thể làm tăng giá 1-3% ở các mặt hàng bị ảnh hưởng”. 

Chẳng hạn, tình trạng thiếu chip đã đẩy giá xe ở Mỹ lên cao khi lượng xe tồn kho ở các đại lý giảm xuống mức thấp kỷ lục. Giá xe mới trung bình tăng lên 37.200 USD trong quý đầu tiên, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, theo JD Power.

Áp lực lên chuỗi cung ứng chip thậm chí còn thu hút sự chú ý của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã ra lệnh đánh giá những mặt hàng dễ bị tác động bởi sự thiếu hụt chip.


NTTD
Cùng chuyên mục