Thứ bảy, 20/04/2024

Cuối dòng sông Hậu

30/09/2022 1:00 PM (GMT+7)

Những lần có dịp đáp chuyến bay về Trà Nóc, nếu may mắn trời trong, tôi sẽ tranh thủ thu vào tầm mắt hình ảnh sông Hậu ẩn khuất trong mây. Cơ hồ con sông như dải lụa mềm mà các tiên nữ chốn Bồng Lai vô tình đánh rơi, vắt hờ hững trên cánh đồng bát ngát, đẹp tựa khúc hát giao duyên

Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng. Dòng chính chảy hướng Đông - Nam, gọi là sông Bassac, hay sông Bát-Sắc, Ba-Thắc. Dòng phụ chảy theo hướng Tây – Nam, gọi là sông Bình Di, men theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ôm gần một nửa cù lao tả ngạn. Những tưởng cuộc chia ly giữa hai nhánh sông chốn biên thùy sẽ không mong gì có ngày tái ngộ, ngờ đâu qua những gập ghềnh đục trong, chúng lại hợp lưu ở Châu Đốc, tạo nên vùng “giáp nước” tấp nập xuồng ghe, trên bến dưới thuyền.

Cuối dòng sông Hậu - Ảnh 1.

Minh họa: Tô Chiêm

Người xưa bảo, Châu Đốc là xứ sở “tiền tam giang, hậu thất lĩnh”, nghĩa là phía trước có ba dòng sông chảy qua, sau lưng có bảy ngọn núi án ngữ (Thất Sơn). Thế đất ấy, chỉ thịnh chớ khó suy. Hẳn vì thế mà từ đầu thế kỷ XIX, Triều Nguyễn đã chọn Châu Đốc để xây đồn đắp lũy. Không dừng lại ở đó, Gia Long còn hạ lệnh cho đào kênh Vĩnh Tế, nối liền giữa Châu Đốc với Hà Tiên, dài gần trăm cây số. Kênh Vĩnh Tế là công trình quân sự, như một phòng tuyến vững chắc ngăn bước ngoại bang ở vùng biên viễn Tây Nam Tổ quốc ta từ thời khẩn hoang lập ấp. Đó còn là công trình dân sự trọng yếu, dẫn nước ngọt từ sông Hậu tưới tắm khắp các cánh đồng nhiễm phèn nhiễm mặn từ miệt Xuân Tô đến Lạc Quới, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Giang Thành… Nước ngọt chảy đến đâu, hạt lúa bật mầm đến đó. Dân xiêu tán khắp tứ phương cũng lũ lượt kéo đến dọc bờ kênh cất lều dựng trại trồng trọt chăn nuôi, rồi bám trụ nơi đây từ đời này đến đời khác, như sự bén duyên giữa tình đất tình người.

Cũng như bao con sông hay kênh đào khác trên đất Việt, Vĩnh Tế vẫn gánh vác những trọng trách của lịch sử, góp phần trấn an bờ cõi, giữ từng tấc đất quê hương. Gươm chìm giáo gãy, con kênh lại trở về với vẻ đẹp hồn hậu vốn có, như cô gái quê miền Tây dịu dàng e ấp, ngày ngày chuyên chở phù sa bồi đắp ruộng đồng, và là chốn tựa nương của những kiếp thương hồ xuôi ngược. Đặc tính hiền hòa và bao dung của kênh Vĩnh Tế có lẽ được thừa hưởng từ sông Hậu.

Vốn dĩ, cái tên sông Hậu được đặt theo vị trí địa lý của dòng sông này. Bởi trong quá trình “mang gươm đi mở cõi”, ông cha ta từ miền Đồng Nai, Gia Định hướng về phía cực Nam sẽ bắt gặp hai con sông lớn cản bước trường chinh. Gặp trước, gọi là “sông Tiền”, gặp sau, gọi là “sông Hậu”. Nhưng từ “hậu” trong phương ngữ Nam Bộ còn có một nghĩa khác, chỉ đức tính hiền lành, bao dung; nó gần nghĩa với từ “nhân hậu”. Dân quê tôi còn gọi sông Hậu là sông Cái, nghĩa là con sông lớn. Từ “cái” cũng dễ khiến ta liên tưởng đến bậc mẫu thân, người đã cưu mang và chở che cho cuộc đời mỗi chúng ta, sẵn sàng gánh chịu những lỗi lầm nông nổi của chúng ta, “con dại cái mang”. Ngay trong cách gọi tên, đã thấy trong tâm thức của lưu dân phương Nam, sông Hậu không phải là một thực thể vô tri. Sông có cốt cách, có tâm hồn, số phận.

Từ nhỏ, tôi luôn nghĩ, chắc sông Cái rất hiền nên bà con mới gọi là sông Hậu. Bởi vậy, trong một lần đi đò vượt sông, thấy người ta đặt bàn thờ nhỏ ở giữa đò rồi còn thắp nhang nghi ngút, tôi thắc mắc hỏi ba xem họ thờ cúng ai. Vì con sông này xưa tới giờ chỉ ban tặng phù sa, tôm cá cho dân lành chớ nào có làm hại ai đâu mà đến nỗi phải kính sợ. Ba tôi nói đó là bàn thờ Bà Thủy, một vị thần linh thiêng của sông nước. Tôi nhìn kỹ bàn thờ, chẳng thấy biểu tượng gì ngoài một tấm giấy đỏ dựng đứng trong khung kính mỏng, ghi mấy chữ Nho ngoằn nghoèo. Ba tôi giải thích thêm, là tất cả những người làm nghề gắn với sông nước, đều phải thờ cúng các vị Thủy thần. Ở miệt Cửu Long, thần cai quản sông nước cũng chia thành hai phía đối nghịch nhau. Thần chuyên phù trợ cho dân lành thì có Bà Cậu, Bà Thủy. Thần hay quấy phá, gây hiểm họa cho dân là Hà Bá. Người dân thì lúc nào cũng tâm niệm “có thờ có thiêng có kiêng có lành”, nên dù sống kiếp thương hồ hay làm nghề hạ bạc, họ cũng cúng bái, khẩn cầu các vị Thủy thần độ trì. Dưới lòng sông này là cả một thế giới bí ẩn siêu nhiên mà con người không bao giờ có thể chạm tới, ba tôi và dân quê tôi luôn tin như thế, dù mặt sông có đôi lúc phẳng lặng như mặt hồ.

Những lần có dịp đáp chuyến bay về Trà Nóc, nếu may mắn trời trong, tôi sẽ tranh thủ thu vào tầm mắt hình ảnh sông Hậu ẩn khuất trong mây. Cơ hồ con sông như dải lụa mềm mà các tiên nữ chốn Bồng Lai vô tình đánh rơi, vắt hờ hững trên cánh đồng bát ngát, đẹp tựa khúc hát giao duyên. Mùa khô, dải lụa nhuộm màu xanh ngọc điểm tô những khóm mây trắng rải rác. Mùa mưa, tấm lụa chuyển sang màu nâu xám, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng có thể phất phơ bay. Đó là vẻ bên ngoài của dòng sông, chớ tính nết của nó thì cũng không dễ gì thấu hiểu. Tôi nhớ, cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng ví dòng sông giống như tâm tính của một cô gái trẻ lúc đang yêu, có khi vui, có khi buồn, khi hờn ghen vô cớ. Đi dọc theo thủy trình sông Hậu, sẽ thấy có những khúc sông vui như hội, tiếng nước reo ca hòa với tiếng xuồng ghe bạn hàng bán buôn trên chợ nổi. Có những lúc, sông âm thầm chảy giữa đôi bờ hoang vắng. Buồn như bóng bần.

Bữa đi phà Trà Ếch từ Kế Sách, Sóc Trăng qua Cầu Kè, Trà Vinh, tôi mới thấm thía nỗi buồn của dòng sông. Trong màn mưa chiều mờ đục, những rặng dừa nước hai bên bờ rũ ra sông như chới với níu kéo cuộc phân ly. Con đò xập xình ướt sũng, chầm chậm lướt trên mặt sông trắng xóa. Những bóng người ngồi trong khoang đò như những pho tượng gỗ, mắt nhìn về phương vô định. Một bà lão quấn cái mền dày, đầu choàng khăn, nằm gối đầu lên chân đứa con gái đi cùng. Mắt bà khép hờ, hơi thở run run khó nhọc. Thỉnh thoảng, bà gượng mở mắt ra, di chuyển cái nhìn mệt mỏi về phía tôi, rồi hướng ra mũi đò, nơi con sông Hậu thản nhiên trôi. Con gái bà rưng rưng kể với mọi người là bệnh của bà nặng lắm, bác sĩ không chữa được, nằm ở bệnh viện hoài chịu không nổi nên bà đòi về. Nhà bà bên cồn Mỹ Phước, giữa dòng sông Hậu. Ở đó yên tĩnh lắm, chỉ có mấy nóc gia thôi, cây trái xanh ngát bốn mùa, đứng chỗ nào cũng thấy gió sông mát rượi. Ước nguyện của bà là được nằm lại trên cồn đất quê hương, nơi trăm năm trước ông cha của bà đã vượt sông đến đây lập nghiệp. Nằm nơi đây, bà sẽ được những bóng bần che mát, nghe gió thổi xạc xào mấy rặng dừa nước đầu bãi, nghe con sông Hậu trở giấc sớm chiều.

Mưa nặng hạt hơn. Tôi ngồi nhìn dòng sông, nghĩ về những bãi bồi, những cồn nổi mà nó đã tạo nên trong suốt hành trình. Có biết bao nhiêu người đang sống trên dòng sông hiền hòa này, để rồi luyến lưu từng hạt phù sa, xem như một phần máu thịt không thể thiếu. Đến khi về với đất, họ vẫn mong muốn được nằm bên cạnh dòng sông, cho con sông ngày đêm ru giấc thiên thu. Người đến rồi người lại ra đi, chỉ có dòng sông ngàn năm lặng lẽ chứng kiến bao biến thiên thế cuộc.

Ba má tôi phải duyên nhau, theo con nước ngược về cắm sào bên bờ sông Hậu, dựng cái chòi nhỏ để có chỗ che nắng che mưa. Ba tôi giỏi nghề hạ bạc, lại rất siêng năng, má tôi cũng tháo vát nên cả hai bám vào con nước vẫn vun vén được cuộc sống, dựng xây “túp lều tranh hai quả tim vàng”. Mấy anh chị em tôi lần lượt ra đời, ăn con tôm con cá sông Hậu mà lớn lên. Hễ đứa nào biết bơi biết lội là ba cho theo xuồng giăng câu bủa lưới, ba dạy nghề hạ bạc. Dạy thấy cứng tay nghề là ba má sắm xuồng ghe câu lưới cho chúng tôi đi riêng.

Thuở trước cá sông Hậu còn nhiều lắm. Vào mùa nước giựt, giăng câu giăng lưới một đêm đầy xuồng cá là chuyện bình thường. Những người chất chà ven sông, mỗi lần dỡ chà được vài trăm ký cá, phải rọng trong ghe đục để hôm sau đem ra chợ bán. Cá nhiều đến mức đong bằng thúng, bằng bao, ăn không hết mần mắm mần khô để dành năm này qua năm khác. Lâu lâu, xóm tôi lại có người bắt được con cá hô hay cá tra dầu nặng cả trăm ký, xẻ thịt bán xong mua được mấy chỉ vàng. Tiếc là khi tôi lớn lên, những con cá khổng lồ trên sông Hậu đã ngày càng thưa vắng. Nghề hạ bạc cũng khó khăn hơn. Con sông không còn chuyên chở nổi những cuộc mưu sinh nên những người dân nghèo cũng dạt trôi tứ xứ.

Ba tôi ngồi nhìn mấy tay lưới, mẻ câu đóng bụi trong góc nhà, buông một tiếng thở dài não nuột. Ông lặng nhìn dòng sông, trong mắt chất chứa những nỗi niềm rưng rức. Trên sông bây giờ hiếm thấy xuồng ghe làm nghề câu lưới, thay vào đó là mấy chiếc ghe hút cát như mấy con mối sắt khổng lồ, đêm ngày gặm nhấm lòng sông. Phù sa sông Hậu cũng không còn bao nhiêu bởi những đập thủy điện phía thượng nguồn Mekong, như những nhát chém lạnh lùng, chặt nát con sông.

Ba tôi thường dạy, khi con người đối xử tệ bạc với thiên nhiên, thì chắc chắn thiên nhiên sẽ trả đũa lại bằng những đòn chí mạng. Lời dạy ấy đã được minh xác, khi sông Hậu nổi cơn thịnh nộ đạp phăng những mảng đất khổng lồ hai bên bờ, kéo theo nhà cửa cây cối trôi tuột vào lòng sông. Chứng kiến cảnh tượng đó, ba tôi rất sợ. Ông thắp nhang bàn thờ gia tiên, rồi đem rượu ra sông cúng. Gắn bó trọn đời với con sông hiền hòa, lần đầu tiên ba tôi thấy sự dữ dội của nó. Thật ra, sông Mekong cũng có những đoạn rất hung bạo, điển hình như ở tỉnh Champasack, biên giới phía Nam nước Lào. Dòng Mekong nơi đây tạo nên nhiều con thác. Ầm ào như thủy quái. Thác Sompamit là nơi cuối cùng trong thủy trình dòng Mekong trên đất nước Lào. Dòng nước dường như cuồng nộ không muốn rời xa một vùng đất lắm ân tình, gầm gào trước khi bị chế ngự rồi hòa vào các nhánh sông Sekong ở Stung Treng, xuôi về Campuchia. Theo tiếng Lào, Sompamit nghĩa là “ma/quỷ”. Người dân nơi đây cho biết, hầu như ai không may bị đuối nước chết trên dòng Mekong, xác của họ thường được tìm thấy ở thác nước này. Tên gọi của con thác có thể khiến nhiều người khiếp đảm, nhưng khi đứng ngắm dòng thác ta còn khiếp đảm hơn. Nước ầm ầm đổ xuống, va vào hàng trăm khối đá sừng sững, bọt tung trắng xóa mù mịt cả một góc trời. Thử nhắm mắt lại cảm nhận, có lúc tiếng thác trầm đục, lúc lại tru tréo lên như ngàn linh hồn hội tụ về tranh nhau uống cạn dòng Mekong. Gần đó còn có thác Khone Phapheng, chảy quanh miệng khối đá rộng hàng trăm mét, cao mấy chục mét. Có lẽ trong thủy trình ngang qua “đất nước triệu voi”, đoạn sông này dữ tợn nhất. Đến nỗi, thủy lưu của nó như hàng vạn thanh gươm, chặt nát địa hình vốn dĩ là núi non trùng điệp, là đá sỏi khô cằn ra thành hơn bốn ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Người Lào gọi khu vực này là “Si Phan Don” nghĩa là “bốn ngàn đảo”. Trong đó, Don Khong được xem là đảo lớn nhất, với chiều dài mười tám cây số, chỗ rộng nhất khoảng bảy cây số. Các đảo nhỏ thì nhiều, có những đảo nhỏ đến mức chỉ hiện diện trơ trọi một thân cây cổ thụ, xung quanh là dòng nước cuồn cuộn chảy. Cây vẫn đứng. Kiên định. Như sự xác tín của sức sống mãnh liệt.

Ở Si Phan Don hiện nay còn một đường ray xe lửa và mấy đầu máy hơi nước do Pháp bỏ lại. Thời chiếm Đông Dương, Pháp từng có tham vọng mở tuyến đường thủy từ biển Đông đi dọc lên thượng nguồn Mekong, chinh phạt các quốc gia ở lưu vực sông này. Chính các thác nước và những khối đá khổng lồ ở Nam Lào đã ngăn trở bước tiến thực dân. Thuyền bè của Pháp chỉ có thể đi hết lãnh thổ Campuchia, chớ không thể vượt sang Lào. Tuyến đường sắt được xây dựng để trung chuyển cũng bất thành, giờ nằm chỏng chơ cho rêu phủ.

Trên lãnh thổ nước ta, dòng Mekong đã được chế ngự bởi địa hình bằng phẳng. Ngay cả những mùa nước đổ, dòng chảy có nhanh hơn nhưng chẳng gây ra phương hại gì cho con người. Thế nhưng, việc khai thác cát quá mức đã tác động vào dòng sông, khiến cho nhiều vụ sạt lở đất liên tiếp xảy ra. Con sông Hậu vốn dĩ rất hiền hòa giờ lại trở thành nỗi lo sợ cho những lưu dân sống gần với nó. Quả thật là một trớ trêu.

 Trong những giây phút cuối đời, ba tôi vẫn không quên tâm nguyện được đi hết thủy trình của sông Hậu, nhưng bất thành. Anh em chúng tôi chỉ có thể đưa ba ra bến sông, nhìn con nước để hồi ức về những tháng ngày xuôi ngược. Sau này, hễ có dịp là tôi lại đi dọc theo dòng sông Hậu, như một cách thực hiện di nguyện của người đã khuất. Tôi luôn tin rằng, ở một thế giới nào đó, ba tôi vẫn luôn dõi theo từng bước chân tôi. Vài lần, gặp xuồng câu lưới ở giữa dòng, tôi muốn kêu lên một tiếng thật to, như tôi vẫn thường kêu ba về ăn cơm thuở nhỏ. Nhưng dòng sông vẫn điềm nhiên còn tôi chẳng cất được thành lời, chỉ có tiếng gió xào xạc cùng sóng nước.

Càng về phía biển, sông Hậu chảy càng chậm. Dường như nó quá mệt mỏi vì đã trải qua một hành trình dài hơn bốn ngàn cây số lắm thác ghềnh. Nhiều lúc tôi nghĩ, dòng sông cũng không khác gì dòng đời của mỗi chúng ta. Những ngày thơ ấu và thanh xuân, chúng ta hăm hở, mạnh mẽ bao nhiêu, thì càng về cuối đời, tính cách mỗi người thường trầm lắng lại. Mỗi người già như một nhà minh triết, bởi họ dành phần lớn thời gian để chiêm nghiệm, nghĩ suy. Khi chảy ngang qua địa phận tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, con sông Hậu như cũng giấu vào lòng những nỗi niềm trắc ẩn. Sông lặng lẽ soi bóng những ngôi chùa Khmer cổ kính ẩn khuất giữa mấy rặng bần.

Có lần, cũng ở miệt này, tôi tình cờ bắt gặp các nhà sư đi khất thực bên bờ sông Hậu. Họ đi sát hàng dừa nước xanh non, màu áo cà sa vàng sậm rực lên giữa ánh nắng miền hạ. Hình ảnh ấy gợi trong tôi ký ức về các nhà sư Tây Tạng đi hành hương bên bờ sông Lan Thương, giữa những dải cờ ngũ sắc tung bay trong gió. Nó cũng khiến tôi gợi nhớ hình ảnh các nhà sư mà tôi từng gặp ở Wat Phou, một ngôi đền cổ thật tráng lệ ở Lào, bên bờ sông Mekong. Wat Phou là niềm tự hào của người Lào cũng giống như người Campuchia tự hào về Angkor Wat, Angkor Thom. Đó là minh chứng thuyết phục nhất cho cái đẹp còn tồn hiện chốn dương gian. Tôi chạm tay vào Wat Phou với niềm xúc cảm rưng rưng. Những thớ đá được chế tác tinh xảo đến mức cứ ngỡ như được làm từ bàn tay thần linh chứ không phải con người. Trong khuôn viên đền tháp, vài tượng thần đã gãy đổ. Một pho tượng nam thần ngồi tĩnh lặng, mất đầu. Bên cạnh là những vũ nữ uyển chuyển mê hoặc cùng điệu múa truyền thống. Những bức phù điêu bí ẩn như nụ cười của đức Phật. Tất cả xác lập nên một Wat Phou vừa như cõi thực vừa như hư ảo, mê đắm. Người Lào không thắc mắc nhiều vì sao có một Wat Phou ở nước họ. Họ lý giải rằng những người thợ xây dựng Angkor Wat cho Campuchia phần lớn xuất thân ở Lào. Khi ấy, có cuộc thi xây dựng đền tháp. Một nhóm thợ ở Lào xây Wat Phou, một nhóm khác đến Campuchia xây Angkor. Khi cuộc tỉ thí đang diễn ra hấp dẫn thì có người truyền tin rằng ở Campuchia có nhiều phụ nữ tham gia vào nhóm thợ, đông và vui lắm. Các nghệ nhân Lào nghe thế liền chạy sang tham gia cùng nhóm thợ Campuchia, vì họ ham vui, vì sức hút của nữ giới. Thế là nhân loại có được một Angkor Wat chỉnh thể tuyệt tác và một Wat Phou còn dang dở. Truyền thuyết ấy phản ánh khá đúng tính cách người Lào, vui tính, giản đơn, không thích ganh đua. Nó cũng cho thấy từ bao thăng trầm, nữ giới vẫn là động lực và là tác nhân mọi thứ, cả thành lẫn bại. Nhưng dù Wat Phou có thế nào thì đó vẫn là một tuyệt phẩm, “cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”.

Tôi ngồi tựa lưng vào một phiến đá cổ, lặng ngắm Wat Phou chìm nhẹ vào đêm, khi tiếng chuông nâng hồn lên cùng gió núi chốn đại ngàn. Có một nhóm nhà sư đi vào Wat Phou theo một hàng dài. Những mảnh cà sa đỏ sậm rực lên rồi hòa với đêm, hòa cùng thâm nghiêm huyền tích Wat Phou. Bất giác tôi lãng du vào một cơn mộng ảo, được diện kiến hàng ngàn vị Phật từ khắp chốn bay về hội ngộ ở Wat Phou. Tôi chợt nhận ra rằng Phật ở phương nào cũng từ bi. Và Wat Phou, trong khoảng giao hòa nhật nguyệt bỗng như cõi thiên đàn.

Sông Mekong không được mệnh danh là “con sông Phật giáo”, nhưng từ khi khởi nguồn ở cao nguyên Thanh Tạng, Phật giáo đã mọc lên trên khắp lưu vực của nó. Ở Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo thịnh hành bậc nhất. Dù Đại thừa hay Tiểu thừa, Nam tông hay Bắc tông, thì Phật giáo vẫn luôn hướng các tín đồ đến sự từ bi bác ái. Và Phật giáo đã góp phần điểm tô cho Mekong sự huyền bí mang đậm màu sắc tâm linh.

Trước đây, sông Hậu được cho là đổ ra biển Đông bằng ba cửa, Ba-Thắc, Định An và Trần Đề hay còn gọi là Tranh Đề. Thế nhưng, hiện nay cửa Ba-Thắc đã bị lấp do sự biến thiên của địa hình, kể cả những vị cao niên ở khu vực này cũng không còn xác định được vị trí của nó. Chỉ còn hai cửa Định An và Trần Đề ôm lấy Cù Lao Dung, như một lưỡi rìu chém về phía biển. Con phà An Thạnh vượt cửa biển Định An, đi từ huyện Duyên Hải (Trà Vinh) qua huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có tải trọng năm mươi tấn. Chiều hôm đó, khi bước xuống phà tôi cảm thấy nó vô cùng vững chãi, nhưng lúc ra giữa dòng tôi mới biết mình đã lầm. Sóng chồm lên từng đợt, nước tràn vào bên trong phà. Giữa mênh mông nước, tôi không thể xác định nổi đâu là ranh giới của dòng sông, đâu là biển cả, chỉ thấy những bóng cây xanh mờ xa. Gió rít lên từng cơn rồi mưa ào ào trút xuống. Chủ phà gào lên yêu cầu hành khách nhanh chóng mặc áo phao làm chúng tôi càng bất an hơn. Chỉ có ông lão lái phà là bình tĩnh, chậm rãi điều khiển nó nương theo từng đợt sóng, cập bến an toàn. Khi hành khách lần lượt lên bờ hết, ông mới ra phía trước mũi phà, đưa tay quẹt mấy giọt nước mưa còn đọng trên trán, rồi châm thuốc hút. Ánh mắt ông nhìn đăm đăm ra cửa biển, như thách thức từng cơn sóng dữ. Gương mặt chai sạm vì nắng gió với những nếp nhăn ngang dọc, bình thản một cách lạ thường. Phải chăng, trong cuộc tựa nương sinh tồn giữa con người và thiên nhiên, có lúc đôi bên cũng phải tỏ ra gan góc, bản lĩnh như vậy để chế ngự phía còn lại. Nhưng rồi, thiên nhiên và con người cũng đâu thể tách rời, lại phải quyện hòa lẫn nhau, tuy hai mà một.

Bỗng nhớ một sáng mùa xuân năm trước, nắng rất tươi và gió nhè nhẹ thổi, tôi cũng trên con phà vượt cửa biển Trần Đề. Có điều khi ấy, mặt sông vô cùng yên ả, chỉ vài đợt sóng gợn lăn tăn. Một người phụ nữ bồng con ra đứng trước phà, chỉ tay về phía bờ xa, rồi lại hướng mắt ra biển cả. Mấy chiếc tàu đánh cá đang di chuyển chầm chậm, chiếc nào cũng treo những lá cờ nhiều màu sắc, rung rinh trong nắng như đang cười với mùa xuân. Ánh mắt đứa bé hiếu kì dõi theo mọi sự chuyển động. Hẳn người mẹ trẻ muốn con mình thu vào tầm mắt bạt ngàn sóng nước, để mai này con nung nấu khát vọng vượt trùng dương. Và, dòng Hậu giang lại hân hoan nhận mặt bạn đồng hành, cùng viết lên những trang đời xuôi ngược.

Trong tâm thức, tôi chưa bao giờ nghĩ một con sông sẽ có điểm kết thúc. Nếu có, chẳng qua là do con người tự ý vẽ ra. Bởi dòng nước sông kia nếu hòa vào với biển thì đâu hẳn kết thúc hành trình, mà là bắt đầu cho một hành trình mới, bất tận.

Kiếp phù sinh của chúng ta, biết đâu cũng vậy. 

Theo Văn nghệ

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2024 đã diễn ra hoạt động đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có đường kính kỷ lục 3m. Chiếc bánh do 15 nghệ nhân tham gia thực hiện, theo công thức truyền thống.

Bến Tre và Saigontourist ký kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch

Bến Tre và Saigontourist ký kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch

Ngày 16/4, tại Bến Tre, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) và UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn 2024 - 2029.

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Một cốc cà phê vào buổi sáng là thói quen của CEO Apple Tim Cook. Khi đến Hà Nội, ông đã tranh thủ thưởng thức món cà phê trứng độc đáo. Vậy cà phê trứng độc đáo thế nào?

Hé lộ vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024

Hé lộ vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024

Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 kéo dài đến 10 ngày, từ 31/5 đến 9/6. Điểm nhấn của lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 là vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” trên sông Sài Gòn.

Hơn 50.000 quyển sách phục vụ bạn đọc trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Hơn 50.000 quyển sách phục vụ bạn đọc trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có sự tham gia của 31 đơn vị cùng 42 gian hàng, mang đến gần 50.000 quyển sách với hơn 300 hoạt động diễn ra từ 15/5 - 1/5.

Các tỷ phú ăn gì, chơi đâu khi đến Việt Nam

Các tỷ phú ăn gì, chơi đâu khi đến Việt Nam

Tim Cook khá thích thú với món cà phê trứng ở Hà Nội. Bill Gates trải nghiệm buổi thiền trà đặc biệt trên đỉnh Bàn Cờ, Đà Nẵng.