Cuối năm, cầm tiền trong tay, nắm ngay những mẹo đầu tư này để tiền đẻ tiền

Hồng Hương Thứ tư, ngày 29/12/2021 05:01 AM (GMT+7)
Trước giờ tôi gửi ngân hàng nhưng nay sắp đến hạn. Với số tiền 3 tỷ đồng, ngoài gửi ngân hàng thì tôi nên đầu tư kênh nào sẽ phù hợp nhất thời điểm này?
Bình luận 0

“Tôi năm nay 42 tuổi, đã có nhà riêng. Hiện tại tôi làm việc cho một công ty tư nhân ở Hà Nội với mức lương khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng, công việc của chồng cũng khá ổn, mỗi tháng 30 - 40 triệu đồng.

Sau nhiều năm tích cóp (chúng tôi sống chung nhà bố mẹ chồng), vợ chồng dư ra được số tiền ba tỷ đồng này. Thời gian qua, vợ chồng tôi chủ yếu gửi tiết kiệm để lấy lãi. Với 3 tỷ đồng, tuy không phải nhiều nhưng tôi nghĩ cũng là một khoản để có thể đầu tư sinh lời. Vậy, thời điểm cuối năm như lúc này, ngoài gửi ngân hàng, tôi nên đầu tư kênh nào với số tiền trên?” - Đó là chia sẻ của chị Đặng Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội).

img

Chị Hà băn khoăn nên đầu tư gì với số tiền tiết kiệm 3 tỷ đồng

Theo chia sẻ của chị Hà, do vợ chồng chị Hà đều làm công ăn lương, công việc ở công ty khá bận rộn nên ít có thời gian tìm hiểu các kênh đầu tư. Chưa kể, kiến thức về đầu tư sinh lời của vợ chồng chị rất hạn hẹp. Nhưng thấy tiền mặt đang bị mất giá vì lạm phát, khiến vợ chồng chị lo lắng.

“Nhà có chút tiền nhưng vợ chồng tôi vẫn chẳng biết nên đầu tư gì thời điểm sau dịch Covid-19 và thời điểm cuối năm như lúc này. Định đầu tư vàng, bất động sản hoặc cổ phiếu thì chúng tôi không hiểu biết và nhanh nhạy lắm. Chưa kể, nhiều người cho rằng có dấu hiệu cho thấy lạm phát đang có xu hướng tăng lên. Vì thế, có tiền mặt tưởng như an toàn nhất cũng trở nên kém an toàn”, - chị Hà lo lắng nói thêm.

Được biết, lo lắng của chị Hà không phải là ngoại lệ. Thực tế, có nhiều gia đình trẻ tiết kiệm được khoản tiền tương tự như vợ chồng chị Hà, ở mức 2 – 3 tỷ đồng, trong khi năm vừa qua nhiều người có thể mang về lợi nhuận gấp rưỡi, gấp đôi từ các kênh chứng khoán, bất động sản, vàng,... hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.

img

Chứng khoán được coi là kênh đầu tư hút dòng tiền trong hai năm vừa qua

Anh Nguyễn Thái – một người làm trong ngành tài chính đưa ra góp ý: “Ngoại trừ ngân hàng, không có kênh đầu tư nào là an toàn tiếp theo chứng khoán và bđs. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2020, chứng khoán nổi lên là một kênh đầu tư hấp dẫn không kém – đặc biệt là với giới trẻ. Minh chứng tiêu biểu nhất là số lượng nhà đầu tư F0 tăng đột biến trong năm 2020 và 2021.

Tuy nhiên, việc đầu tư kinh doanh lời hoặc lỗ còn phụ thuộc hệ số kinh nghiệm của bạn, và thần may mắn nữa. Theo mình bạn dùng khoảng 500 triệu đầu tư chứng khoán, dùng 1 – 1,5 tỷ tìm mua đất nền và số còn lại gửi ngân hàng chờ cơ hội khác.

Nguyên tắc đầu tiên trong kinh doanh là trứng không để cùng 1 rổ nhé. Hiện giờ cũng có rất nhiều kênh để khảo sát thị trường mà bạn có thể tham khảo nếu muốn nhảy vào kinh doanh. Nhưng hãy nhớ là kinh doanh thường là 1 việc kéo dài vì nó hưởng lợi từ hiệu ứng kinh tế quy mô. Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó thì cũng nên thận trọng và tham khảo nhiều nguồn để tránh lỗ”.

Một số ý kiến khác cho rằng, nếu không muốn gửi ngân hàng thì cách tốt nhất là mua đất mua nhà. Đặc biệt, không nên đầu tư cái chưa biết hoặc chưa chắc ăn để tránh rủi ro tổn thất.

Anh Trần Trung Kiên (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh thực sự sáng suốt khi đầu năm kịp rút số tiền gửi tiết kiệm gần 2 tỷ đồng để chuyển sang bất động sản.

Theo anh Kiên, để tiền mặt trong ngân hàng giờ lãi suất cũng thấp, chưa kể tiền trượt giá. Vì thế, vợ chồng anh quyết định mua đất tại quê nhà (Nam Định), cứ để đó vài năm. “Dù sao BĐS cũng là tài sản hữu hình, hy vọng thời gian tới, cơ sở hạ tầng tại địa phương hoàn thiện giá nhà đất tại đó sẽ tốt lên” - anh Kiên hy vọng.

Tương tự, anh Dũng – một môi giới BĐS cũng cho rằng, từ cuối năm 2020, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên tại nhiều địa phương. Với những người đầu tư bất động sản dài hạn, dù ảnh hưởng bởi lạm phát hay dịch Covid-19, vẫn luôn là tài sản tốt nhất và đáng để nắm giữ nếu có vốn dày, nhất là trụ qua giai đoạn này sẽ sinh lời tốt.

img

Rất nhiều ý kiến đặt niềm tin khi gửi gắm tiền vào đất nền

Theo các chuyên gia về đầu tư, nếu có trong tay một số vốn nhất định có thể chia nhỏ để đầu tư. Trong đó mô hình đầu tư vàng mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng rủi ro cao do xác suất vàng giảm giá là 30%, tăng giá là 70% và biên độ mua vào bán ra khá lớn. Kênh đầu tư an toàn nhất là gửi tiết kiệm nhưng lãi suất hiện tại khá thấp, sẽ không phù hợp với những người có đầu óc kinh doanh, thích thu lại lợi nhuận nhiều. Đầu tư bất động sản là kênh đầu tư ổn định nhưng dài hạn. Đặc biệt, khi giá BĐS tăng quá cao thời gian qua thì nhà đầu tư nên thận trọng.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, với những người có nhu cầu tìm mua BĐS thời điểm này cần nghiên cứu kỹ thị trường, quy hoạch khu vực mình định xuống tiền, tránh đổ xô vào những khu vực đã và đang tăng “nóng” vì những nơi ấy giá đất đang ở “đỉnh sóng”, nếu không tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư sẽ dễ "sập bẫy" và “mắc cạn”.

Trao đổi về tình huống của nhiều gia đình đang gặp phải, một chuyên gia từ Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, có rất nhiều lựa chọn cho mỗi nhu cầu của từng gia đình. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp các gia đình phải luôn đặt vấn đề 'an toàn' lên trên hết. Bảo toàn vốn và gắn liền với nhu cầu tương lại của mình là hướng ưu tiên. Người thích sự chắc chắn và an toàn tuyệt đối thì gửi tiết kiệm, đầu tư dài hạn có thể BĐS; người ưa mạo hiểm và lướt sóng lãi nhanh thì vàng, chứng khoán hay trái phiếu... nhưng khi quyết định cần phải tìm hiểu và tư vấn kỹ.

“Việc quyết định đầu tư vào từng phân khúc thị trường phải cần nhiều thông tin và tính toán của từng người. Tốt nhất bạn bạn chỉ nên đầu tư vào kênh nào đó khi bạn cảm thấy mình đủ kiến thức để hiểu về nó” – vị chuyên gia nói thêm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem