Cuối năm đóng cửa lò giết mổ thủ công ở nội thành

Thứ tư, ngày 11/08/2010 05:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo quy hoạch về giết mổ gia súc gia cầm do Sở Công Thương Hà Nội soạn thảo, các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ trong nội thành và nhiều cơ sở giết mổ gia súc gia cầm thủ công sẽ bị đóng cửa vào cuối năm nay.
Bình luận 0
img
Theo kế hoạch, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công ở Hà Nội sẽ chỉ còn hoạt động hết năm nay.

Lò thủ công thắng thế

Thủ đô Hà Nội có 5 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm công nghiệp công suất giết mổ 1.200 con lợn (60 tấn/ngày) và 14.500 gia cầm (23,10 tấn/ngày). Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở này chỉ hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa chuyển nghề vì không cạnh tranh được với các cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ.

Năm 2009, các cơ sở giết mổ công nghiệp chỉ giết mổ trung bình 100 con lợn và 5.500 gia cầm/ngày, đạt 8,33% công suất giết mổ lợn và 35,71% công suất giết mổ gia cầm; đáp ứng 1,64% nhu cầu thịt lợn và 8,19% gia cầm của thành phố.

Trong khi đó, Hà Nội hiện có 17 cơ sở, điểm giết mổ thủ công tập trung và 3.725 hộ giết mổ nhỏ lẻ. Các sản phẩm từ các lò mổ này không được kiểm soát thú y nên thường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nước thải và phế thải từ các hộ giết mổ này thường được đổ thẳng ra môi trường là nguồn lây lan dịch bệnh, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) thừa nhận: Công tác giết mổ gia súc, gia cầm của Hà Nội hiện nay "rất bát nháo". Người dân kêu ca rất nhiều song năng lực quản lý của các cơ quan chức năng rất hạn chế. "Hầu như các cơ quan chức năng mới chỉ quản lý được các cơ sở giết mổ công nghiệp và các cơ sở, điểm giết mổ thủ công tập trung song hiệu quả cũng không cao" - ông Khánh nói.

Quyết di dời các điểm giết mổ gây ô nhiễm

img Toàn bộ diện tích đất cho các cơ sở giết mổ công nghiệp và thủ công tập trung sẽ là 131,39ha. Sở Công Thương đã đề nghị thành phố hàng loạt chính sách ưu đãi cho đầu tư các cơ sở giết mổ này. Cụ thể là tăng thời hạn miễn giảm thuê đất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất thấp; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật. img

Ông Hồ Quốc Khánh

Theo dự thảo của Sở Công Thương từ nay đến hết năm 2010, các cơ sở giết mổ thủ công vẫn được hoạt động bình thường. Tuy nhiên, từ 2011-2015 khi các dự án giết mổ công nghiệp hoàn thành thì các hộ giết mổ nhỏ lẻ, thủ công này sẽ phải đóng cửa.

Trước mắt hết năm 2010 sẽ đóng cửa các cơ sở giết mổ thủ công trong nội thành và các hộ giết mổ nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Thành phố cũng sẽ quy hoạch lại các điểm giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình thành điểm mổ thủ công tập trung (ví dụ 1 làng có 15 hộ sẽ có 1 điểm được xây hạ tầng giết mổ tối thiểu đảm bảo an toàn vệ sinh, kiểm soát thú y...)

Theo quy hoạch, 17 cơ sở giết mổ thủ công tập trung hiện nay của Hà Nội chỉ có 5 cơ sở được duy trì đến năm 2020; 12 cơ sở còn lại được hoạt động đến hết năm 2011 do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND thành phố đã phê duyệt 8 dự án giết mổ gia cầm công nghiệp tập trung. Nhiều dự án trong số này đã và đang được triển khai, sẽ hoàn thành trong năm các 2010-2011 và năm 2012.

Cùng với các cơ sở giết mổ công nghiệp hiện có, các dự án này sẽ thừa khả năng giết mổ cả trâu, bò, lợn, gà cho Hà Nội đến năm 2015 mà chưa cần bổ sung công suất. Các cơ sở giết mổ mới sẽ phải nằm xa trung tâm thành phố.

Ông Khánh cho biết, hết năm 2010 sẽ cấm triệt để việc giết mổ gia súc, gia cầm trong nội thành và kiểm soát chặt giết mổ thủ công còn phép kinh doanh. Đối với ngoại thành, sẽ xây dựng các điểm giết mổ tập trung do UBND xã làm chủ đầu tư, quản lý theo kiểu cho các hộ thuê với giá ưu đãi thay thế cho việc giết mổ tại gia đình. Thành phố sẽ ban hành tiêu chí về vệ sinh an toàn với thịt gia súc, gia cầm để làm cơ sở kiểm tra, xử lý vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem