Cướp biển Somalia (Ảnh: AP)
Ba thuyền viên Việt Nam vừa được thả sau 4 năm bị cướp biển Somalia bắt cóc. Cùng với họ là 22 thuyền viên khác đến từ các nước châu Á như Đài Loan, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Đây là kết quả sau 18 tháng thương lượng của Chương trình Hỗ trợ Con tin (HSP).
Hiện vẫn còn 10 con tin Iran bị bắt giữ từ năm 2015 và 3 con tin Kenya chưa được giải thoát. Trong đó có một người phụ nữ bị liệt và đang rất ốm yếu, theo điều phối viên của HSP.
Làn sóng hải tặc ở Somalia bắt đầu trỗi dậy từ năm 2005 và đạt đỉnh vào năm 2011 khi cướp biển tấn công 237 tàu, theo Daily Mail. Cuối năm đó, 11 tàu cá nước ngoài đã bị bắt giữ cùng 216 con tin, giúp cướp biển kiếm được trung bình 2 triệu USD tiền chuộc mỗi tàu.
26 thuyền viên vừa được thả tự do ngày 22.10, sau 4 năm bị cướp biển Somalia giam giữ
Deborah Akoth Osiro, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Nairobi ước tính vào năm 2010 có khoảng 1.000-1.500 hải tặc Somali hoạt động tại các vùng biển cách đất liền nước này tới 2.000 km. Hải tặc Somalia thậm chí còn thực hiện các cuộc tấn công ở xa phía nam như Mozambique, hay phía bắc lên tới Biển Đỏ, tiến về cả phía đông như Maldives và cả bờ biển phía nam của Ấn Độ.
Bất ngờ là, cướp biển Somalia thường là những người low-tech (ít am hiểu về công nghệ), theo Globe and Mail. Chúng lướt qua sóng bằng những chiếc thuyền nhỏ, đi chân đất trèo lên tàu và vũ khí của chúng thường cũ rích và hoen gỉ. Thế nhưng, chúng vẫn rất bạo lực và tàn nhẫn, không ngần ngại bắn súng tự động và súng phóng lựu vào tàu đối phương để đe dọa.
Hải tặc nước này cũng được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ trong bóng tối, những người hiếm khi bị bắt. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các chiến binh Hồi giáo Somalia, bao gồm cả nhóm cực đoan al-Shabab, bắt đầu sử dụng cướp biển để quyên tiền cho cuộc nổi dậy không ngừng của họ chống lại chính phủ Somalia.
Cướp biển Somalia trên thuyền nhỏ đặc trưng
Ross Kemp, một diễn viên người Anh từng có một bài viết đăng tải trên Mirror, giải thích sự nguy hiểm của cướp biển Somalia. “Che mặt kín mít, hắn ta khoe khoang rằng mình từng cướp khoảng 200 tàu”, theo bài báo. Càng nói chuyện, Kemp càng nhận ra tên cướp biển là một người nguy hiểm và tuyệt vọng, một kiểu tội phạm được thúc đẩy bởi lòng tham. Hải tặc Somali rõ ràng là những người đi biển dày kinh nghiệm và được đào tạo chuyên nghiệp.
Cũng theo Kemp, tên cướp biển đã thú nhận có khoảng 30 trường ở Somalia, nơi cướp biển đến để trau dồi kỹ năng. Tại đây, chúng được các cựu thành viên của Hải quân Somalia dạy tất cả mọi thứ, từ sử dụng vũ khí đến kỹ thuật phục kích.
Ross Kemp, chụp ảnh cùng với một cướp biển Somalia
Do được huấn luyện và tài trợ, quá trình phục kích, tấn công và đòi tiền chuộc của cướp biển Somalia rất bài bản. Boyah, hải tặc khu vực này, đã kể lại quy trình trên với nhà báo của Guardian.
Boyah từng cướp hơn 25 tàu, nói rằng cướp biển rất “dễ tính”, thường cướp bất kỳ tàu nào trong tầm ngắm. Mặc dù mục đích ban đầu của những tên hải tặc này là bảo vệ vùng biển quốc gia Somali, chúng vẫn không ngại xâm lấn vào vùng biển của nước khác, theo đuổi mục tiêu đến cùng. Boyah cùng đồng bọn chia đối tượng của mình thành 2 loại: tàu thương mại và du lịch. Các tàu thương mại (có mang theo cần cẩu) đi chậm hơn và dễ dàng bị bắt giữ hơn.
Trong các cuộc tấn công, hải tặc chia ra thành nhiều nhóm đi trên các thuyền nhỏ. Boyah và đồng bọn tiếp cận mục tiêu từ mọi phía, bao vây tàu như một đàn sói. Chúng giương vũ khí ra để buộc các thủy thủ dừng tàu và thậm chí còn bắn cảnh cáo lên trời. Nếu các chiến thuật đe dọa không hiệu quả, cuộc tấn công kết thúc ở đó. Nhưng một khi tàu mục tiêu dừng lại, cướp biển sẽ ném thang dây và trèo lên tàu.
Hải tặc Somalia chia ra thành nhiều nhóm đi trên các thuyền nhỏ. Boyah và đồng bọn tiếp cận mục tiêu từ mọi phía, bao vây tàu như một đàn sói
Thủy thủ ít khi chống trả cướp biển, và nếu có, cũng ít khi thành công. Toàn bộ quá trình từ lúc phát hiện tàu đến bắt giữ kéo dài tối đa 30 phút, theo Boyah. Con tàu bị bắt sau đó buộc phải di chuyển đến một cảng biển Somalia, nơi lính canh và thông dịch viên đang đợi sẵn để trông chừng con tin, chuẩn bị đòi tiền chuộc.
Số tiền chuộc sẽ được chia đều cho tất cả các bên liên quan. Một nửa thuộc về cướp biển. 1/3 nằm trong tay các nhà đầu tư, những người bơm tiền cho tàu cướp biển để mua vũ khí, thiết bị. Phần còn lại được chia cho những người liên quan: lính canh, nhà cung cấp thực phẩm và nước, thông dịch viên (đôi khi là học sinh trung học), và thậm chí cả những người nghèo và tàn tật ở địa phương.
Cướp biển Somalia ít khi giết người
Có một điểm nổi bật của cướp biển Somalia là: Chúng ít khi giết người. Đây cũng là điều khiến việc xử lý cướp biển trở nên khó khăn hơn, theo Wall Street Journal. Sau khi cướp biển bắt giữ con tin, lực lượng hải quân hiếm khi hành động, vì con tin còn sống có thể bị thương trong quá trình đó.
Vào năm 2008, có hơn 40 tàu bị cướp ở Somalia nhưng số người chết rất ít. Chỉ có một thuyền trưởng thiệt mạng vì nguyên nhân sức khỏe trong khi bị giam giữ, và một vài dân quân chết khi cố gắng giải cứu tù nhân.
Cướp biển Somalia cũng muốn giữ tù nhân sống sót. Đây dường như là một "danh tiếng" có ích cho chúng. Một dân thường có giá hàng trăm ngàn USD tiền chuộc nếu còn nguyên vẹn. Đồng thời, việc “ít giết người” của cướp biển Somalia đã khiến chính phủ các nước miễn cưỡng trả tiền chuộc để đổi lấy cư dân nước mình.
Nhiều con tin sống sót cho biết họ từng bị cướp biển tra tấn rất dã man
Tuy không giết hại con tin, cướp biển Somalia cũng không hề “nhẹ tay”. Theo BBC, một nửa số con tin bị bắt cóc năm 2011 kể lại rằng họ bị từng bị đấm và tát. 10% bị tra tấn bằng nhiều hình thức như nhốt trong phòng lạnh, bỏng do thuốc lá và giật móng tay (cướp biển dùng kìm để kéo móng tay của con tin ra khỏi tay).
Một trong số 26 thủy thủ châu Á vừa được giải cứu cũng đã tiết lộ về cuộc sống khổ cực họ phải chịu đựng lúc bị giam giữ. Arnel Balbero nói trên BBC rằng các thủy thủ buộc phải ăn bất cứ thứ gì nhặt được, bao gồm cả chuột và họ chỉ được cấp một lượng nước ít ỏi.
Trả lời phỏng vấn tại Nairobi sau khi được trả tự do, Balbero cho biết cướp biển Somalia đối xử với các thủy thủ như động vật. Quãng thời gian bị bắt làm con tin khiến anh giống như một “xác sống” và anh giờ đây cảm thấy rất khó khăn để làm lại cuộc đời, anh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.