Đã có giải pháp xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém

06/11/2022 08:07 GMT+7
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 04 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc và kiểm soát đặc biệt 1 ngân hàng.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém

Chiều ngày 5/11, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, lưu ý. 

Liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và quyết tâm xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và nhiều dự án thua lỗ kéo dài. 

Đã có giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội)

Trong đó, đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 04 ngân hàng thương mại yếu kém, chuyển giao bắt buộc và kiểm soát đặc biệt 1 ngân hàng. Đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang rất tích cực xây dựng phương án khả thi, tốt nhất có thể đối với 7/12 dự án còn lại và các dự án phát sinh khác. Bên cạnh đó, đã xử lý xong, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1 .

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các tổ chức tín dụng yếu kém và các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài. Từ các bài học kinh nghiệm vừa qua, cùng với sự ủng hộ của các cấp có thẩm quyền, của Quốc hội và Nhân dân; Chính phủ sẽ quyết tâm xử lý hiệu quả vấn đề này.

Thị trường vốn cơ bản phát triển đầy đủ

Giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, thị trường vốn đã cơ bản phát triển đầy đủ với các cấu phần thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Quy mô các thị trường này và thị trường bất động sản tăng mạnh .

Tuy nhiên, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu. Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn...

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém; đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường. 

Rà soát, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ. Kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".


A.Vũ
Cùng chuyên mục