Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ phát triển BHXH tự nguyện trong “bão” Covid-19

22/09/2021 09:20 GMT+7
Lũy kế đến 31/8, trên địa bàn quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) đã có 1.749 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt gần 80% chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2021 và vươn lên dẫn đầu toàn thành phố về thực hiện chỉ tiêu này.

Điểm sáng của BHXH Đà Nẵng

Từ cuối tháng 4 trở lại đây, "bão" Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện nhiệm vụ "kép" của các cấp, các ngành trên địa bàn toàn thành phố; trong đó, việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN) nói chung, phát triển BHXH tự nguyện nói riêng cũng không là ngoại lệ.

Trong 5 tháng chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19, Cẩm Lệ cũng là địa bàn "nóng" phát sinh nguồn lây nhiễm, thế nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện lại liên tục tăng (tăng 914 người, chiếm trên 83% tổng số người tăng của toàn thành phố), trong khi các quận, huyện còn lại đều giảm (4 quận giảm 1.045 người) hoặc tăng rất ít (2 quận tăng 154 người). Cẩm Lệ cũng là đơn vị duy nhất liên tục tăng trưởng dương, hoàn thành chỉ tiêu của từng tháng về BHXH tự nguyện.

Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ phát triển BHXH tự nguyện trong “bão” Covid-19 - Ảnh 1.

Cẩm Lệ là đơn vị duy nhất liên tục tăng trưởng dương, trở thành điểm sáng của BHXH TP.Đà Nẵng. Ảnh: Khánh Mẫn.

Trao đổi về nghịch lý trên, lãnh đạo BHXH quận Cẩm Lệ cho biết: Bên cạnh việc bám sát chỉ tiêu kế hoạch được BHXH thành phố giao để chỉ đạo, phân nhiệm, thường xuyên đánh giá kết quả đối với từng chuyên quản; định kỳ rà soát, phân loại, xác định các nhóm tiềm năng; thực hiện đa dạng hóa, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền. 

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, không thể giao tiếp hoặc tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp do thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021, Quyết định số 2860/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND thành phố về việc bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 30/7/2021, BHXH quận đã cụ thể hóa thêm một số giải pháp để tổ chức thực hiện.   

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Một là, chủ động bám sát nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch 333/KH-BHXH ngày 05/3/2021 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH thành phố để triển khai; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 vừa qua.

Hai là, quyết liệt chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu trong từng tháng, đối với từng chuyên quản; không thụ động ngồi chờ Đại lý thu khai thác hay chờ người dân đến đăng ký tham gia (nếu tháng này không đạt thì tháng sau phải khai thác bù, nếu không duy trì tiếp tục được thì phải khai thác mới bù vào để đảm bảo chỉ tiêu phát triển chung của cả đơn vị). Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của từng chuyên quản, mặc dù khó khăn trong điều kiện dịch bệnh rất phức tạp nhưng thời gian qua, đơn vị đã khai thác mới được 940 người, chiếm 53,7% tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ phát triển BHXH tự nguyện trong “bão” Covid-19 - Ảnh 2.

BHXH quận Cẩm Lệ phân nhiệm viên chức trực tư vấn, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT trong giai đoạn cách giãn cách xã hội. Ảnh: Khánh Mẫn.

Ba là, qua nắm bắt tình hình di biến động, sử dụng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, BHXH quận tiếp tục rà soát, xác định đối tượng tiềm năng đối với người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng (không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc), nhất là tại các đơn vị có khả năng hỗ trợ thêm về tài chính, muốn giữ chân người lao động. Điểm thuận lợi của nhóm đối tượng này còn ở chỗ, đơn vị thường xuyên quan hệ với cơ quan BHXH, vì thế các thông tin liên quan từng người đều có thể nắm bắt một cách cụ thể; và thông qua đơn vị, có thể phối hợp tiếp cận, tư vấn, vận động hiệu quả hơn. Trên thực tế, thời gian qua hầu như tăng mới BHXH tự nguyện trên địa bàn quận Cẩm Lệ chỉ tập trung vào nhóm đối tượng này.

Bốn là, cùng với việc xuất danh sách người tham gia đến hạn đóng tiếp cho Đại lý thu, BHXH quận còn tổ chức điện thoại, nhắn tin trực tiếp đến người tham gia BHXH tự nguyện; trong đó, riêng tháng 8 đã điện thoại trực tiếp đôn đốc 401 trường hợp đến hạn, tỷ lệ đóng tiếp đạt 86,8%. Đây cũng được xem là giải pháp mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian qua.

Khi được hỏi về những khó khăn trong công tác phát triển đối tượng nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng trong giai đoạn giãn cách xã hội và định hướng trong thời gian tới, lãnh đạo BHXH quận cũng cho biết thêm: Khó khăn lớn nhất có lẽ là thay đổi thói quen, thay đổi cách tiếp cận, xác định và tìm ra giải pháp, lựa chọn nhóm đối tượng tiềm năng để thực hiện nhiệm vụ "kép" sao cho vừa bền vững, vừa hiệu quả. 

Ngay như việc lựa chọn phát triển BHXH tự nguyện đối với người lao động nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng, BHXH quận cũng áp dụng trong một giai đoạn hoặc một số trường hợp hợp nhất định nào đó (đơn vị có khả năng tài chính hỗ trợ thêm mức đóng để giữ chân người lao động, người lao động có nhu cầu đóng tiếp cho liên tục quá trình tham gia hoặc đóng cho đủ điều kiện giải quyết chế độ nghỉ hưu,…); về lâu dài, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp bền vững theo định hướng BHXH toàn dân.

Ngoài ra, trong giai đoạn giãn cách xã hội, suốt ngày điện thoại, nhắn tin hoặc tương tác qua internet, mạng xã hội, hầu như thay đổi toàn bộ thói quen, phương thức hoạt động, nhiều lúc cũng tác động đến tâm tư của viên chức, người lao động trong đơn vị, nhất là khi không nhận được sự hỗ trợ, thậm chí phản ứng của đơn vị và người dân.

Tuy nhiên, BHXH quận đã xác định rõ quan điểm thực hiện không chỉ vì nhiệm vụ chính trị, mà hơn thế nữa, là vì quyền lợi của người dân, người lao động và góp phần lan tỏa chính sách, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; gặp phải trường hợp phản ứng cũng chỉ là số ít, là cá biệt, vì họ chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa cũng như các quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, cơ quan BHXH là cơ quan của Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

BHXH quận cũng quán triệt đến toàn thể viên chức, người lao động trong đơn vị, nếu không làm gì thì chắc chắn sẽ không có kết quả, cứ làm và nỗ lực hết mình thì ít nhất cũng rút ra bài học kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn.

Thời gian đến, BHXH quận sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch 333/KH-BHXH và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH thành phố (Công văn Công văn 1827/BHXH-TTPTĐT ngày 01/9/2020, Công văn 1360/BHXH-TTPTĐT ngày 29/7/2020, Công văn 1478/BHXH-PTĐT ngày 17/8/2021… về công tác tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH, BHYT); tổ chức phân công, phân nhiệm cụ thể từng chỉ tiêu, từng tháng cho từng viên chức đi đối với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả trên tinh thần "5 rõ"; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, đổi mới phương thức tuyên truyền, thiết lập các kênh tuyên truyền qua internet và mạng xã hội để chủ động tiếp cận, vận động, phát triển người tham gia nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng…

Được biết, BHXH thành phố đang khẩn trương rà soát, triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 2800/KH-BHXH ngày 06/8/2021 của BHXH Việt Nam vừa ban hành. Hy vọng rằng, kết quả vượt "bão" Covid-19 trong phát triển BHXH tự nguyện của BHXH Cẩm Lệ không chỉ là "điểm sáng", mà còn là động lực để đơn vị tiếp tục nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện:

Đà Nẵng: Quận Cẩm Lệ phát triển BHXH tự nguyện trong “bão” Covid-19 - Ảnh 3.

Khánh Mẫn
Cùng chuyên mục