Càng ăn càng gày
Sau khi bán đất, có vốn buôn bán, hơn 10 năm nay, gia đình bà Đặng Thị Minh (Nông Cống, Thanh Hóa) đã thoát khỏi đói nghèo. Để bù đắp cho con cháu những ngày cơm không no, lúc nào bà Minh cũng bày biện 4-5 món, tú hụ thịt, cá, tôm, cua... Khi hai con trai lần lượt sinh 3 đứa cháu, bà Minh càng tăng cường dinh dưỡng, hy vọng cháu mình sẽ cao lớn, thông minh hơn ông bà, cha mẹ. Món nào của các cháu cũng được bà nấu từ nước ninh xương, nước luộc gà, nước cua, cá. Các cháu cũng thả cửa ăn bim bim, uống nước ngọt. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao, cháu bé đã 11 tháng mới được 7kg, gầy yếu, xanh rớt. Hai đứa cháu 4-5 tuổi cũng còi cọc, thấp hơn bạn cùng lứa tới 4-5cm, thường xuyên đi ngoài...
Muốn cao khỏe cần ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất (ảnh: Khám dinh dưỡng cho trẻ tại Viện Dinh dưỡng quốc gia). Ảnh: T.K
TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ còi cọc cho dù ăn nhiều, như khẩu phần ăn mất cân bằng (nhiều chất bột đường nhưng lại thiếu chất đạm, vitamin, khoáng chất); thức ăn nghèo nàn, chế biến không ngon khiến trẻ không muốn ăn, thiếu dưỡng chất hoặc trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy, giun sán…
Kết quả điều tra mới nhất (từ tháng 10.2014 đến tháng 10.2015) của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, so với điều tra 20 năm trước (1995), tình trạng thiếu vi chất của người Việt giảm rất chậm. Cụ thể, trên 80% phụ nữ mang thai được khảo sát thiếu kẽm. Tỷ lệ này ở miền núi lên tới 87%. Còn ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ thiếu kẽm cũng lên tới 69,5%.
Theo TS Trần Thúy Nga – Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), các mục tiêu giảm thiểu vi chất dinh dưỡng đặt ra cho năm 2015 đều không đạt. Bà Nga nhận định, gần 70% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu kẽm sẽ khiến cho hàng triệu trẻ em có nguy cơ thấp còi, đầu óc kém linh hoạt, rối loạn giấc ngủ và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Việc tỷ lệ lớn bà mẹ mang thai thiếu kẽm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và khả năng phát triển chiều cao sau này của trẻ.
Các vi chất còn lại như sắt, iốt, vitamin A nếu bị thiếu cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng chiều cao, phát triển trí lực, sức khỏe của trẻ. Đó là một trong nhiều lý do khiến chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn chung của thế giới; nữ thanh niên đạt 153cm, thấp hơn chuẩn chung trên 10,7cm.
Ăn sai uống nhầm
Theo các chuyên gia, khẩu phần ăn hợp lý thì tinh bột chỉ chiếm 1/3 bữa ăn, chất béo bão hòa chỉ nên chiếm 7% nhu cầu calo mỗi ngày (tương đương 12g mỡ hoặc 150g thịt nạc cho 1 người 50kg), còn lại là rau xanh, hoa quả... Mỗi tuần nên ăn cá ít nhất 2 lần.
|
PGS-TS Lê Bạch Mai- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận định, việc bổ sung vi chất vào bữa ăn không khó. Tuy nhiên, người dân lại không cho đó là việc quan trọng nên thường ăn theo sở thích, ăn tiện dụng, ăn cho xong. Các bữa ăn nhanh, nhiều thịt, thiếu rau xanh và hoa quả. Trẻ em được thả cửa uống nước ngọt, nước có ga trong khi đó là những đồ uống cực kỳ có hại đến sự tăng trưởng của trẻ. “Trẻ em càng uống nhiều nước ngọt, nước có gas thì càng thiếu canxi, chậm tăng trưởng chiều cao, loãng xương” – TS Mai phân tích.
Theo nghiên cứu, cũng có tới 34-36% trẻ em từ 13-15 tuổi ngồi trên 3 giờ/ngày để xem ti vi, lướt web, chơi điện tử… Còn tỷ lệ “ngồi” trên 3 giờ/ngày ở lwứa tuổi 16-17 tuổi đạt tới 50%. “Ngồi nhiều, ít vận động, ăn nhiều thịt, đồ ăn nhanh, ít ăn rau và hoa quả sẽ khiến cho thanh thiếu niên gặp rất nhiều nguy cơ về sức khỏe như béo phì, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, các vấn đề về huyết áp, tim mạch” – TS Lê Bạch Mai cảnh báo như vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.