Dabaco phủ nhận có lợn bị dịch tả heo vẫn được cấp giấy kiểm dịch

Nhóm P.V Thứ hai, ngày 27/05/2019 18:47 PM (GMT+7)
Liên quan đến lô hàng lợn có nguồn gốc từ Công ty TNHH Dabaco Tuyên Quang dù đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, nhưng vẫn có 1 mẫu dương tính với virus dịch tả châu Phi, chiều nay 27/5, ông Nguyễn Khắc Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã chính thức có phản hồi.
Bình luận 0

Cụ thể, lô hàng lợn trên là của chủ hàng có tên Đào Văn Nam, địa chỉ giao dịch Công ty TNHH Dabaco, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Lô hàng này có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, số 003248/CN-KDĐV-UQ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cấp ngày 23/5/2019, do kiểm dịch viên Hoàng Mạnh Đạt ký.

Tuy nhiên, qua việc lấy mẫu (gồm 1 mẫu phủ tạng của con lợn đã chết và 2 mẫu huyết thanh của lợn còn sống), kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho thấy có 1 mẫu nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi. 

img

Văn bản của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang thông báo về kết quả xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi đối với lô hàng lợn vận chuyển vào địa bàn tỉnh.

Chiều nay, trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, sự việc này là do cán bộ thú y làm không đúng quy trình. Làm không đúng thì kiểm dịch viên phải chịu trách nhiệm, còn thực chất lô hàng này có nguồn gốc từ một số hộ chăn nuôi ở xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). 

"Hiện nay lợn thương phẩm của Dabaco đang được tiêu thụ bình thường trên thị trường cả nước. Thông tin lợn có giấy kiểm dịch nhưng vẫn bị nhiễm dịch tả có nguồn gốc của Dabaco đã làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của doanh nghiệp, làm thiệt hại cả về kinh tế lẫn thương hiệu của công ty" - ông Thảo nói.

Ông Thảo cũng cho biết, hiện nay việc phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn nói chung và dịch tả lợn châu phi của toàn công ty vẫn được làm rất tốt, do công ty có 3 phòng kiểm soát được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

"Toàn bộ lợn khi vào trại hay ra trại đều phải trải qua 3 vòng kiểm soát, sát trùng nghiêm ngặt, mọi khâu đều được đảm bảo thực hiện đúng quy trình vì đây là loại dịch bệnh vô cùng nguy hiểm" - ông Thảo cho biết thêm. 

Trước đó, trong văn bản số số 857/SNN-CNTY do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành ký ngày 27/5/2019 phúc đáp lại đề nghị của Công ty TNHH Dabaco Tuyên Quang, cũng xác nhận: 

Ngày 23/5, ông Hoàng Mạnh Đạt, Kiểm dịch viên được ủy quyền, thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang đã cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh số 003248/CN-KDĐV-UQ cho chủ hàng là ông Đào Văn Nam, địa chỉ Công ty TNHH Dabaco xã Phúc Ứng, Sơn Dương vận chuyển 40 con lợn (20 đực; 20 cái), biển kiểm soát xe ô tô tải 22C - 061.60, nơi đến cuối cùng là huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo báo cáo giải trình của kiểm dịch viên Hoàng Mạnh Đạt, số lợn trên được chủ hàng thu gom tại các hộ chăn nuôi thuộc xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, không phải lợn của Công ty TNHH Dabaco Tuyên Quang.

Lý do sai sót bước đầu được xác định do kiểm dịch viên được ủy quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật không làm đúng quy trình (kiểm dịch không thực hiện tại nơi xuất bán) nên đã xảy ra việc chủ hàng mượn danh nghĩa lợn của Công ty TNHH Dabaco Tuyên Quang để kiểm dịch và vận chuyển hàng.

Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang khẳng định sẽ chấn chỉnh công tác kiểm dịch, vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh, đồng thời xử lý nghiệm cán bộ vi phạm theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem