Đặc sản lúa nếp cái hoa vàng bội thu trên đất Kinh Môn

Thu Hà Thứ năm, ngày 28/02/2019 13:40 PM (GMT+7)
Gạo nếp cái hoa vàng là một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của huyện Kinh Môn (Hải Dương). Những năm qua, mô hình trồng nếp cái hoa vàng tại địa phương này liên tục cho năng suất, chất lượng cao nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
Bình luận 0

Đặc sản quý đất Kinh Môn

Tháng 1.2019 vừa qua, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn đã được bình chọn là 1 trong 153 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cả nước. Chương trình Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội NDVN chủ trì tổ chức tại Hà Nội.

img

Tham gia Hiệp hội, nông dân Kinh Môn được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật, tiêu thụ sản phẩm nếp cái hoa vàng. Ảnh: T.L

"Qua thực tế, tôi thấy sử dụng phân bón Lâm Thao không chỉ giống lúa nếp cái hoa vàng mà các giống lúa khác đều cứng cây và hạn chế sâu bệnh, bông lúa cũng dài hơn, hạt mẩy hơn”.

Ông Lương Văn Giang

Ông Lương Văn Giang – Trưởng ban kiểm soát Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn cho biết: “Không có loại lúa nào tốt hơn lúa nếp cái hoa vàng vì “nếp cái hoa vàng còn được gọi là mẹ của các loài lúa” (“cái” có nghĩa là mẹ)”.

Hiện, Hiệp hội có hơn 300 thành viên với diện tích sản xuất hơn 30 mẫu, trồng tập trung ở 3 xã An Phụ, Phạm Mệnh và Long Xuyên. Nếp cái hoa vàng chỉ được trồng vào vụ mùa, khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch. Nếp được gọi là nếp cái hoa vàng do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác”.

Theo ông Giang, nếp cái hoa vàng có thời gian trổ tương đối ổn định, thời gian sinh trưởng khoảng 145-160 ngày, cây cao khoảng 120-125cm, gốc thân to, có khả năng chống đổ; khả năng chịu phèn, chịu chua và trũng khá, chịu hạn tương đối tốt. Năng suất trung bình của nếp cái hoa vàng khoảng 1 – 1,2 tạ/sào.

Kể về việc thành lập Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn, ông Giang cho biết: Từ năm 2006 - 2009, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp kết hợp với các dự án quốc tế đầu tư tại Kinh Môn và lấy xã An Phụ làm nơi thí điểm đầu tiên. Chính vì vậy, năm 2006, hiệp hội mới chỉ là nhóm nông dân sản xuất và thương mại gạo nếp hoa vàng Hải Dương với 36 thành viên, diện tích sản xuất 63 sào.

Đến năm 2007 thì phát triển thành lập 3 nhóm nông dân sản xuất và thương mại gạo nếp hoa vàng Hải Dương với 100 thành viên, sản lượng hàng năm 20 tấn thóc. Ngày 14.10.2008, Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng chính thức được thành lập, Đại hội nhiệm kỳ lần thứ nhất của Hiệp hội đã được tổ chức vào ngày 13.12.2008.

Bí quyết chăm sóc lúa đặc sản

Ông Giang cho biết, ngày càng có nhiều nông dân muốn tham gia Hiệp hội vì có lợi hơn, lại được tham quan, tập huấn  kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, được bao tiêu sản phẩm ổn định. Hiện, nếp cái hoa vàng không chỉ tiêu thụ ở Hải Dương mà còn được bán tại các đại lý ở Hà Nội, các tỉnh phía Nam…

Ông Lê Hoài Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội nói thêm: Sản phẩm nếp cái hoa vàng của Hiệp hội ngày càng được nhiều người biết đến bởi chất lượng thơm ngon hơn so với nếp cái hoa vàng khác, do các thành viên Hiệp hội được tập huấn về kỹ thuật canh tác, thuốc bảo vệ thực vật và chăm sóc cây lúa đúng kỹ thuật, làm ra hạt gạo đều tăm tắp, không gẫy, tỷ lệ tấm thấp. Khi nấu lên hạt trong và ráo, mềm nhưng không nát, ăn vừa thơm lại đậm đà.

Vì thế, tiếng lành đồn xa, gạo nếp cái hoa vàng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến như một loại đặc sản của địa danh Kinh Môn.

Theo các thành viên trong Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn, để giống lúa nếp cái hoa vàng đạt năng suất cao thì việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh rất quan trọng.

Ông Giang chia sẻ: “Gia đình tôi thường chọn các loại phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao để bón cho lúa. Trung bình, mỗi vụ lúa nếp cái hoa vàng tôi thường bón 4 lần phân bón (1 lần bón lót và 3 lần bón thúc) NPK và phân lân Lâm Thao. Cụ thể: Lần 1 bón lót tôi dùng 15-20kg/sào loại phân bón NPK 5.10.3; bón thúc 15kg NPK 12.5.10 chia làm 3 lần, trong đó bón thúc lần 1 đẻ nhánh sau cấy 15 – 20 ngày, bón thúc đón đòng lần 2 và thúc lần 3 sau khi lúa trổ bông”.

Cùng với bón phân bón NPK, trung bình mỗi sào lúa ông Giang còn bón thêm 15 – 20kg lân Lâm Thao. “Qua thực tế, tôi thấy sử dụng phân bón Lâm Thao không chỉ giống lúa nếp cái hoa vàng mà các giống lúa khác đều cứng cây và hạn chế sâu bệnh, bông lúa cũng dài hơn, hạt mẩy hơn”- ông Giang chia sẻ.

Không chỉ gia đình ông Giang thường xuyên sử dụng phân Lâm Thao bón cho lúa và hoa màu, Hiệp hội có đến trên 90% số hộ nông dân sử dụng phân NPK Lâm Thao cho trồng trọt và đều có thu nhập cao từ việc chuyên canh lúa chất lượng cao.

Ông Lê Hoài Khanh cũng chia sẻ thêm những trăn trở của mình về giống lúa nếp đặc sản này, ông mong muốn tìm được nhiều thị trường tiêu thụ, làm sao sản phẩm lúa nếp cái hoa vàng của bà con nông dân bán được giá cao, nhất là giúp người tiêu dùng hiểu hơn về lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn cũng như sớm được cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể Nếp cái hoa vàng Kinh Môn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem