Đặc sản Na Chi Lăng ngon nức tiếng đạt mấy sao OCOP?

11/09/2020 08:26 GMT+7
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất chấm điểm và xếp hạng 4 sao OCOP cho 3 sản phẩm na đó là na dai thị trấn Đồng Mỏ, na dai xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, na Cai Kinh huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Vừa qua hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (đợt 1) năm 2020. Trong đợt 1 này, có 11 sản phẩm của 10 chủ thể thuộc 4 huyện gửi hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn. 

Tại buổi đánh giá, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, tham gia góp ý hồ sơ cho các sản phẩm với những nội dung liên quan đến tên đăng ký, mẫu mã sản phẩm…  

Đặc sản Na Chi Lăng ngon nức tiếng đạt mấy sao OCOP?  - Ảnh 1.

Na Chi Lăng nổi tiếng ngon nức tiếng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Hội đồng đã thống nhất chấm điểm và xếp hạng 11 sản phẩm đạt 3 và 4 sao. Trong đó, 3 sản phẩm xếp hạng 4 sao, gồm: na dai thị trấn Đồng Mỏ, na dai xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), na Cai Kinh (huyện Hữu Lũng); 8 sản phẩm được xếp 3 sao, gồm: rau bò khai thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), na Hòa Lạc, na Yên Sơn, nem nướng Khôi Loan (huyện Hữu Lũng), phở khô đặc biệt Hoàng Quyên, phở tươi Hoàng Quyên (huyện Lộc Bình), thạch Chu Hạnh, rượu Hội Hoan (huyện Văn Lãng).

Sau hội nghị, các đơn vị tiếp tục hướng dẫn các chủ thể bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh để cấp chứng nhận cho các sản phẩm này. 

Đặc sản Na Chi Lăng ngon nức tiếng đạt mấy sao OCOP?  - Ảnh 2.

Việc "gắn sao" OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn.

Việc thực hiện chương trình OCOP, người dân đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh trong mọi khâu của quá trình sản xuất sản phẩm OCOP. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình từ tỉnh đến cơ sở được triển khai thực hiện đồng bộ quyết liệt, linh hoạt, bài bản; sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận... 

Nhiều sản phẩm phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương. Sau khi triển khai theo hướng sản xuất tập trung, phần lớn các sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn. Chính vì vậy, hiệu quả bước đầu khá tích cực, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, phục vụ đời sống người dân, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào thị trường với sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.

Mộc Trà
Cùng chuyên mục