dd/mm/yyyy

Đại biểu Quốc hội đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng đối với phân bón

Trong các phiên thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2022; nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo lắng khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến nông dân đuối sức.

Giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng không còn là chuyện riêng của ngành nông nghiệp

Các đại biểu đều chung đánh giá: Việc chịu tác động sau đại dịch, cộng thêm giá vật tư, nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, giá phân bón… tăng mạnh trong 2 năm qua khiến cho nông dân nhiều nơi lâm vào cảnh khốn khó, không ít trang trại treo chuồng, thanh lý hợp đồng thuê nhà xưởng…

Dù có nhiều tín hiệu phục hồi tốt sau đại dịch, 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt, song các đại biểu chỉ rõ, mặt bằng chung kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. 

Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi tăng liên tục trong 2 năm qua đang khiến người dân lao đao, đơn cử như tại như Lạng Sơn, Bình Phước.

Vì thế, việc cần làm ngay lúc này là tính toán để giảm chi phí giá nguyên liệu đầu vào, tạo đầu ra ổn định và đây không phải là vấn đề riêng của ngành nông nghiệp.

ĐBQH: Đánh thuế GTGT đối với phân bón để bình ổn thị trường vật tư, nguyên liệu đầu vào - Ảnh 1.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu thực tế giá phân bón tăng gần gấp 3 lần, từ 450.000 lên 1,2 triệu đồng/bao khiến nông dân lao đao, đuối sức. Ảnh: QH

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nhấn mạnh: "Giá phân bón tăng gấp 2,5 lần, thuốc bảo vệ thực vật tăng 20%,... đã đẩy người nông dân vào hoàn cảnh khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, giá bán ra lại không tăng. 

Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có biện pháp kiểm soát giá vật tư trong nông nghiệp, đồng thời đề nghị Bộ NNPTNT có giải pháp, hướng dẫn người dân thích ứng, ứng phó với tình hình này".

Nói về giá vật tư nông nghiệp phi mã, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) dẫn chứng: "Hiện nay người dân đã khó khăn, sản phẩm bán ra thấp. Giá phân NPK trước đây chỉ khoảng 450.000/bao, nay lên thành 1,1 triệu đến 1,2 triệu đồng.

Trong đó sản phẩm bán ra không đủ mua một bao NPK để sản xuất. Do đó, Chính phủ cần có chính sách quan tâm hỗ trợ, đặc biệt trong giai đoạn chuyển qua phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch."

Cần thiết áp dụng thuế GTGT đối với phân bón để kìm giá phân bón

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đề nghị: "Chính phủ áp dụng biện pháp tạm dừng xuất khẩu phân bón để giảm áp lực khan hiếm phân bón trong nước. 

Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, trong đó bổ sung mặt hàng phân bón từ đối tượng không phải chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT và áp dụng thuế suất hợp lý để hỗ trợ sản xuất phân bón trong nước".

ĐBQH: Đánh thuế GTGT đối với phân bón để bình ổn thị trường vật tư, nguyên liệu đầu vào - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị QH xem xét đánh thuế GTGT đối với phân bón để góp phần bình ổn thị trường nguyên liệu, vật tư đầu vào trong nông nghiệp. Ảnh: QH

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Quốc Nam (Đoàn ĐBQH Ninh Thuận) bổ sung thêm: "Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Chính phủ cần nghiên cứu quyết sách. Cá nhân tôi đề xuất cần có chuyên đề để giải quyết vấn đề nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Nếu chúng ta không quan tâm sâu sắc và trách nhiệm thì nông dân sẽ gặp khó khăn…".

Dù có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng, giá vật tư tăng cao trong khi giá bán ra không tăng, thu không đủ bù chi khiến nông dân nhiều nơi không mặn mà sản xuất. Về lâu dài điều này sẽ tác động tới sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Do vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần có giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.

Nguyễn Tố