Lấn biển để chủ động đối phó tình trạng biển lấn, việc rất nên làm

10/11/2020 12:13 GMT+7
Trong các phiên chất vấn tại kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, một số ĐB đã nêu ý kiến về việc cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và môi trường tại dự án đô thị lấn biển Cần Giờ. Phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “những tác động của dự án này đã được tính toán một cách hết sức kỹ lưỡng”.

Để tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với GS Trương Đình Dụ, nguyên phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, người từng vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh vì những đóng góp đặc biệt cho Khoa học Thủy lợi. Ông cho biết: “Chúng ta nên hành động nhanh, khi lượng phù sa từ thượng nguồn về hiện nay còn khoảng 50%. Nếu để muộn quá khi phù sa về còn dưới 10% như dự báo thì việc lấn biển đầy khó khăn”.

“Mỗi lần đi dọc bờ biển Cà Mau, Kiên Giang tôi nhìn thấy nhiều vùng bờ biển bị xói nham nhở, nhiều cây xanh, cao 5-7m, bị cuốn trôi ra biển. Người ta nói ở đây mỗi năm, biển cướp mất hơn 500ha đất. Tôi  gọi đó là giặc trời”, GS Dụ chia sẻ.

Lấn biển để chủ động đối phó tình trạng biển lấn, việc rất nên làm - Ảnh 1.

GS Trương Đình Dụ, nguyên phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (bên trái).

Lấn biển hay chờ biển lấn?

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng dự án KĐT lấn biển Cần Giờ. Một số ý kiến cho rằng việc đặt dự án ở vị trí này là rất “liều lĩnh” vì sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hậu quả của biến đổi khí hậu, có thể khiến cả KĐT bị nhấn chìm bởi nước biển dâng. Là chuyên gia đầu ngành về thuỷ lợi và ứng phó với nước biển dâng, quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Ngược lại mới đúng. Cần phải hiểu rằng, về chủ trương, lấn biển là chính xác vì đây chính là cách chủ động để đối phó với tình trạng biển lấn. Nam Bộ đang được coi là vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất, mỗi năm đất lún xuống 2- 3cm, nước biển dâng 0,3cm, Tính ra 10 năm là 23-33cm, 100 năm là 2,3- 3,3m. Gần đây, một Viện nghiên cứu ở Mỹ đã đưa ra con số “khủng”: trong 50 năm nữa TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long chìm trong nước biển. Phần lớn các nhà khoa học của nước ta phản đối ý kiến này. Theo tôi họ nghiên cứu về xu thế là không sai, nhưng nhiều dữ liệu họ chưa đề cập tới, nên không chính xác. Tuy vậy đây là một cảnh báo tốt, để chúng ta không ngồi nhìn biển lấn mà phải hành động để chống lại xu thế đó.

Một điều nên chú ý là nước biển dâng mỗi năm 0,3cm là không đáng sợ, vì nhỏ. Nhưng con số lún đất 2-3cm mỗi năm, do nước ta đo đạc được, là đáng quan tâm, vì quá lớn và hiện chưa có giải pháp chính thức để khắc phục.

Do vậy, dự án lấn biển này có đóng góp quan trọng là: Khi xây dựng khu đô thị, bằng nền cọc cắm sâu vào tầng không lún thì ta đã loại bỏ được hiện tượng lún đất, mà nguyên nhân hiện nay, giới khoa học địa chất cho là do mực nước ngầm bị hạ thấp bởi bơm hút nước ngầm quá lớn.

Bằng cách này, ta không chỉ chủ động ngăn chặn nguy cơ sạt lở bờ biển vốn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt ở một số địa phương phía Nam, mà còn có thể mở rộng tài nguyên đất đang ngày càng bị thu hẹp?

Đúng vậy. Nước ta đất rất hẹp, dân đông, phải lấn ra biển, càng nhanh càng tốt trước khi nước biển làm ngập đất. Chúng ta phải chủ động lấn biển, ở những vùng biển nông để xây dụng khu kinh tế nông lâm nghiệp hoặc xây dựng các các công trình dân sinh, tạo vành đai bảo vệ ngăn không cho biển lấn và sẽ xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước ở các sông để đối phó với nước biển dâng và đất lún. Nhà nước có thể tập trung các nguồn lực, giao cho công dân Việt Nam để lấn biển, giữ đất cho Tổ quốc.

Ở Hà Lan nước biển cao hơn mặt đất liền 5-6m, mà họ đã đầu tư đắp đê, lấn biển, kết hợp đường giao thông ven biển và xây dựng các cống ở tất cả các sông thông ra biển, không cho nước biển xâm nhập, để cho phần đất liền phía trong là những cánh đồng cỏ và hoa tulip mênh mông. Ở nước ta, theo tôi rồi cũng phải theo hướng đó, để dân ta đủ đất sinh sống khi mà nước biển dâng lên và đất thì bị lún xuống.

Nếu phản ứng chậm, khi sạt lở ở đâu mới chống ở đó thì bị động và sẽ bị biển lấn. Dự án lấn biển Cần Giờ là vùng nước nông, nên việc thực hiện có nhiều thuận lợi, bảo vệ được khu vực đất liền phía trong, không sợ lún đất và quan trọng là góp thêm vào quỹ đất gần 3.000 ha đất, cũng như tạo ra khu du lịch sinh thái hiện đại.

Phát triển phải song song với bảo tồn và cống hiến

Thưa Giáo sư, việc xây dựng một đô thị lớn trên vùng đất ngập nước, nền đất như vậy liệu có khả thi hay không?

Về địa chất, trọng lượng của 100m đất ở phía trên, tồn tại hàng trăm năm đã làm cho nền đất cố kết. Bên cạnh đó, ngày nay trình độ xử lý nền công trình của nước ta đủ để giải quyết những vấn đề này. Nhất là xử lý nền bằng móng cọc thì không ngại độ sâu.

Thêm một vấn đề mà dư luận khá quan tâm ở dự án KĐT lấn biển Cần Giờ, đó là nguy cơ làm thay đổi dòng chảy từ biển vào, gây ảnh hưởng tới khu rừng ngập mặn. Nhận định của Giáo sư về việc này như thế nào?

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ cách xa dự án 18 km. Dự án KĐT này lấn ra biển bởi một vòng cung dài mềm mại, cách khá xa bờ biển cũ, nghĩa là dòng ven bờ cũng đã được đẩy ra một khoảng cách tương ứng bám sát vòng cung, không có thay đổi đột ngột, nên theo tôi việc ảnh hưởng tới cửa vào của sông Lòng Tàu và sông Xoài Rạp không đáng lo ngại.

Trong trường hợp dự án làm thay đổi dòng ven bờ, cần được tính toán trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, tránh những rủi ro xảy ra trong quá trình triển khai.

Ngoài những giá trị về việc giữ đất, ngăn đà xâm thực của biển, Giáo sư đánh giá thế nào về tiềm năng của Cần Giờ khi chủ động tiến ra biển để phát triển như vậy?

Đây cũng là vấn đề lớn của Dự án, mà chắc rằng các nhà chính trị, xã hội học, kinh tế học đánh giá thì chính xác hơn. Theo quan điểm của tôi, khi người dân nơi đây có cơ hội việc làm ổn định, kinh tế tốt lên, tự nhiên sẽ không còn những hoạt động tác động xấu đến môi trường rừng và biển, duy trì được lợi ích giữa con người và môi trường. Hơn nữa, có thêm một KĐT du lịch sinh thái, hiện đại song song với khu dự trữ sinh quyển thế giới, sẽ tăng thêm ưu thế lớn, để TP.HCM  là điểm đến hấp dẫn hơn ở Việt Nam và thế giới. Tất nhiên, không được quên phát triển, tìm lợi nhuận, phải đi song song với bảo tồn và cống hiến, để lại cho đời, cho đất nước một công trình lớn đầy ý nghĩa và hấp dẫn. Phải như vậy, phát triển mới bền vững được.

Đức Minh
Cùng chuyên mục